A. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014
Năm 2014, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, song các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp cùng cán bộ, quân và dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đặc biệt là đã tập trung thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện: Kinh tế tiếp tục phát triển, tăng trưởng GDP đạt trên 9,8%; sản xuất nông nghiệp được mùa, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu tăng mạnh; chất lượng các ngành dịch vụ được nâng lên; văn hóa xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội đảm bảo; xúc tiến đầu tư, công tác đối ngoại được mở rộng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được tăng cường; xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2014:
Về phát triển kinh tế:
Tốc độ tăng trưởng GDP (giá SS 2010) đạt 9,83% (kế hoạch là 9,8%).
Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 17,8%, riêng công nghiệp tăng 24,3%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,1%; dịch vụ tăng 9,5%
Về cơ cấu kinh tế trong GDP: công nghiệp - xây dựng chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 14%; dịch vụ chiếm 40%.
GDP bình quân đầu người đạt 37,3 triệu đồng; vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 19.600 tỷ đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 50,9 vạn tấn;
Thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.963 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD; khách du lịch đạt 4,34 triệu lượt khách.
Về văn hóa, xã hội và môi trường:
Tỷ lệ đạt chuẩn Quốc gia các trường học Mầm non là 71,3%; Tiểu học mức độ 2 đạt 43,3%; Trung học cơ sở đạt 73,2%; Trung học phổ thông đạt 25,9%.
Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 14,6%;
Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 38%;
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%.
Tỷ lệ dân số dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 89%; ở thành thị đạt 97%.
B. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2015
Năm 2015 là năm cuối thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh. Dự báo kinh tế thế giới cũng như trong khu vực phục hồi chậm. Kinh tế trong nước tiếp tục hội nhập sâu rộng và phải cạnh tranh gay gắt hơn. Vốn đầu tư công tiếp tục phải hạn chế, dành để trả nợ đầu tư XDCB; tình hình thời tiết bất thường, thiên tai, nguy cơ dịch bệnh nhiều phức tạp... Hạ tầng kỹ thuật, những điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch cũng như môi trường đầu tư của tỉnh có nhiều lợi thế so sánh. Bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015.
I. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu
1. Mục tiêu tổng quát:
Tập trung thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội và giảm nghèo; bảo đảm an sinh xã hội. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đầu tư, bảo vệ tài nguyên môi trường; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng lãng phí; tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Một số chỉ tiêu cụ thể:
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP (giá SS 2010) đạt từ 8,5% trở lên.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng khoảng 16%, riêng công nghiệp phấn đấu tăng 23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,1%; dịch vụ tăng khoảng trên 10%.
Về cơ cấu kinh tế trong GDP: Công nghiệp - xây dựng chiếm 47,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 13,5%; dịch vụ chiếm 39%.
GDP bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng; vốn đầu tư toàn xã hội thu hút ổn định khoảng 20.000 tỷ đồng;
Sản lượng lương thực có hạt đạt 50,5 vạn tấn;
Thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 3.200 tỷ đồng;
Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 830 triệu USD; khách du lịch đạt 4,5 triệu lượt khách.
Về văn hóa, xã hội và môi trường:
Tỷ lệ đạt chuẩn Quốc gia các trường học Mầm non là 74%; Tiểu học mức độ 2 đạt 50%; Trung học cơ sở đạt 74,6%; Trung học phổ thông đạt 40%.
Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 14,5%;
Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề khoảng 40%;
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4,5%.
Tỷ lệ dân số dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt 90%; ở thành thị đạt 98%.
II. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
1. Về phát triển kinh tế:
- Tập trung phát triển kinh tế theo hướng chú trọng đến chất lượng, hiệu quả của tăng trưởng; giảm thiểu chi phí trung gian để nâng cao tỷ trọng giá trị tăng thêm trong giá trị sản xuất, nhất là đối với các dự án sản xuất mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường; lựa chọn sản xuất giá trị sản phẩm cao, tạo nguồn thu lớn; ứng dụng phương pháp quản lý hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng lao động.
- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trọng tâm là các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đất đai và về thuế.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, xây dựng chính sách; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, chính sách để phù hợp với thực tế; nhất quán chủ trương thu hút đầu tư, chú trọng xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp.
a/ Cụ thể về phát triển công nghiệp:
- Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng xã hội hóa, chú trọng đến các điều kiện đảm bảo môi trường. Tập trung hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp và đầu tư mới hạ tầng các khu công nghiệp.
- Đổi mới phương thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư; phát huy vai trò của Ban phát triển Kinh tế công nghiệp tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch. Thực hiện các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận, giải ngân vốn cho vay, mở rộng tiêu thụ sản phẩm cho lĩnh vực vật liệu xây dựng.
- Tiếp tục thực hiện các công trình trọng điểm, trong đó hoàn thành giai đoạn I dự án xây dựng Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, dự án đường Đinh Tiên Hoàng và đường Tôn Đức Thắng... Đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy sản xuất phân bón NPK Bình Điền - Ninh Bình, Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao Kyoei, Nhà máy kính nổi CFG...
- Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với quy hoạch bố trí sản xuất trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ đầu tư sản xuất công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
b/ Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới:
- Thực hiện các biện pháp khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 210, Nghị định 67 của Chính phủ. Tăng cường hỗ trợ phát triển giống, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, nuôi trồng, liên kết sản xuất, chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tiếp tục ổn định diện tích trồng trọt, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao; điều chỉnh chính sách hỗ trợ và tổ chức sản xuất vụ đông với quy mô phù hợp; phát triển thủy sản vùng ruộng trũng và xây dựng vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản bãi bồi ven biển; tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, hướng tới hoàn thành và vượt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân nông thôn. Xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện tốt chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ ở nông thôn.
c/ Về phát triển các ngành dịch vụ
- Mở rộng hoạt động thương mại, chú trọng phát triển thương mại bán buôn và nâng cao giá trị xuất, nhập khẩu. Phát triển thị trường hàng hóa, tăng cường quảng bá, tiếp thị sản phẩm để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa trong tỉnh. Cải thiện chất lượng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ khác hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
- Tập trung cao cho các giải pháp về phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực.
- Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Tổ chức các hoạt động khai thác và bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể Danh thắng Tràng An sau khi đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
d/ Về huy động nguồn lực đầu tư
- Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác đầu tư trên địa bàn; rà soát, sửa đổi các chính sách thu hút đầu tư, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14, Chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công. Tăng cường công tác quản lý đầu tư theo hướng hạn chế tối đa các dự án chưa thực sự cấp bách, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển kinh tế ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
- Thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, rà soát chuyển đổi hình thức đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng xã hội hóa, hợp tác phát triển.
- Tổ chức thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là các dự án đầu tư FDI, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và có đóng góp thiết thực hơn đối với nền kinh tế.
2. Về phát triển văn hóa, xã hội
a/ Về giáo dục, đào tạo: Đẩy mạnh việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất giáo dục đảm bảo theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa. Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trên địa bàn, nhất là giáo dục tiểu học, phổ thông cơ sở. Thực hiện quy hoạch hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục, tăng cường theo dõi và đánh giá quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý, gắn với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế tổng thể cũng như trong từng ngành, lĩnh vực; tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng tỷ lệ lao động được đào tạo một cách vững chắc.
b/ Về công tác dân số, y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục kiện toàn các cơ sở y tế công, tăng cường củng cố và nâng cao hoạt động của mạng lưới y tế các cấp; chủ động phòng, chống, kịp thời ứng phó dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh phát triển y tế ngoài công lập thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng các dịch vụ y tế trong nhân dân; xây dựng và thực hiện các biện pháp thu hút, đào tạo phát triển nhân lực ngành y. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách và lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; Tăng cường quản lý giá thuốc và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...
c/ Về phát triển văn hóa thông tin
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) và các Nghị quyết, Chương trình của tỉnh về phát triển văn hóa trên địa bàn; tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tập trung đối với xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, nếp sống văn minh gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đạt chuẩn văn hóa. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa thể thao, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội. Tăng cường huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa.
d/ Về an sinh xã hội và giảm nghèo
Nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách tạo việc làm và giải quyết việc làm; tiếp tục thực hiện nghị quyết về đào tạo nghề. Chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, nhất là trong các doanh nghiệp có người lao động nước ngoài. Giải quyết tốt vấn đề về tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, tập trung ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đề án xây dựng nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức và người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ các khu nhà ở, các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
đ/ Về khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường
Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020 và các chương trình quốc gia về khoa học công nghệ trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ. Tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tăng cường quản lý, bảo hộ và xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình kế hoạch của tỉnh về chính sách đất đai, phát huy hiệu quả đất đai.
3. Về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự xã hội, công tác đối ngoại
- Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, ma túy trên địa bàn; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 48/CT-T.Ư của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Thực hiện Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Chú trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của tỉnh nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Chuẩn bị tốt các phương án tác chiến nhằm ứng phó kịp thời các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn; bảo vệ thành công Đại hội Đảng các cấp.
- Thực hiện nghiêm túc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tổ chức, phối hợp tổ chức tốt các sự kiện quốc tế trên địa bàn.
4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền, thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng
- Đẩy mạnh triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Đẩy mạnh đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, phát huy hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt Đề án, kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử đảm bảo tiến độ, sớm đưa vào ứng dụng.
- Đề cao trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường thanh tra trong công tác quản lý nhà nước, tập trung vào công tác quy hoạch, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý đầu tư xây dựng; tài chính, ngân sách, đầu tư mua sắm tài sản.
III. Tổ chức thực hiện.
Thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, trước mắt cần tập trung:
- Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, hướng về cơ sở, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, phát huy dân chủ và tính sáng tạo của mỗi cá nhân, đơn vị và địa phương.
- Tăng cường thanh tra, giám sát đảm bảo cho mọi hoạt động đúng chính sách, pháp luật.
- Nâng cao vai trò tham mưu của các sở, ban, ngành; tăng cường phối kết hợp chặt chẽ giữa cấp với ngành, ngành với ngành tạo sự liên kết, đồng bộ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
- Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng nhằm tăng cường và phát động các phong trào thi đua yêu nước, vận động quần chúng trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
- Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và những kiến nghị của cử tri trong tỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực ngay từ đầu tháng, đầu quý, đầu năm 2015./.