Hầu hết các ý kiến đều thống nhất nhận định Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện tính nhân văn, hiện đại, tiếp thu, kế thừa thành tựu các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế tiến bộ của nhân loại, đồng thời tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; những quy định về bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; TAND, VKSND; chính quyền địa phương...
Về lời nói đầu, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Lời nói đầu đã được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng và súc tích hơn về truyền thống, lịch sử đất nước, dân tộc, lịch sử lập hiến của nước ta; nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, mục tiêu xây dựng đất nước và thể hiện mạnh mẽ hơn ý nguyện của nhân dân ta trong việc ban hành và sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không nên sử dụng cụm từ "chủ quyền nhân dân" tại đoạn 4, bởi lẽ nói đến chủ quyền, ta vẫn thường nói đến chủ quyền quốc gia và nó được hiểu là một thuộc tính của quốc gia.
Bên cạnh đó, khái niệm chủ quyền nhân dân tương đối mới và khó hiểu với nhiều người. Do đó nên thay cụm từ "chủ quyền nhân dân" bằng cụm từ "quyền làm chủ của nhân dân". Theo một số đại biểu, trong điều kiện hiện nay ngoài các hành vi chống lại độc lập chủ quyền còn xuất hiện một số hiện tượng tuyên truyền gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, vì vậy kiến nghị bổ sung cụm từ "gây chia rẽ" vào những hành động bị nghiêm trị theo pháp luật tại Khoản 2, Điều 11.
Đối với quyền và nghĩa vụ của công dân, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo đã thể hiện và nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, khẳng định nguyên tắc quan trọng của quyền con người trong mối quan hệ với người khác và các quy định được thể hiện trong các Công ước quốc tế. Tuy nhiên để đảm bảo chặt chẽ hơn, tại Khoản 1, Điều 16 nên bổ sung từ "phải" sau cụm từ "mọi người", đó là "Mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác".
Về các quy định phát triển và quản lý hệ thống giáo dục tại Điều 66, có đại biểucho rằng ngoài xây dựng và quản lý hệ giáo dục quốc dân thì nội dung giáo dục cũng hết sức quan trọng, vì vậy cần bổ sung quy định Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống và nội dung giáo dục quốc dân. Bên cạnh đó, cần có quy định khuyến khích xã hội giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập các trường ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Đối với Chương VI, nhiều ý kiến bày tỏ sự tán thành cao với việc tiếp tục giữ nguyên các quy định của Hiến pháp 1992 về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, đồng thời bổ sung làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về quy định tại Điều 98 khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch, thời gian dài ở đây được hiểu là bao lâu? Lý do không làm việc được ở đây là gì? Do vậy, cần phải quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo cách hiểu thống nhất, tạo điều kiện để Chủ tịch nước hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, các ý kiến còn tập trung đóng góp sâu vào các Điều 4, 8, 21, 22, 26, 57, 69, 107, 108… thể hiện thái độ tích cực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Ninh Bình đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhằm phát huy vai trò làm chủ đất nước của nhân dân nói chung và của mỗi cán bộ, đảng viên, công viên chức nói riêng.
Quốc Khang