Với vỏn vẹn chỉ có 6 người (có lẽ cũng hiếm có cơ quan cấp tỉnh nào hoạt động với lực lượng ban đầu ít như vậy), nhưng các cán bộ, phóng viên Báo Ninh Bình cũng đã kịp trình làng tỉnh mới với 2 số báo đặc biệt là số báo ngày 1/4 và số tiếp theo phản ánh sự kiện Ninh Bình đón đoàn cán bộ của tỉnh trở về từ Nam Định. Đây là 2 số báo in 4 màu giấy cut-sê được chuẩn bị công phu và nỗ lực rất cao của những người làm báo lúc đó nên chất lượng được đánh giá khá cao cả về nội dung và hình thức, được bạn đọc đón nhận với cả tình cảm trân trọng, hãnh diện.
Những ngày đầu tiên ấy đã qua gần 30 năm nhưng trong tâm trí của những người làm báo Ninh Bình vẫn khó có thể phai mờ bởi những khó khăn, gian khổ trong điều kiện thiếu thốn, lạc hậu cho hoạt động chuyên môn báo chí lúc đó.
Khó khăn trước hết là về lực lượng. Thời gian đầu chỉ có 6 người là cán bộ, phóng viên được tách ra từ báo Hà Nam Ninh, hầu hết là người quê Ninh Bình chuyển về. Chỉ có 6 người nhưng phải đảm nhiệm tất cả các công việc của một cơ quan báo gồm công tác quản lý-Ban Biên tập; làm nhiệm vụ của phóng viên-viết tin, bài, chụp ảnh; làm công việc tòa soạn-xuất bản; và công việc hành chính.
Vì vậy mà các ban, phòng, bộ phận đều chỉ có 1 hoặc 2 người, hầu hết phải kiêm thêm nhiều công việc khác nhau. Anh Trần Phượng là Tổng Biên tập, anh Tạ Khôi phụ trách phòng Kinh tế sau đó được đề bạt là Phó Tổng biên tập; anh Trần Gia Huệ phụ trách Phòng Tòa soạn; anh Nguyễn Tiến Lực và anh Nguyễn Tử Tưởng phụ trách Phòng Văn xã; anh Phạm Thanh Bình là phóng viên chuyên ảnh. Tất cả các anh đều là những cán bộ, phóng viên lâu năm, dày dạn kinh nghiệm làm báo.
Hầu hết các anh đều có thể vừa làm công tác biên tập vừa có thể viết tin, bài; có kỹ năng tác nghiệp tốt và tư duy báo chí nhanh nhạy, chuẩn xác nên các anh không chỉ chủ động trong xây dựng kế hoạch, xác định chủ đề, nội dung tuyên truyền mà các tác phẩm báo chí cũng được các anh thể hiện khá nhanh, ít phải chỉnh sửa, làm lại.
Có một điều cũng cần phải nhắc đến là thời kỳ ấy điều kiện kinh tế của nước ta vẫn còn rất khó khăn, nhà báo cũng thế, mua sắm trang thiết bị cho hoạt động chuyên môn là cả một sự tính toán, cân nhắc và dành dụm, tích lũy.
Thế mà cơ quan báo lúc ấy có 6 người thì một nửa các anh trong số đó là các anh: Tạ Khôi, Thanh Bình, Nguyễn Tử Tưởng đã sắm được máy ảnh, học được nghề chụp ảnh và tham gia tích cực vào việc vừa viết tin, bài vừa chụp ảnh, khắc phục được cơ bản tình trạng thiếu ảnh, ít ảnh ở từng số báo.
Khó khăn thứ hai là về cơ sở vật chất. Ngày đầu về tỉnh mới, Báo Ninh Bình được giao trụ sở làm việc là một dãy nhà cấp bốn với 4 gian nhà, mỗi gian có diện tích chừng 15m2. Phòng của Tổng Biên tập vừa là nơi làm việc, nơi ngủ và nơi họp giao ban của cơ quan. Các phòng khác đều có sự bố trí giống nhau gồm tủ tài liệu, bàn làm việc và giường ngủ cho cán bộ, phóng viên.
