Một tệ nạn không phải là mới đối với sinh viên, nhưng mấy năm gần đây cùng với số lượng sinh viên gia tăng thì tệ nạn này ngày càng phát triển, đó là nạn lô đề. Cứ sau giờ tan học các điểm ghi lô đề trước cổng các trường đại học, cao đẳng bắt đầu kín chỗ, tiếng tranh luận, phân tích lô đề, cãi cọ cứ mỗi lúc rộ lên sôi nổi.
Một sinh viên tên H được giới sinh viên nghiền lô đề ở Ninh Bình phong cho là "đại ca" vì dám chơi và phân tích, luận đề thuộc hạng "đẳng cấp". H thừa nhận: Trước đây ở quê, thỉnh thoảng cũng có chơi nhưng từ khi đi học ra ngoài này em cứ như bị ma ám, có tiền trong túi là chơi cho bằng hết. Lúc đầu chơi vài điểm đến hàng chục rồi trăm điểm, lần chơi cao nhất 500 điểm lô (tương đương 11,5 triệu đồng).
H kể, có lần trúng lớn mua được xe Nouvo LX và trả hết nợ. Quyết định từ bỏ con đường lô đề trở lại trường học sau những canh dài triền miên trong nợ nần toan tính, nhưng rồi H lại lao vào ăn thua và chiếc xe có được cũng "bay". Sau đó, nhiều đợt mẹ H đã phải mang tiền đi cứu con thoát khỏi "ma đề" với số tiền khoảng 140 triệu đồng.
Không cưỡng lại được với giải thưởng "1 ăn 70" (trúng đề được trả gấp 70 lần), nhiều sinh viên đã dành thời gian học tập vào nghiên cứu, phân tích, luận đề. Sau mỗi lần chơi, số nợ cứ thế ngày một gia tăng và trượt dài trên những số đề. Không ít bạn trẻ ở lứa tuổi đôi mươi không tìm được lối thoát đã dẫn đến những vụ phạm pháp, trộm cắp cướp giật.
Trong một phiên tòa xét xử mới đây tại TAND tỉnh Ninh Bình, về "Vụ lừa bán 7 trẻ em vào nhà chứa" với giá chỉ từ 550 ngàn đến 3 triệu đồng, các đối tượng phạm tội bị phạt từ 3 - 13 năm tù giam. Những đối tượng phạm tội hầu như là sinh viên đang theo học một số trường trên địa bàn, thường xuyên vào mạng tìm phụ nữ trẻ chơi điện tử nợ tiền nét để làm quen, nhận đến "cứu nét" đưa đi chơi và lừa bán cho các nhà chứa…
Một trường hợp khác, để có 40 triệu đồng trả nợ lô đề, lấy thẻ sinh viên đi cắm không được, T (quê huyện Nga Sơn,Thanh Hóa) gọi điện khắp nơi cho bạn bè nhưng đều bị từ chối. Đường cùng, Tâm bắt xe về quê thú thật với bố mẹ. Bố mẹ Tâm đành bấm bụng bán lợn gà, trâu bò, tài sản gia đình lớn nhất để lo cho con ra trường đúng hạn.
Phạm Văn H, một sinh viên có gia đình rất khá giả, mỗi lần ghi lô thường từ vài trăm đến hàng ngàn điểm mà không cần phải đến tận điểm ghi lô. Lần trúng lớn nhất 320 triệu đồng, "thừa thắng xông lên" Hải tiếp tục chơi, nhưng sau đó lâm vào cảnh nợ nần, lần nợ cao nhất nợ 190 triệu, thấp nhất cũng 90 - 100 triệu dù đã nhiều lần bố mẹ đã chấp nhận đi xe từ Kon Tum ra cứu con.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật đang diễn biến phức tạp về số vụ và mức độ nghiêm trọng đặc biệt là tệ nạn lô đề, vi phạm luật giao thông và gây rối trật tự công cộng. Theo số liệu thống kê của công an tỉnh Ninh Bình trong 4 năm 2007 - 2011 các cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố 142 vụ, 180 bị can; xử lý hành chính 317 trường hợp là học sinh, sinh viên. Năm 2011, lực lượng Cảnh sát giao thông còng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 36.526 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 6.144 phương tiện giao thông, trong đó học sinh, sinh viên chiếm một tỷ lệ đáng kể...
Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình tổ chức, thực hiện pháp luật từ phía các cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin mà Nhà nước lại chưa quản lý hết…
Cô Hoàng Thị Phúc, giáo viên môn Pháp luật, trường Cao đẳng y tế Ninh Bình nhận xét: Nhiều gia đình nhiều mải mê làm ăn không có thời gian quan tâm tới con cái, giao toàn bộ việc giáo dục cho nhà trường và xã hội. Khi con em mình có biểu hiện vi phạm pháp luật thì không có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, xã hội để giáo dục.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường chưa được cọi trọng, vẫn coi đây là môn học phụ, các hoạt động ngoại khóa đơn sơ, nghèo nàn, chủ yếu được thực hiện trên văn bản, giấy tờ mà chưa triển khai trên thực tế. Bản thân mỗi sinh viên chưa tự ý thức được bản thân mình, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của các em còn yếu hoặc hoàn cảnh khách quan đưa đến như bị bạn bè lôi kéo, rủ rê …Sự hiểu biết pháp luật một cách chung chung, thiếu chính xác, những quy định của pháp luật do đó vận dụng pháp luật vào đời sống thực tế là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản.
Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW của ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác giáo dục trong nhân dân, quyết định 1928 của Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện, với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.
Qua đó, ý thức pháp luật của cán bộ, nhà giáo, sinh viên từng bước được nâng lên góp phần quan trọng vào việc ổn định môi trường giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để công tác giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên đạt được kết quả thiết thực cần có sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân mỗi sinh viên phải tự trau dồi các kiến thức pháp luật để từ đó nâng cao trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đối với các ngành, các cấp, đoàn thể các địa phương cũng cần có nhiều hoạt động hỗ trợ để thanh niên được tham gia như phát triển kinh tế, giao lưu, tìm kiếm việc làm…
Nguyễn Thị Phương Thảo
(Trường CĐ Y tế Ninh Bình)