Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, dân số hơn 51 vạn người, với tỷ lệ trên 95% là người dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có có 117 xã đặc biệt khó khăn, chiếm 89% đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh. Dân số nông thôn chiếm trên 83%.
Những năm qua, cùng với cả nước, Cao Bằng đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã từng bước phát triển…
Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Kinh tế nông thôn từng bước tăng trưởng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Thành quả đó là sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh.
Nhận thức được trách nhiệm và nhiệm vụ tuyên truyền về nông nghiệp - nông dân - nông thôn trên Báo Cao Bằng rất quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức, đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X).
Căn cứ Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hằng năm, Báo Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn; mở chuyên mục "Xây dựng nông thôn mới" trên tất cả các ấn phẩm. Kịp thời đăng tải các văn bản chỉ đạo, nội dung, kế hoạch triển khai chương trình, cơ chế, chính sách, tiềm năng, thế mạnh của địa phương... Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, đã làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy của người dân về xây dựng nông thôn mới, người dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, từ đó chủ động tham gia thực hiện Chương trình.
Ngoài phản ánh không khí thi đua sôi nổi, những tín hiệu tích cực, những mô hình thành công, bài học kinh nghiệm, Báo Cao Bằng đã phản ánh những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh để các ngành, các cấp có hướng chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn..., huy động được các nguồn lực, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, từ việc hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, bao tiêu sản phẩm làm ra trong sản xuất nông nghiệp..., góp phần tích cực tạo diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.
Để công tác tuyên truyền hiệu quả, thiết thực hơn, Báo Cao Bằng đã 2 lần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cuộc thi viết về nông nghiệp, nông thôn. Những tác phẩm dự thi được chọn lọc đăng tải trên các ấn phẩm của Báo tập trung tuyên truyền những cách làm hay, việc làm cụ thể của các địa phương, đơn vị, những gương điển hình tiên tiến trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới..., cổ vũ phong trào xây dựng nông thôn mới, khẳng định báo chí thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, thống nhất giữa lòng dân và ý Đảng; đồng thời thể hiện trách nhiệm của cộng đồng của các doanh nghiệp, đơn vị trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tổng kết cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giải cho trên 40 tác giả có tác phẩm xuất sắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trước tiên là hạn chế trong nhận thức của một bộ phận nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện Chương trình; hạn chế trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; các hạn chế trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ảnh hưởng đến tính bền vững của các tiêu chí NTM; tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chậm và thiếu ổn định; giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích còn thấp; chưa khai thác hết được tiềm năng lợi thế của địa phương; thu nhập của nông dân thấp.
Sản xuất nông nghiệp dàn trải theo chiều rộng, chưa chú trọng phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp chưa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Công tác dự báo thị trường còn yếu và thiếu. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp được chế biến thô, công nghệ chế biến lạc hậu, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu thấp; khoa học kỹ thuật chưa tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là kinh tế hộ. Hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp còn nhỏ, năng lực tài chính còn yếu, thiếu ổn định và nhiều bất cập, chưa gắn kết chặt chẽ với nông dân...
Đó thực sự trở thành rào cản khiến cho việc về đích của chương trình đối với tỉnh Cao Bằng còn rất nhiều khó khăn. Từ thực trạng đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra 6 chương trình trọng tâm, trong đó có Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Xác định nội dung tuyên truyền, Báo đã đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự chuyên đề tuyên truyền về công tác triển khai, những kết quả ban đầu, phổ biến những mô hình thành công và những cách làm hay ở các địa phương để nhân ra diện rộng.
Từ quý IV năm 2015 đến cuối tháng 7 năm 2016, Báo đăng tải khoảng 400 tin, bài, phóng sự về các mô hình, địa phương, cá nhân, tập thể đi đầu trong thực hiện Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, như: Việc thực hiện Nghị quyết 3 nhiều ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên), Phong trào trồng 3 cây (Lúa, ngô, thuốc lá) và nuôi 2 con (Bò và lợn đen) tại huyện Hà Quảng; việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap tại Hòa An và Hà Quảng...
Đặc biệt, Báo tích cực tuyên truyền sự huy động nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới của toàn xã hội. Với những bài viết sâu sắc, có ý nghĩa và sức lan tỏa tích cực, rộng rãi đã phản ánh được không khí chung tay xây dựng nông thôn mới, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, thể hiện được quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng trong thực hiện chương trình của Quốc gia, góp phần tạo nên những chuyển biến sâu sắc về nhận thức, khơi dậy tiềm năng, nỗ lực vượt qua khó khăn; cổ vũ mạnh mẽ các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội chung sức, đồng lòng trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Huy động sức mạnh tổng hợp để xây dựng nông thôn mới, nhiều gia đình, cá nhân tự nguyện hiến đất xây dựng trường học, nhà văn hóa xã, mở đường giao thông, xây dựng kênh mương, bể chứa nước vùng cao... Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng các công trình: điện, đường, trường, trạm tại các địa phương trị giá nhiều tỷ đồng..., góp phần tạo tiền đề quan trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hiện nay, Ban Bên tập Báo Cao Bằng tiếp tục duy trì chuyên mục trên các ấn phẩm, chỉ đạo tăng cường tần xuất đăng tải, đổi mới nội dung để chuyên mục ngày càng phong phú, hấp dẫn và phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.
Chú trọng phản ánh một cách sinh động quá trình triển khai và tiến độ thực hiện chương trình; chỉ ra những khó khăn, bất cập, vướng mắc ở cơ sở; kịp thời biểu dương những đơn vị, tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo để rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình… Đặc biệt, Báo sẽ tạo ra diễn đàn để bạn đọc, các nhà quản lý, nhà chuyên môn, người nông dân chia sẻ những quan điểm suy nghĩ, ý kiến, kinh nghiệm… trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân dân và các cấp, ngành, kêu gọi con em đang công tác ở các vùng miền của đất nước và nước ngoài hướng về quê hương góp sức xây dựng nông thôn mới, quyết tâm cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.