Do vậy trong công tác nghiệp vụ, chúng tôi xác định yêu cầu: Tuyên truyền vận động công tác xã hội hóa về tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM luôn là nội dung quan trọng của Kế hoạch xuất bản hàng tháng của Tòa soạn được cụ thể vào các nội dung cụ thể sau:
Trong những năm trước mắt, con đường phát triển đi lên của tỉnh phải bắt đầu từ sản xuất nông - lâm nghiệp và sự ổn định, bền vững của nông nghiệp - nông dân - nông thôn… Sự ổn định, bền vững đó sẽ là cơ sở, là yếu tố quyết định nhất cho xác định hướng đi, mục tiêu cần đạt tới, nội dung cần bứt phá. Mối quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành nghề mũi nhọn đột phá của nền kinh tế với sự phát triển của sản xuất nông - lâm nghiệp. Xác định chính xác những vấn đề trên sẽ cho chúng ta câu trả lời phù hợp về những việc cần làm ngay trước mắt và định hướng lâu dài cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân của tỉnh nhà. Đồng thời có cơ sở chính xác cho việc thực hiện xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực, sự chung tay cùng chăm lo cho mục tiêu lớn XDNTM.
Theo phương châm: Công việc dễ làm trước, khó làm sau; ít tiền làm trước, nhiều tiền làm sau. Nghĩa là việc nào hộ gia đình, xóm, bản có thể lo được thì làm trước, việc nào cần sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ từng bước làm sau. Kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp, thực hiện thâm canh, xây dựng cánh đồng cao sản, cánh đồng mẫu cho thu nhập cao, trồng rừng kinh tế tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp; đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh (nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước) gắn với quy định xây dựng nếp sống mới ở vùng nông thôn; ra quy chế, quy định để tạo hành lang pháp lý cho liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà đầu tư, nhà phân phối) cho quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Rồi nghị quyết chuyên đề về việc quy hoạch mở chợ nông thôn, chợ đầu mối; thực hiện dồn điền, đổi thửa để tạo điều kiện cần và đủ về diện tích cho sản xuất tập trung, chuyên canh, thâm canh; lựa chọn, tìm kiếm để xác định cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên, có giá trị kinh tế cao; và nghị quyết về đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và yêu cầu giao thông vận tải, đô thị hóa nông thôn.
Thông qua công tác tuyên truyền, Báo Hà Giang đã phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo XDNTM của tỉnh xây dựng và tuyên truyền đồng bộ cho nội dung bộ tiêu chí cụ thể và xã đạt chuẩn XDNTM với 19 chỉ tiêu, 49 nội dung chi tiết. Xác định trọng tâm là 3 xã điểm được chọn của tỉnh và 40 xã nằm trong kế hoạch dài hạn. Bằng công tác tuyên truyền, Báo Hà Giang đã góp phần quan trọng và quyết định không kém gì đồng vốn và nội lực lòng quyết tâm vượt khó đi lên, bởi nhân dân và cán bộ ở cơ sở đã hiểu rõ rằng báo chí chính là nguồn cung cấp tri thức và sự hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm để vượt khó thoát nghèo, làm giàu tham gia XDNTM. Chính vì thế cánh đồng thâm canh, cao sản, lúa chất lượng cao và các loại cây trồng đặc thù, phù hợp với từng địa phương đã được triển khai rộng khắp ở 11 huyện, thành phố. Việc phát triển đàn trâu ở vùng thấp; đàn bò, dê ở các huyện vùng cao đều được đầu tư mạnh theo hướng xã hội hóa và rất rõ nét cho chăn nuôi hàng hóa. Huyện Quản Bạ đã thử nghiệm thành công phối giống bò bằng thụ tinh nhân tạo, tạo ra đàn bò to lớn, khỏe mạnh. Việc chọn lọc để phát triển giống trâu lai, dê địa phương, gà đen, nhím nuôi nhốt, lợn hướng nạc, lợn rừng, cá sấu nước ngọt, cá chiên, cá hồi…được các đơn vị, cá nhân, đặc biệt là hộ gia đình chủ động đầu tư làm thử, nhân rộng, có sản phẩm hàng hóa với số lượng lớn. Thương hiệu hàng hóa từ sản xuất nông lâm nghiệp tăng sản, chất lượng cao như nếp Xuân Giang, gạo tẻ Già Dui, đậu tương Hoàng Su Phì, rượu Thanh Vân, Há Ía, chè Tiên Nguyên… đã xuất hiện, bán chạy, có uy tín về chất lượng trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Báo Hà Giang còn vào cuộc cùng các ngành chức năng thực hiện việc quy hoạch và tuyên truyền cho quy hoạch dồn điền, đổi thửa để quy tụ đất sản xuất phục vụ sản xuất tập trung, quy hoạch về dân cư, đường phố, cảnh quan, môi trường. Nhiều thị trấn, thị tứ mới được công nhận, làm xuất hiện mới nhiều điểm quy tụ dân cư, trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa mới ở vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Việc đầu tư để đưa điện về nông thôn, phục vụ sản xuất và đời sống, các công trình thủy lợi trọng điểm phục vụ sản xuất, các hồ treo đảm bảo nước sinh hoạt cho người và gia súc ở vùng Cao Nguyên Đá. Rồi kết quả rất thuyết phục của việc Nhà nước hỗ trợ một phần giúp các gia đình nông thôn trong tỉnh làm 3 công trình giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh… Tất cả nội dung trên đã được quan tâm triển khai từ nhiều năm nay thông qua sự lồng ghép, kết hợp của nhiều nguồn vốn như: 135, 134, 30a, Quyết định 167/QĐ-TTg và nguồn ngân sách của tỉnh, huyện, xã. Sự đầu tư giúp đỡ hỗ trợ của tổng công ty, tập đoàn, các nhà hảo tâm, các tổ chức phi chính phủ… đã thật sự đem lại sự đổi thay cho nông thôn Hà Giang trên cả ba lĩnh vực: Một là điều kiện và thực trạng sản xuất nông, lâm nghiệp; hai là điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của bà con nông dân; và thứ ba là cơ chế quản lý, điều hành, gắn liền với chế độ, chính sách cho người dân ở cơ sở. Sự đổi thay theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp, hợp quy luật, khẳng định kết quả bước đầu quan trọng của một chủ trương và cách làm đúng, tạo nên sự đồng thuận của ý Đảng - lòng dân.
(*) Tham luận của Báo Hà Giang tại Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc với chủ đề: "Báo Đảng địa phương tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới".