Thạc sỹ Phạm Tiến Duật chủ trì tổ chức và tham gia thực hiện các nội dung của đề tài chia sẻ: Vì Trà hoa vàng Cúc Phương của tỉnh Ninh Bình chưa có một đề tài nghiên cứu chính thức nào về biện pháp kỹ thuật nhân giống nói chung và giâm hom nói riêng.
Qua tìm hiểu tài liệu và các công trình nghiên cứu liên quan, đồng thời đánh giá thực tế, nhận thấy biện pháp giâm hom sẽ mang lại cơ hội rất tốt cho công tác bảo tồn giống, nhân giống rộng rãi trong sản xuất và sẽ là tiền đề cho việc phát triển loài trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Cùng với đó, hướng nghiên cứu của đề tài nhằm cung cấp thêm những thông tin, số liệu nghiên cứu về giâm hom cho loài cây quý này để làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn nguồn gen quý.
Trà hoa vàng Cúc Phương là loài chịu nắng, chịu hạn, có sức sinh trưởng tốt hơn so với đa số các loài trà hoa vàng khác của Việt Nam. Cây được đánh giá có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện trồng thưa, có bóng tán nắng nhẹ. Bắt đầu từ tháng 2/2019, Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia triển khai đề tài.
Cây trà hoa vàng Cúc Phương được đơn vị thu gom, sưu tầm mang về vườn ươm. Việc nhân giống và bảo tồn loài cây này được tiến hành theo phương pháp nhân giống bằng hom (còn gọi là phương pháp nhân giống sinh dưỡng). Đó là việc dùng một phần lá, một đoạn thân, đoạn cành hoặc đoạn rễ để tạo nên cây mới, gọi là cây hom, có đặc tính di truyền như của cây mẹ.
Đặc điểm chủ yếu của phương pháp này là cây có thể giữ được đặc tính của giống gốc, có thể ra hoa sớm, nhưng sự phát triển bộ rễ cây có thể kém hơn, tính thích ứng và sức sống không mạnh, không thể trồng hàng loạt như cây gieo hạt. Cây giâm hom hầu hết đều ra hoa, quả nhanh hơn cây trồng bằng hạt, tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật công phu, giá thành cao hơn gấp 6 - 8 lần so với trồng bằng hạt.
Đến cuối tháng 4/2020 (sau 14 tháng thực hiện đề tài), sau một thời gian ươm tại vườn, đã có hơn 4.000 cây trà hoa vàng được trồng trên diện tích 2 ha.
Quy trình ươm, sản xuất giống, trồng trọt, thu hái, sơ chế cây Trà hoa vàng ở Ninh Bình hiện nay được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chuẩn trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, khi bắt tay vào thực hiện đề tài, Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia đã xây dựng khu nhà lưới trên diện tích gần 1.000 m2, phục vụ cho việc nuôi ươm bảo tồn cây Trà hoa vàng. Khu nhà lưới được đầu tư theo công nghệ của Nhật Bản, kết cấu khung thép, mái dạng vòm bằng nilon và được trang bị hệ thống lưới cắt nắng, giúp cho cây giống không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi của thời tiết và hạn chế sự phá hoại của các loại sâu bọ, côn trùng, tạo ra những cây giống khỏe mạnh.
Đồng thời, tại khu vườn ươm được bố trí hệ thống tưới tự động nhằm giảm công lao động và giúp điều tiết độ ẩm phù hợp. Trà hoa hoa vàng Cúc Phương phát triển, sinh trưởng khá tốt với thổ nhưỡng ở thung Cổ Ngựa, xóm 4, xã Gia Lâm. Dự tính sau khi trồng được 18 tháng thì cây trà ra hoa và sau 2 năm bắt đầu cho thu hoạch. Cây to phải sau 3- 4 năm mới có nhiều hoa. Quá trình thu hoạch trà rất quan trọng, là khâu đầu tiên trong quá trình chế biến trà đúng cách.
Từ khi trà bắt đầu ra hoa, cần tính toán để thu hoạch đúng thời điểm hoa trà nở rộ, lúc này hoa trà cho nhiều chất dinh dưỡng nhất. Đồng thời, người hái cần giữ nguyên cả hoa và đài hoa, phần búp trà hái vừa đủ lá để cây tiếp tục sinh trưởng và phát triển, nên hái đúng lứa và sử dụng tay hái nhằm đảm bảo chất lượng.
Loài cây bản địa quý hiếm này không chỉ có giá trị lớn về dược liệu, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, công dụng giúp điều trị mỡ máu, chữa ung thư, ổn định huyết áp, điều trị tiểu đường, chống ôxy hóa và chống lão hóa hiệu quả. Sử dụng Trà hoa vàng hàng ngày còn giúp cho người dùng một tinh thần sảng khoái, ngủ sâu giấc và giảm căng thẳng mệt mỏi.
Giá thành thị trường hiện nay đối với nụ hoa khoảng 600 nghìn đồng/kg, hoa là gần 1 triệu đồng/kg, lá tươi được phơi khô có giá từ khoảng 500 nghìn đồng/kg, búp khô 4 triệu-5 triệu đồng/kg. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, đến thời điểm này, các mục tiêu của đề tài cơ bản đảm bảo kế hoạch, tiến độ, kết quả bước đầu rất khả quan, giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với một số đối tượng cây trồng khác trên địa bàn nghiên cứu.
Việc nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống cây Trà hoa vàng không chỉ giữ nguồn gen quý, mà còn mở ra hướng phát triển mới cho huyện miền núi Nho Quan, đồng thời nhân ra diện rộng ở nhiều địa bàn có thổ nhưỡng tương đồng, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh