Bạo hành vẫn tồn tại
Trên thực tế, còn quá nhiều người mơ hồ về khái niệm "bạo hành gia đình". Trong xã hội, do ảnh hưởng bởi tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", việc chồng "dạy" vợ là lẽ thường tình khiến nạn bạo hành càng có cơ hội để hoành hành. Thêm vào đó, bản thân người bị bạo hành không ý thức được quyền lợi của mình nên cứ cúi đầu cam chịu. Người vợ càng sợ hãi, người chồng càng lấn tới. Hành vi bạo hành có nhiều dạng như: Bạo lực thể chất (đánh đập), bạo lực kinh tế (đập phá, cắt thu nhập), bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần…
Chị Trần Thị T (thôn Văn Hà, xã Gia Phương) lập gia đình năm 20 tuổi. Đã hơn 10 năm qua, chị chưa một ngày được hưởng hạnh phúc từ mái ấm đó. Chồng chị là kẻ nát rượu. Chị kể: "Anh ấy chỉ về nhà khi đã say mềm. Hôm sau anh ta lại đòi tiền đi uống rượu. Không đưa tiền thì anh ta đánh đập, chửi bới, đập phá nhà cửa. Nhà tôi cấy một mẫu ruộng, nhưng anh ta chẳng giúp được tí nào. "Bạc mặt" ở ngoài đồng, về nhà lại lăn vào làm việc nhà, nhiều lúc tôi không gượng nổi. Có hôm vừa thấy tôi đi làm về, anh ta đã lao vào đánh đấm túi bụi đến thâm tím mặt mày. Con cái anh ta cũng chẳng tha, đánh mẹ rồi quát đến con. Hai đứa con cứ nhìn thấy bố là… khóc thét. Xấu hổ với xóm làng, nhiều lúc tôi muốn chết đi cho rảnh nợ, nhưng nghĩ thương con nên phải cố gắng sống. Số phận mình đã thế thì phải chịu thôi…". Nhìn bề ngoài, ai cũng tấm tắc khen chị Thu H (thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư) tốt số. Anh chồng là kỹ sư xây dựng, vừa đẹp trai, vừa có tài và kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng thực tế, trong ngôi nhà cao tầng đó chị H đang phải chịu cảnh "địa ngục trần gian". Chị kể: "Anh ta cấm tôi bước chân ra khỏi nhà, cả đi chợ cũng là việc của mẹ chồng. Tôi tốt nghiệp đại học nhưng anh ta không cho tôi đi làm, phải ở nhà phục dịch anh ta. Có lần đánh bạo ra ngoài xin việc, khi về nhà hàng tháng trời anh ta không thèm nhìn mặt, không ăn, không ngủ cùng, cũng không đưa tiền cho tôi. Việc hành hạ tinh thần khiến tôi không thể chịu nổi, một lần tôi liều về nhà mẹ đẻ, ngờ đâu bị chồng túm tóc đánh cho một trận tơi bời. Rồi chị H thổn thức: "Nếu chấp nhận ly hôn tôi sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Nhưng tôi đau khổ đủ rồi. Dù không còn gì tôi vẫn quyết định ly hôn và tôi sẽ cố gắng nuôi con một mình".
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, tính từ tháng 10-2007 đến tháng 9-2008, toàn tỉnh đã xử lý 375 vụ ly hôn có nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình, xét xử hàng trăm vụ án bạo hành gia đình, trong đó có một số vụ án chuyển sang hình sự. Như vậy, bạo hành gia đình hiện vẫn chưa có hồi kết!
Hành động vì phụ nữ
Bà Vũ Thị Tần cho biết: "Hiện, đã có nhiều bộ luật được ban hành nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…Để mọi đối tượng biết và hiểu được nội dung của các bộ luật này thì chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền. Khi đẩy mạnh tuyên truyền thì người dân sẽ hiểu và không còn xem chuyện bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình nữa và cộng đồng sẽ tham gia tích cực trong việc phòng, chống…".