Trong 6 người chuyển về từ Nam Định, chỉ có một người có nhà riêng ở thị xã Ninh Bình, một người có nhà ở huyện Hoa Lư, còn lại đều ở tập thể, ăn, ngủ, sinh hoạt tại cơ quan. Thời gian sau đó khi có thêm người về thì mỗi phòng thường có ít nhất 2 đến 3 người nên tình trạng ngủ bàn, ngủ ghế là chuyện bình thường. Mùa hè trời nắng nóng, nhà lợp giấy dầu, ngói xi măng, phòng vừa thấp vừa chật chội nên không khí từ sáng đến đêm cứ nóng như rang, rất khó chịu, có người phải mang chiếu ra hiên nằm mới ngủ được.
Về tài sản của báo. Ngoài một số giường tủ, bàn ghế thì tài sản mang về từ Hà Nam Ninh được cho là có giá trị nhất là chiếc xe máy Honda Cup70, chiếc máy ảnh Zenit và chiếc máy đánh chữ. Những tài sản này tuy cũ kỹ, lạc hậu nhưng đã từng là một phần quan trọng trong hoạt động của báo. Chiếc máy chữ đã ròng rã suốt 5 năm trời phục vụ việc đánh công văn, giấy tờ, đặc biệt là đánh bản thảo các số báo trước khi chuyển đi nhà in.
Chỉ đến mãi sau này khi có máy vi tính thay thế thì nó mới dần kết thúc sứ mạng của mình. Tài sản quý nhất và có nhiều ấn tượng nhất là chiếc xe máy Honda Cup70. Đây là phương tiện duy nhất của cơ quan được ưu tiên để cho Tổng Biên tập đi họp hành và đi cơ sở. Thỉnh thoảng khi có việc cần kíp thì còn được huy động cho công việc của tòa soạn, hành chính.
Chiếc xe này đã quá cũ và rệu rã đến mức gây không ít phiền toái cho người sử dụng. Tiếng kêu của nó to đến mức mọi người trong cơ quan có thể nghe và nhận ra tiếng phạch phạch của nó từ khi mới đến chỗ rẽ từ ngoài đường 1 vào cơ quan cách xa tới cả hơn trăm mét. Không ít lần Tổng Biên tập đang đi họp thì giữa đường xe chết máy, không thể khắc phục, đành phải nhờ người đẩy hộ cả đoạn đường dài.
Có lần do làm báo Xuân tại Nam Định, cơ quan cho xe máy đi chở báo, giữa đường xe bị bật cả bu-gi ra ngoài, trời tối phải mò mãi mới tìm được để lắp vào đi tiếp. Mãi sau này khi tỉnh cho mua xe ôtô thì xe Honda mới được thanh lý.
Khi mới tách tỉnh, ở Ninh Bình chưa có xí nghiệp in (nói đúng hơn là Ninh Bình chưa in được báo bằng công nghệ ốp-sét). Vì vậy buổi đầu là 1kỳ/tuần và sau đó một thời gian tăng lên 2kỳ/tuần, báo vẫn phải đi in tại Nam Định.
Ngày nay công nghệ in đã có sự tiến bộ vượt bậc, tại Ninh Bình cũng có nhiều cơ sở in hiện đại với trình độ và chất lượng in rất tốt, không kém mấy so với các tỉnh và thành phố trong cả nước. Báo có thể in ra hàng ngày với số lượng lớn. N
gày ấy Báo Ninh Bình mất rất nhiều thời gian, công sức mới ra được một số báo khổ nhỏ, in đen trắng và chỉ với số lượng khoảng 3.000 tờ. Từ khi nhận bài, đánh máy, vẽ ma-ket ở tòa soạn, phải mất hơn một ngày, mang ra Nam Định lại mất một ngày xếp chữ, sửa mo-rat, một ngày in can, bình bản và một ngày in, sau đó mới chuyển báo ra bưu điện gửi về Ninh Bình theo đường thư báo. Thời gian 3 đến 4 ngày làm một số báo, bây giờ anh em ở Báo Ninh Bình chỉ làm trong một buổi mà chất lượng lại cao hơn rất nhiều.
