Với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa -xã hội của tỉnh, những năm qua Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là kinh tế tăng trưởng khá, từ năm 2010 đến 2015 bình quân mỗi năm 9,8%. Thương mại dịch vụ và kinh tế hộ gia đình phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư nâng cấp, cảnh quan đô thị ngày càng khởi sắc. Công tác xây dựng cơ bản được chỉ đạo tập trung cho những công trình hạ tầng cơ sở, các công trình cấp thiết đối với đời sống dân sinh và một số công trình tạo điểm nhấn về phát triển đô thị.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội và công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm. Nếp sống văn minh đô thị và văn phong cách ứng xử văn hóa của người dân thành phố có chuyển biến tích cực. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị ổn định, TTATXH được bảo đảm.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Hiệu lực quản lý và điều hành của chính quyền được tăng cường. Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh. Thành phố được công nhận là đô thị loại II sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội XVIII đề ra.
Đặc biệt, ngay sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy Ninh Bình đã triển khai xây dựng, ban hành quy chế làm việc, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của BCH Đảng bộ thành phố. Quy chế làm việc của UBKT Thành ủy, quyết định phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố phụ trách lĩnh vực công tác và tổ chức cơ sở đảng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố Ninh Bình cũng gặp những khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn trên, Thành ủy Ninh Bình kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh 3 nhóm kiến nghị chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là những nhóm kiến nghị, đề xuất về công tác quy hoạch, quản lý đô thị, về đầu tư, công trình dự án và về cơ chế, chính sách.
Tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các sở, ngành đã phát biểu ý kiến, góp ý về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thành phố trong vấn đề quản lý, quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị; tài nguyên môi trường; về công tác phát triển làng nghề, phát triển hệ thống chợ, dịch vụ du lịch, dịch vụ, văn hóa; về phát triển sản xuất nông nghiệp; phát triển đô thị; về công tác xây dựng Đảng...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ buổi làm việc của Ban Thường vụ Thành ủy khá chu đáo, đã giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy có cái nhìn tổng quan hơn về sự phát triển của thành phố.
Ghi nhận những bước phát triển của thành phố trong thời gian qua, nhất là việc lên đô thị loại II trước 1 năm theo kế hoạch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng, so với yêu cầu hiện tại và tương lai, thành phố Ninh Bình vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu tại hội nghị để kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong thực hiện nhiệm vụ thời gian tới. Trước mắt, Ban Thường vụ Thành ủy cần tập trung xây dựng và ban hành các Nghị quyết, đó là Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, nghị quyết về phát triển kinh tế, về Quản lý văn minh đô thị, về an ninh trật tự và phong trào tự quản.
Đồng chí yêu cầu thành phố cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng những dự án phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng đô thị mang tính chiến lược và đặc biệt cần thay đổi tư duy trong tiếp cận các nguồn vốn để có nguồn lực đầu tư, phát triển.
Trong xây dựng Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy cần xác định mục tiêu: Tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về những yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời làm tốt công tác tổ chức cán bộ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy là đơn vị đi đầu, làm điểm trong việc cải tiến lề lối làm việc của bộ máy cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trước mắt làm thí điểm ở các xã, phường và ở một số trung tâm, các đơn vị sự nghiệp, theo hướng tinh giản bộ máy. Bên cạnh đó thành phố cần quan tâm làm tốt công tác vận động quần chúng, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Trong việc ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Thành ủy cần tập trung xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, chú trọng phát triển làng nghề; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao và đặc biệt là phải tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với những nhóm kiến nghị chính mà Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao cho các sở, ngành tham mưu, trả lời thành phố.
Mai Lan