Với quan điểm đó, thời gian qua, mạng lưới Hội đã triển khai thí điểm chương trình "Phòng, chống bạo lực gia đình" ở 34 xã thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn. Theo đó, ở những địa phương này sẽ thành lập một số câu lạc bộ (CLB) như CLB làm chồng, làm cha; CLB học Luật Bình đẳng giới… Hoạt động của các CLB này rất phong phú, tập trung hướng dẫn các thành viên về kỹ năng sống trong gia đình. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên sẽ tham gia thảo luận về các khái niệm thế nào là bạo lực, nguyên nhân và phương pháp phòng, chống bạo lực, phụ nữ có những quyền lợi gì, làm thế nào để chăm sóc phụ nữ… Ngoài thảo luận, các CLB còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh, thi tiểu phẩm… Nội dung cơ bản của các bộ luật được truyền tải linh hoạt, do đó đã thu hút được đông đảo các đối tượng tham gia. Chị Nguyễn Thị Kim Dung (cán bộ phụ trách chương trình) cho biết: "Ngày đầu triển khai chương trình rất ít đối tượng tham gia vì họ có tâm lý sợ bị phê bình. Chúng tôi phải phối hợp với các đoàn thể như Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… của thôn triệu tập các đối tượng đến sinh hoạt. Nhưng khi sinh hoạt, họ thấy nội dung nhẹ nhàng, không bị chỉ trích nên dần dần họ tự nguyện đến sinh hoạt". Anh Đinh Văn Đ (thành viên của 1 CLB) tâm sự: "Đến sinh hoạt, tôi mới nhận ra hành vi sai trái của mình. Trước đây, tôi hay uống rượu say rồi đánh vợ vì tôi nghĩ mình là chồng thì có quyền như vậy. Vợ tôi càng cam chịu thì tôi càng thấy mình "oai". Điều đó thật sai lầm, tôi sẽ sửa chữa lỗi lầm để bảo vệ hạnh phúc gia đình".
Tương tự như nam giới, phụ nữ cũng được tham gia vào "CLB làm vợ, làm mẹ". Tại đây, phụ nữ sẽ được hướng dẫn về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức nuôi dạy con cái, phương pháp đối nhân xử thế… Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em phụ nữ cũng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Đặc biệt, để nâng cao vị thế kinh tế của người phụ nữ, Hội Phụ nữ tỉnh còn phối hợp với các tổ chức xã hội mở lớp dạy nghề, tạo việc làm cho chị em lúc nông nhàn. Mặt khác, qua tổ chức Hội, chị em có hoàn cảnh khó khăn còn được vay vốn của Ngân hàng Chính sách, cán bộ Ngân hàng sẽ tư vấn giúp chị em sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay. Chị Nguyễn Thị B (xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư) phấn khởi: "Tôi sử dụng vốn vay ngân hàng vào chăn nuôi gà. Tôi đã thu hoạch được 3 lứa gà, cho lãi 9 triệu đồng. Có tiền trong tay tôi có thể chủ động tổ chức cuộc sống, không cần phụ thuộc vào "ông ấy" nữa. Mà kỳ lạ lắm, từ khi tôi biết cách làm ăn, có thêm thu nhập thì "ông ấy" có vẻ "thuần" hơn. Tôi có thể tự do đi sinh hoạt CLB chứ không phải lén lút như trước kia. Tình hình gia đình tôi không còn căng thẳng nữa, con cái vui vẻ học hành…".
Phụ nữ là nhân tố không thể thiếu để tạo ra hạnh phúc. Phụ nữ chiếm 50,8% dân số, là 50% lực lượng lao động và họ đã góp một phần công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Họ xứng đáng để chúng ta yêu thương, chăm sóc. Vì phụ nữ, vì hạnh phúc của chính mình, cộng đồng nỗ lực để sớm đặt dấu chấm hết cho câu chuyện "bạo hành gia đình".
Thu Hằng