Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia họp phiên thứ nhất
Thứ Năm, 24/07/2025, 18:44
Zalo
Ngày 24//7, Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức phiên họp thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.
Dự phiên họp có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các địa phương.
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ kg sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành. Phiên họp cũng được kết nối trực tuyến với các xã, phường trong tỉnh.
Tại phiên họp, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo (gồm Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.Đồng thời, yêu cầu rà soát, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai phù hợp với thực tiễn và mô hình chính quyền hai cấp; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực và tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.
Năm 2024, thiên tai diễn ra khốc liệt và cực đoan trên phạm vi cả nước với nhiều loại hình. Thiên tai đã làm 519 người chết, mất tích; thiệt hại kinh tế ước tính 91.622 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2023 và hơn 4 lần mức trung bình giai đoạn 2014 - 2023.
Từ đầu năm 2025 đến nay, thời tiết cực đoan gia tăng trái quy luật tự nhiên, cùng 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Tính đến ngày 23/7, thiên tai đã khiến 114 người chết, mất tích; thiệt hại kinh tế ước hơn 553 tỷ đồng.
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống và ứng phó với thiên tai.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí nhấn mạnh, sau khi sáp nhập, tỉnh Ninh Bình có khoảng 90km đường bờ biển, đồng thời sở hữu vùng phân lũ, chậm lũ và nhiều khu vực có nguy cơ ngập úng sâu ở nội vùng phía Bắc. Đây là những yếu tố khiến địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Ngay sau khi sáp nhập, tỉnh đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, tiến hành hợp nhất và đồng bộ các phương án phòng, chống thiên tai của các đơn vị hành chính trước đó; phân công rõ nhiệm vụ cho các thành viên; thành lập lực lượng xung kích, đội tuần tra canh gác đê; đồng thời ban hành các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu với tổng số 66 điểm.
Với sự chủ động, dự báo sớm và lường trước mức độ ảnh hưởng của bão, Ninh Bình đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản cho Nhân dân và Nhà nước, bảo đảm tuyệt đối an toàn đê, kè và không để xảy ra thiệt hại về người. Kết quả này thể hiện rõ tinh thần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương hai cấp trong ứng phó với thiên tai. Đồng thời báo cáo những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai, TKCN, đó là: phải làm tốt công tác dự báo từ sớm, từ xa; nâng cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là; xác định sẵn các tình huống xấu nhất để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xử lý bình tĩnh, sáng suốt; phân công rõ ràng, nêu cao vai trò người đứng đầu và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai.
Từ thực tế triển khai, tỉnh Ninh Bình đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực chống chịu thiên tai cho hạ tầng đê biển; đồng thời tiến tới xóa bỏ vùng xả lũ sông Hoàng Long, tạo điều kiện để Nhân dân ổn định cuộc sống, tái thiết bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ và chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 trên Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vào chiều ngày 19/7 và đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Phiên họp nhằm thống nhất kiện toàn lực lượng, phân công, phân định nhiệm vụ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đánh giá kết quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ đầu năm 2025 đến nay, phương hướng thực hiện nhiệm vụ thời gian tới.
Đồng thời nhấn mạnh: Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất và thiệt hại gia tăng dù chưa vào chính vụ. Do đó, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả tại địa phương cần chủ động, linh hoạt hơn để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Phòng ngừa từ sớm, từ xa; ứng phó bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả; khắc phục toàn diện, huy động sức dân. Cần chủ động tích trữ nguồn lực, đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, không để thiếu hụt hay phát sinh dịch bệnh trong và sau thiên tai.
Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân di dời đến nơi an toàn, tránh tâm lý chủ quan gây thiệt hại về người. Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Việc xả lũ phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, không để xảy ra vỡ đập, vỡ đê. Đồng thời tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân trong và sau thiên tai.