Năm 1992, xí nghiệp in Nam Định cũng mới đầu tư công nghệ in ốp- sét nên còn nhiều bỡ ngỡ, trình độ, năng lực của nhiều cán bộ, nhân viên còn hạn chế. Điều đó đã ảnh hưởng không ít đến thời gian và chất lượng in báo. Ngoài việc mi bài, chọn phông chữ, in ảnh rất không ổn định, lúc đậm, lúc nhạt, thậm chí có khi ảnh đen xì nhìn không ra hình gì. Có lần làm ảnh một xưởng cơ khí còn bình ngược phim thành ra người thợ trong ảnh lại quay ngược đầu xuống đất.
Còn nhớ, những năm đầu sau đổi mới đất nước, vấn đề nhuận bút cho các báo đã có ít nhiều nâng lên. Tuy nhiên, so với bây giờ thì chẳng là gì bởi chỉ ở báo địa phương thôi cũng có bài được trả 5-6 trăm nghìn, có bài 1-2 triệu đồng. Thu nhập từ nhuận bút có khi cao hơn cả tiền lương. Còn ngày ấy nhuận bút trả cho một tin, ảnh chỉ từ 3-4 nghìn đồng, với bài thì 10-12 nghìn đồng. Người chăm chỉ nhất cũng chỉ được dăm ba chục nghìn đồng tiền nhuận bút một tháng.
Thế nhưng chẳng thấy ai phàn nàn, kêu ca gì cả. Khó khăn và vậy, thiếu thốn là vậy nhưng những người làm báo Ninh Bình thời kỳ đầu vẫn đoàn kết, không ngừng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ 1 kỳ đến 2 kỳ/tuần Báo vẫn ra đều đặn, bám sát sự lãnh đạo của tỉnh, tuyên truyền phản ảnh kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động của địa phương, không để xảy ra sai sót lớn.
Theo thời gian, lần lượt các lớp phóng viên được biên chế về báo, đội ngũ ngày càng đông hơn, mạnh hơn, nhất là thế hệ làm báo sau năm 2000, hầu hết họ là những người trẻ, khỏe, có trình độ chuyên môn cao về báo chí, thông thạo ngoại ngữ và tin học.
Được truyền thụ những kinh nghiệm làm báo từ thực tiễn và nhất là ý chí vươn lên, nghị lực vượt khó của những người làm báo thời kỳ đầu tách tỉnh, những nhà báo trẻ đã tiếp thu, kế tục và phát huy những khó khăn, thuận lợi của thời gian đầu, không ngừng trưởng thành, vươn lên trong công việc và trong cuộc sống.
Không ít người đã trở thành nhà báo giỏi với nhiều tác phẩm có chất lượng cao, đoạt các giải thưởng ở tỉnh và trung ương. Một số người ra đi từ Báo Ninh Bình đã tiếp tục khẳng định uy tín, trình độ tại các cơ quan khác, nhất là các cơ quan báo chí Trung ương.
Gần 30 năm đã qua đi nhưng những người làm báo Ninh Bình thời kỳ đầu có thể vui mừng với những gì họ đã làm được trong chặng đường của những tháng năm sau tái lập tỉnh, dù có muôn vàn khó khăn nhưng cũng nhiều niềm vui, hạnh phúc, góp phần cùng các thế hệ nhà báo viết nên những trang truyền thống rất đỗi tự hào của tờ báo Đảng địa phương trên vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến.
Đỗ Bằng