Tuy nhiên cũng có một thực tế khác là trong bảng thành tích khá dầy dặn ấy có vẻ như phần đóng góp của các vận động viên thuộc "diện thu hút" chiếm phần lớn. Tất nhiên ở một góc nhìn khác, chính sách thu hút lại cũng là một trong những điểm ưu việt của thể thao Ninh Bình. Bằng chứng là trong suốt một thời gian dài Ninh Bình là điểm đến của nhiều tài năng thể thao: Hà Văn Hiếu, Trương Thanh Hằng, Giang Văn Đức, Bùi Văn Hải...
Tuy nhiên điều những người tâm huyết với thể thao Ninh Bình trăn trở là làm thể nào để có một nền thể thao phát triển mạnh mà dấu ấn Ninh Bình không nhạt nhòa, thành tích không bị lấn át bởi thành tích của các vận động viên thu hút.
Trả lời câu hỏi ấy cũng đồng nghĩa với việc là chúng ta đang giải bài toán đó là phải làm gì để khẳng định bản sắc của Ninh Bình trong thể thao.
Khi nói lên điều này người viết hoàn toàn không có ý đề cập đến tư duy vùng miền hay sự phân biệt giữa tài năng thu hút và những vận động viên bản địa. Có điều, một thực tế không thể chối cãi được là để hình thành nên một nền thể thao có bản sắc thì không thể không cần đến những nhân tố nội tại, cũng như để có nền thể thao phát triển bền vững thì không thể chỉ dựa vào sức mạnh của các tài năng thu hút.
Và thực tế là trong chiến lược phát triển của mình thể thao thành tích cao Ninh Bình ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi và thu hút các tài năng thì cũng rất quan tâm và khuyến khích việc đào tạo những vận động viên tại chỗ.
Chính điều đó làm nên sự "khác biệt" làm nên cái "chất Ninh Bình" trong thể thao giúp chúng ta không nhạt nhòa, không lẫn với thể thao các tỉnh khác.
Nhìn vào thực tế đào tạo trẻ của Ninh Bình trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, xu hướng này thể hiện rất rõ. Tại nhiều bộ môn như: vật, võ, bóng chuyền, cờ vua, điền kinh, cử tạ, đua thuyền... đa phần các vận động viên là con em Ninh Bình. Cá biệt có những môn như: cờ vua, cử tạ thì 100% vận động viên trẻ là người được tuyển từ các huyện, thị trong tỉnh.
Thực tế trước đây thể thao của tỉnh cũng đã có những lớp vận động viên gốc Ninh Bình tài năng đủ sức tạo dấu ấn với bạn bè cả nước: Nguyễn Đình Cương (điền kinh), Lương Nhật Linh, Lương Minh Huệ (cờ vua)...
Và hiện tại cũng có nhiều gương mặt có thể duy trì tốt truyền thống đó: Nguyễn Hồng Ngọc, Đồng Khánh Linh,Vũ Bùi thị Thanh Vân (cờ vua);Vương Thị Tuyền (điền kinh); Mai Văn Long, Đinh Hải Hưng, Phan Văn Bê, Lê Thị Giang, Nguyễn Đại Dương, Đinh Văn Tiến (cử tạ)...
Hiện tại Trung tâm TDTT Ninh Bình có 143 vận động viên, trong đa phần là các vận động viên trẻ. Điểm chung của các vận động viên này là đều quê gốc Ninh Bình, quá trình học tập, đào tạo, huấn luyện, đều ở trong tỉnh do vậy lòng tự hào về quê hương, ý thức về bản sắc trong họ rất rõ.
Những gương mặt này khi trở thành các vận động viên thi đấu đỉnh cao và giành thành tích thì sẽ trở thành các "sứ giả văn hóa"của Ninh Bình mang thông điệp của tỉnh đến với bạn bè cả nước. Chính các vận động viên này sẽ gánh trên vai trọng trách giữ gìn bản sắc của thể thao Ninh Bình, làm nên sự khác biệt của thể thao Ninh Bình so với cả nước.
Vừa qua sự kiện vận động viên môn vật Trần Văn Tưởng, người kim Sơn, Ninh Bình giành huy chương Vàng tại Seagames 27 lại thêm một minh chứng rằng hệ thống đào tạo trẻ của Ninh Bình hoàn toàn có đủ khả năng đạo tạo nên những vận động viên tài năng. Đây cũng chính là vận động viên để lại dấu ấn Ninh Bình, là cách để người Ninh Bình định nghĩa về bản sắc.
Trước và trên hết đó là tinh thần, ý chí tập luyện, thi đấu và thứ nữa là sự cao thượng, trung thực. Và nội điều đó nó không chỉ là một thông điệp mà cao hơn đó là một định nghĩa về bản sắc.
Mai Phương