Đại biểu Nguyễn Văn Phát - Thanh Hóa tán thành với quy định, trước mắt, dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ cần được đầu tư, dù lợi nhuận thấp, việc bù lỗ để thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ khác là phù hợp. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lý do này mà Luật quy định chỉ giao cho một doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ công ích trong điều kiện hội nhập là không phù hợp. "Tôi đề nghị cần phải quy định trong luật các loại hoạt động thuộc dịch vụ bưu chính công ích và giao cho Chính phủ ban hành định mức chi phí cho từng loại hoạt động để nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia thực hiện dịch vụ cung ứng bưu chính công ích và sẽ làm cho hoạt động bưu chính này đa dạng hơn, năng động hơn, giảm bớt được sự bao cấp của Nhà nước, vì năng lực của một doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn so với nhiều doanh nghiệp khi tham gia", đại biểu Phát nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Thời - Thái Nguyên cũng cho rằng, dịch vụ bưu chính hiện nay rất nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện, kể cả các liên doanh nước ngoài, tư nhân cũng làm việc này rất tốt. Vì vậy, không nên chỉ định một doanh nghiệp, sẽ dễ đi đến chỗ độc quyền. Đại biểu Thời dẫn chứng: "Hiện nay bưu kiện gửi ở trong nước, thậm chí kể cả tư nhân, kể cả các xe khách chất lượng cao người ta đều tham gia làm được việc này. Tôi có một cái bưu kiện cần 3 tiếng từ Thái Nguyên đi Hải Phòng, thì trong 3 tiếng là người ta có ngay, gọi điện một cái là xe khách chất lượng cao vào tận công ty lấy, lấy xong mang đến Hải Phòng giao đúng địa chỉ của người nhận, báo về cho người gửi ngay. Nếu như cái đấy mà ta mang ra ngoài bưu chính ta gửi ít nhất phải mất 24 tiếng, cho nên tôi nghĩ là không nên chỉ định một doanh nghiệp, tôi đồng ý là Nhà nước chỉ ban hành các điều kiện để các doanh nghiệp được tham gia thực hiện thôi".
Chung quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội cũng ủng hộ việc bổ sung và khuyến khích các hoạt động xã hội hóa và o quy định về chính sách Nhà nước đối với dịch vụ bưu chính. "Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề xã hội hóa hoạt động dịch vụ bưu chính thì chúng ta sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là góp phần giảm bớt việc đầu tư tập trung của tập đoàn của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn. Vì nếu nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này, thực tế đã và đang diễn ra, nhưng trong luật của chúng ta không quy định xã hội hóa, thì vô hình chung những hoạt động đó vẫn đi bên ngoài nhưng lại không được quy định vào trong luật, làm cho chúng ta cảm thấy việc thực hiện dịch vụ bưu phát chỉ qua bưu điện là không đúng với thực tiễn", đại biểu Khánh nói.
Sau phiên thảo luận sôi nổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã kết luận, đề nghị chưa nên thông qua dự luật Bưu chính tại kỳ họp này, dành thời gian cho Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu và tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau.
Cũng trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 với tỷ lệ tán thành đạt 86,21%.
Theo đó, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 582.200 tỷ đồng, bội chi ngân sách Nhà nước là 119.700 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng sản phẩm trong nước.
Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 461.500 tỷ đồng, bằng 23,9% tổng sản phẩm trong nước, tính cả 1.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2009 sang năm 2010 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 462.500 tỷ đồng.
Theo HNMO