Trong niềm vui, niềm tự hào về truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, chúng tôi muốn dành tình cảm, sự tri ân đến đội ngũ người làm Báo Ninh Bình những ngày đầu thành lập-họ chính là người đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng tờ báo lớn mạnh được như ngày hôm nay.
Cách đây khoảng 6 năm, khi được Ban Biên tập Báo phân công tham gia viết cuốn sách "55 năm Báo Ninh Bình" tôi đã có dịp xem lại những số báo ngày đầu thành lập dưới cái tên Báo Ninh Bình Xây dựng, hiện đang được lưu trữ tại Thư viện tỉnh. Các số báo được đóng thành tập, thường là 6 tháng/quyển, sắp đặt theo thứ tự thời gian.
Dù màu giấy đã bị ố vàng, sờn mép, có những số mất góc, mất trang song chữ và ảnh còn khá rõ nét. Lật giở các trang báo, người đọc có cảm giác như được sống trong không khí sôi động của những ngày đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc và cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam.
Đó là những năm tháng gian lao, vất vả nhưng đầy tự hào của cả dân tộc ta. Bám sát thực tiễn cuộc sống, những người làm báo Báo Ninh Bình ngày ấy với phương tiện hết sức thô sơ nhưng họ đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh phản ánh tiến độ, kết quả cuộc vận động cải tiến quản lý HTX nông nghiệp, phong trào thi đua giành 3 điểm cao (năng suất, chất lượng, tiết kiệm), đặc biệt là khí thế thi đua xây dựng các công trình thủy lợi lớn của tỉnh như đắp đê Hoàng Long, Đầm Cút.
Bên cạnh đó, Báo còn đi sâu phản ánh phong trào bảo vệ trị an, kinh nghiệm trong công tác xây dựng chi bộ bốn tốt; các hoạt động xóa mù chữ, xây dựng cuộc sống mới... Giữa lúc nhân dân miền Bắc đang gặt hái được nhiều thành tựu từ việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Từ đây quân và dân Ninh Bình cũng chính thức bước vào giai đoạn cách mạng mới, cùng lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến. Các nhà báo Báo Ninh Bình cũng lập tức thích ứng với cách làm việc của thời chiến, vượt qua bom đạn hiểm nguy đến với các trận địa, các làng xóm nhằm ghi lại tội ác dã man của đế quốc Mỹ đối với đồng bào ta cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm, không khí thi đua lao động sản xuất của quân và dân các địa phương trong tỉnh.
Trên các số báo liên tục chạy các dòng chữ như những hiệu lệnh, những lời động viên "Vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thi đua mỗi người làm việc bằng hai", "Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng bảo vệ miền Bắc, ủng hộ miền Nam", "Đoàn kết chống Mỹ cứu nước", kèm theo đó là những bài báo viết về những điển hình trong chiến đấu và lao động sản xuất, có tác dụng cổ vũ động viên tinh thần rất lớn đối với cán bộ, nhân dân trong tỉnh, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đi tới thắng lợi cuối cùng bằng đại thắng Mùa xuân năm 1975.
Nhìn lại chặng đường đầu của Báo Ninh Bình đồng thời cũng là những năm tháng đất nước có chiến tranh, mới thấy hết tinh thần vượt khó, ý chí kiên cường của các nhà báo thời đó. Ngày đầu thành lập, Báo chỉ có 8 cán bộ, phóng viên. Hầu hết họ đều còn trẻ, tuổi ngoài đôi mươi, đang công tác ở các lĩnh vực không liên quan nhiều đến nghề viết.
Đồng chí Nguyễn Xuân Lương là Phó Bí thư Tỉnh đoàn được điều sang làm Tổng Biên tập; đồng chí Nguyễn Đình Quỳ từ ngành Văn hóa thông tin, đồng chí Nguyễn Xuân Tế từ ngành Thương nghiệp, đồng chí Nguyễn Thanh Túc từ ngành Giáo dục chuyển sang…
Dù không được đào tạo bài bản, lại làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, yêu nghề họ đã vượt qua tất cả, đảm bảo xuất bản 2 kỳ báo/tuần, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước, đưa tờ Báo trở thành kênh thông tin quan trọng, chủ yếu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
60 năm đã trôi qua, những nhà báo Ninh Bình ngày ấy người còn, người đã đi xa. Có dịp xem lại những trang hồi ký của một số nhà báo lão thành viết cách đây 20 năm nhân dịp kỷ niệm 40 năm Báo Ninh Bình ra số đầu tôi càng thấy trân trọng phẩm chất, bản lĩnh làm Báo của họ.
