Năm 2012, bác sĩ Huế tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Bình, chuyên ngành Bác sỹ đa khoa và được nhận về công tác tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Lúc này, tuy chưa lập gia đình, chưa cảm nhận hết tình mẫu tử thiêng liêng, nhưng khi được tiếp xúc với các bé sơ sinh, bác sĩ Huế đã nhận thấy rõ tình yêu đặc biệt dành cho các "thiên thần" nhí. "Hình ảnh các cháu bé chỉ mới vài ngày tuổi, non nớt thiêm thiếp trong lồng ấp với các loại dây dợ, máy móc chạy liên tục xung quanh khiến tôi rất thương cảm. Tôi cũng cảm nhận được nỗi lo lắng, sự xót xa của những người mẹ khi nhìn con mình không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.
Từ đó càng thôi thúc tôi gắn bó với Khoa sơ sinh để mong phần nào giảm bớt nỗi đau bệnh tật, cứu chữa, giành giật lại sự sống cho các bé và đem lại hạnh phúc cho những ông bố, bà mẹ và các gia đình có trẻ sinh non, thiếu tháng." - bác sĩ Huế chia sẻ.
Công tác tại khoa sơ sinh, đối với bác sĩ Huế, mỗi trường hợp điều trị tại khoa là một câu chuyện riêng, một kỷ niệm trong nghề của chị. Có những gia đình, người mẹ nhiều lần mất con từ lúc lọt lòng, mỗi lần mang thai đến ngày sinh trong họ luôn là nỗi lo lắng, sự áp lực đến tuyệt vọng.
Khi sinh con, đứa trẻ sinh non, thiếu tháng, thì mọi sự tin tưởng, niềm tin của họ chỉ biết trông chờ, dựa vào những người bác sĩ tại bệnh viện. Do đó, việc các bác sĩ chăm sóc, cứu chữa một đứa trẻ không chỉ là cứu một mạng sống mà còn là tìm lại niềm vui, sự hi vọng cho những người cha, người mẹ và người thân của họ.
Đặc thù của khoa Sơ sinh cũng không giống với các khoa khác, khi đứa trẻ sinh ra thường phải tách khỏi bố mẹ để chăm sóc trong các lồng ấp và ở tại các khoa bệnh vô trùng. Nhiều em chưa hoàn thiện các bộ phận trên cơ thể, còn rất non nớt, yếu ớt, có triệu chứng bệnh chỉ biết khóc, đòi hỏi các bác sĩ khi chăm sóc, điều trị phải nắm bắt được từng trường hợp bệnh tật, từ đó có phương pháp chẩn đoán và điều trị chính xác.
Công việc chăm sóc trẻ sơ sinh đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và đặc biệt rất cần sự kiên trì, nhẫn nại, nhưng vất vả là vậy, khi nhìn thấy các bé lớn lên từng ngày, ra viện khỏe mạnh, phổng phao như những đứa trẻ bình thường và nhận được sự biết ơn, trân trọng của gia đình các bé, thì các bác sĩ đều rất phấn khởi và thêm sức mạnh để yêu nghề, yêu trẻ.
Hơn 6 năm công tác tại khoa Sơ sinh, bác sĩ Huế đã chăm sóc, chữa bệnh, cứu sống cho hàng trăm trẻ sơ sinh, trong đó có những trẻ sinh non, sinh thiếu tháng mới có 28-29 tuần tuổi thai, nặng chỉ 500-600g.
Ngoài tích cực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để nâng cao trình độ, bác sỹ Phạm Thị Huế còn dành thời gian phù hợp tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành các văn bằng, chứng chỉ chuyên khoa. Có những thời điểm tham gia các lớp học chuyên khoa trên Hà Nội, 2 ngày nghỉ cuối tuần chị lại kín lịch tại khoa sơ sinh, cặm cụi đến muộn mới về.
Năm 2015, bác sỹ Huế được tham gia lớp "Đào tạo giảng viên tuyến tỉnh về phương pháp chăm sóc trẻ bằng Kanggaroo". Khóa học này là hình thức triển khai kỹ thuật mới tại bệnh viện tuyến tỉnh. Được giao nhiệm vụ quan trọng là giảng viên chính, sau khi tham gia khóa học, chị đã tích cực truyền đạt về y tế các tuyến, cùng đồng nghiệp triển khai, đào tạo thành công phương pháp này, giúp các bệnh nhi được chăm sóc tốt hơn và được hưởng nhiều quyền lợi hơn.
Đồng thời chị cùng đồng nghiệp triển khai thành công nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại như đặt catherter động mạch rốn, đo huyết áp động mạch xâm nhập, đặt catherter tĩnh mạch rốn, bơm surfactant...
Bác sĩ Huế cũng là người đam mê nghiên cứu khoa học và miệt mài với những đề tài mà công việc mình đang trực tiếp thực hiện. Năm 2015, bác sỹ Huế cùng các đồng sự thực hiện thành công đề tài cấp ngành: "Bước đầu đánh giá hiệu quả liệu pháp surfactant ở trẻ đẻ non và một số yếu tố liên quan tại Khoa sơ sinh-Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình từ tháng 10/2012 đến tháng 10/2015", được Hội đồng khoa học Sở Y tế tỉnh Ninh Bình xếp loại xuất sắc.
Năm 2016, chị tiếp tục thực hiện đề tài "Khảo sát tình trạng xuất huyết phổi ở trẻ đẻ non và một số yếu tố liên quan tại khoa sơ sinh - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình từ tháng 3/2016 đến tháng 9/2016", được Hội đồng khoa học Bệnh viện đánh giá cao, áp dụng hiệu quả trong điều trị các ca bệnh. Hiện bác sỹ Huế vẫn miệt mài và ấp ủ nhiều đề tài nghiên cứu khoa học với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện Sản - Nhi và ngành y tế Ninh Bình.
Trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, với hơn 6 năm nhận nhiệm vụ, nhưng với tình yêu nghề, có chuyên môn vững, đặc biệt là tinh thần không ngại khó, ngại khổ, không ngừng học tập, nghiên cứu, tìm tòi, bác sĩ Phạm Thị Huế đã đạt được những thành tích mà nhiều bác sĩ trẻ mơ ước: Nhiều năm liên tục là chiến sĩ thi đua cơ sở; công chức, viên chức trẻ tiêu biểu; thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; liên tục được tuyên dương trong các phong trào thi đua của đơn vị, của ngành Y tế và nhận nhiều Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, UBND tỉnh Ninh Bình…, nhưng theo bác sĩ Phạm Thị Huế, phần thưởng lớn nhất đối với mỗi người bác sĩ là được đồng nghiệp, bệnh nhân và người nhà ghi nhận - đó chính là những phần thưởng, niềm hạnh phúc lớn lao mà mỗi người bác sĩ luôn cố gắng phấn đấu đạt được và gìn giữ.
Bài, ảnh: Hạnh Chi