Bác sĩ Phùng Văn Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng, tiết trời nóng oi - mưa ẩm trong mùa hè là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh và là nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thức ăn (vi sinh vật, hóa chất, thực phẩm chứa chất độc tố tự nhiên) chưa được kiểm soát. Vì vậy, trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao nhất là từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: Cá, hải sản, sữa... nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Thức ăn để trước 6 giờ có thể tạm coi là vô khuẩn nhưng sau 6 giờ, vi khuẩn đã có thể nhân lên gây ngộ độc.
Trước đó, cuối tháng 4/2018, trên địa bàn đã xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn món trứng cá Hỏa tiễn đúc thịt rán tại một gia đình ở thôn Đông Thành, xã Trường Yên (Hoa Lư), với 14 người mắc, trong đó 13 người phải nhập viện và điều trị với các biểu hiện ngộ độc gồm đau bụng, tiêu chảy và nôn. Theo kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, phát hiện có độc tố Tetrodotoxin trong món trứng cá Hỏa tiễn đúc thịt rán mà các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đã ăn. Đây là loại độc tố tồn tại trong trứng và gan cá của một số loài thủy hải sản như cá Hỏa tiễn, cá Nóc, một số loài ốc, cua, sao biển, con sam…
Theo báo cáo của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 100 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó vụ lớn nhất là 14 người tại Hoa Lư, còn lại là các vụ ngộ độc lẻ tẻ, so với cùng kỳ năm trước có chiều hướng gia tăng. Mặc dù chưa xảy ra trường hợp nào tử vong, nhưng ngành Y tế khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc sử dụng thực phẩm, nhất là việc sử dụng những thực phẩm không biết rõ, thực phẩm nghi ngờ có độc để chế biến thức ăn (các loại lá, quả, nấm tự nhiên, cá nhập khẩu…) cần đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ, được chứng nhận an toàn, để phòng ngừa và không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó không nên chuẩn bị nhiều thức ăn nhanh mà không sử dụng hết, khi kéo dài thời gian để thực phẩm trong môi trường nắng nóng sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng. Đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các đơn vị trường học, công ty, doanh nghiệp…, người chế biến thực phẩm nên rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, bảo quản thức ăn kỹ lưỡng, tránh sử dụng các loại thực phẩm lên men như dưa chua, thực phẩm không tươi sống, có dấu hiệu ôi thiu.
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, toàn tỉnh đã thành lập 260 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn. Kết quả, có 1.921 cơ sở được kiểm tra, gồm cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Trong đó có 270 cơ sở vi phạm, 123 cơ sở vi phạm bị xử lý, 147 cơ sở có vi phạm nhưng không xử lý chỉ nhắc nhở; đồng thời buộc các cơ sở vi phạm thực hiện tiêu hủy 24 loại sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng… Tổng số tiền phạt trên 300 triệu đồng.
Qua đợt kiểm tra cho thấy, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn bộc lộ những sai phạm mà chủ yếu do ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở như thiếu giấy khám sức khỏe; giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP đối với chủ cơ sở, nhân viên bán hàng; đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP đối với cơ sở; hóa đơn, hợp đồng mua bán nguyên liệu, phụ gia thực phẩm... Cùng với đó, vẫn còn tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng..., như buộc tiêu hủy trên 550 kg thịt dê, 10 kg thịt lợn đã bị ôi thiu, bốc mùi. Vẫn còn một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa ý thức được rằng, những vi phạm trong đảm bảo ATTP sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người tiêu dùng.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các Đoàn thanh tra, kiểm tra đã phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về ATTP góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành/chuyên ngành tuyến tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn và thường trú tại Ninh Bình đưa tin kịp thời về việc kiểm tra và xử lý vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh báo tới người tiêu dùng cũng như răn đe đối với cơ sở thực phẩm khác trên địa bàn. Song song với đó đưa nhiều tin, bài về những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn để người dân biết và lựa chọn sử dụng.
Cũng theo bác sĩ Phùng Văn Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Để bảo đảm an toàn, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, cần lựa chọn và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh; thực hiện "ăn chín, uống sôi"…
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt lợi và hại của chiếc tủ lạnh. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng, có thể gây ngộ độc.
Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt vào mùa hè, người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Mỹ Hạnh