Đồng chí Nguyễn Thanh Túc, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, một trong những người thuộc thế hệ phóng viên đầu tiên của Báo Ninh Bình đã tâm sự "Tôi công tác ở Báo Ninh Bình không lâu, chỉ có trên 3 năm, từ 1962-1965, nhưng thời gian đó đã để lại trong tôi những ấn tượng, những kỷ niệm hết sức sâu sắc và đẹp đẽ, ảnh hưởng quan trọng về nhiều mặt trong cả cuộc đời công tác của tôi".
Theo ông, những kinh nghiệm ông có được trong thời gian làm báo chính là hành trang quý giá để ông có được sự trưởng thành về sau này. Và những kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị cho lớp nhà báo trẻ hôm nay, đó là phải đọc nhiều, đi nhiều, hỏi nhiều và phải đọc thật kỹ sau khi viết. Còn với cố nhà báo Văn Khoát, được làm báo trong thời kỳ đất nước có chiến tranh chính là niềm tự hào của ông.
Ông kể: Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra gay go ác liệt, thị xã Ninh Bình, quốc lộ 1 và nhiều nhà máy, xí nghiệp, cầu phà, nhà ga bị máy bay Mỹ đánh phá khốc liệt, Báo Ninh Bình phải sơ tán về núi Phú Gia, thuộc xã Ninh Khang (Hoa Lư) bây giờ, phương tiện làm báo chỉ có 2 máy in đạp chân. Do tòa soạn chỉ có 7-8 người nên anh em phải kiêm nhiệm nhiều việc, từ viết bài, chụp ảnh, vẽ maket, sửa mo-rat, tráng phim, phóng ảnh, thậm chí làm cả kế toán, thủ quỹ.
Đi cơ sở chủ yếu bằng xe đạp, có khi còn đi bộ, thế nhưng họ vẫn thường xuyên có mặt ở những nơi nóng nhất để đưa về tòa soạn những bức ảnh và bài viết chân thực nhất từ cuộc sống lao động, chiến đấu của quân và dân ta. Gian nan là thế nhưng khi nhìn lại khoảng thời gian làm báo đó, ông vẫn thốt lên: Làm báo thời chiến thật vui, có nhiều kỷ niệm. Chúng tôi tự hào vì đã cống hiến một phần, dù là nhỏ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước thắng lợi.
Trong bài tự sự của cố nhà báo Xuân Tế, ông cũng rút ra một điều: Làm báo là phải nghiêm khắc với mình. Sự nghiêm khắc là cơ sở đảm bảo cho kỷ cương trong nghề nghiệp, với người làm công tác biên tập không được phép đại khái, qua loa trước những sai sót, dù là nhỏ của phóng viên như dấu chấm, dấu phẩy.
Ông tâm sự "chính sự nghiêm khắc của người biên tập nhiều khi đã làm mếch lòng anh em", nhưng ông vui khi sau này gặp lại đồng nghiệp cũ, họ đã nói với ông rằng: Tôi trưởng thành như ngày hôm nay, một phần do sự nghiêm khắc của anh ngày đó.
Là người làm báo trong thời kỳ hội nhập, với nhiều thuận lợi song không ít khó khăn, thách thức, tôi luôn ý thức được rằng những đóng góp của những người làm báo Báo Ninh Bình ngày đầu thành lập, những bài học kinh nghiệm, những tự sự cũng như niềm tự hào của họ về nghề Báo sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực và tình yêu nghề để thế hệ làm báo hôm nay vươn lên, viết tiếp những trang sử vẻ vang của Báo Ninh Bình, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó.
Hà Trang