Văn phòng của doanh nghiệp tư nhân Kim Thành cũng chính là ngôi nhà 3 tầng của gia đình anh Nguyễn Văn Vinh nằm trên phố Thượng Kiệm, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn). Khi tôi đến, anh Vinh đang nhận email (thư điện tử) từ một khách hàng ở Hải Phòng. Chia sẻ về niềm đam mê với nghề thủ công mỹ nghệ, anh Vinh cho biết: Trước năm 2007, tôi chỉ làm kỹ thuật và quản lý giúp doanh nghiệp của người anh trai. Trong thời gian đó, tôi nhận ra niềm đam mê của bản thân đối với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ những nguyên liệu mộc mạc và giản dị của quê hương. Mơ ước có một cơ sở của riêng mình, tôi trăn trở tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật sản xuất, nhu cầu thị hiếu khách hàng và nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa bàn. Từ năm 2008, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của tôi bắt đầu hình thành sơ khai với quy mô sản xuất nhỏ, ở hộ gia đình, nhân lực vẻn vẹn chỉ có 5 người.
Đến năm 2009, Doanh nghiệp tư nhân Kim Thành chính thức được thành lập và có tên trong hàng ngũ các cơ sở, Doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở huyện miền biển này. Nói về kỹ thuật sản xuất, anh Vinh chia sẻ: Cơ sở đã làm được nhiều mẫu mã hàng, từ nguyên liệu cói, bèo bồng, đay… như: làn, lẵng, khay, hộp, túi, dép và hiện đang phát triển sang sản xuất bóng tròn, bóng vuông bằng nguyên liệu bèo bồng… Việc này, không phải ai cũng làm được, anh Vinh đã tự sáng chế ra máy tiện khuôn cho mặt hàng mới này. Cầm trên tay quả bóng bèo tròn, bèo vuông (to như trái bóng mà trẻ con vẫn thường đá ngoài sân) tôi cảm nhận được độ mềm mại nhưng vẫn chắc chắn của sản phẩm độc đáo này. Được biết, khi hoàn thiện và giao hàng tại cảng Hải Phòng, giá trị của quả bóng bèo này là 1,95 USD. Chúng được đóng vào các công-ten-nơ, theo tàu thủy đi châu Âu, châu Mỹ.
Anh Vinh bộc bạch: Đối với những mã hàng mới, doanh nghiệp có một đội ngũ kỹ thuật cao (từ 4 đến 6 thợ) tìm hiểu và nghiên cứu trước. Sau đó, đội ngũ này sẽ về các xã "cầm tay chỉ việc" cho những lao động ở mỗi địa phương. Qua mỗi mã hàng, anh Vinh nhận thấy, người lao động ở mỗi địa phương lại có kỹ thuật sở trường, sở đoản khác nhau. Ví dụ như sản phẩm bóng bèo bồng, chỉ người Thượng Kiệm làm mới đẹp, khay cói thì người Đồng Hướng đan mới đều, giỏ đay thì chỉ có người Yên Lộc thực hiện nhìn mới bắt mắt. Những sản phẩm trước khi hoàn thành sẽ phải xử lý qua công đoạn sấy, chống mốc.
Hiện nay, doanh nghiệp đảm bảo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 35 lao động. Mức lương hàng tháng của mỗi lao động đạt từ 2,5-5 triệu đồng/người. Cùng với đó là hàng trăm lao động "vệ tinh" ở các xã như: Đồng Hướng, Tân Thành, Yên Lộc, Định Hóa… tham gia nhận hàng, làm khoán mỗi khi có những hợp đồng lớn với thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/ngày công. Không chỉ tạo việc làm cho nhiều người lao động, doanh nghiệp của anh Vinh còn luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Năm 2013, doanh nghiệp đã đóng hơn 200 triệu đồng tiền thuế. Năm 2014, tổng doanh thu dự kiến của doanh nghiệp đạt 6 tỷ đồng, tiền thuế cũng khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là mặt bằng sản xuất và vốn. Với diện tích 1.000 m2 mặt bằng nhà xưởng là đất đang đi thuê, mượn, năm 2013 anh Vinh đã đầu tư gần 600 triệu đồng cải tạo khu kho chứa, khu kho sấy hàng… và nếu có mặt bằng và nguồn vốn, chắc chắn rằng doanh nghiệp sẽ phát triển gấp 5 lần hiện tại.
Có thể thấy, một sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân Kim Thành, người lao động được trả 2 lần tiền: Một là tiền công làm sản phẩm, hai là tiền nguyên liệu tự kiếm (bèo khô, cói chẻ…). Người lao động có việc làm, có thu nhập cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Thái Học