Có thể khẳng định, với tổng số 215 huy chương các loại giành được tại SEA Games 25, trong đó có tổng số 83 huy chương vàng, xếp thứ hai chung cuộc, chỉ kém cường quốc thể thao khu vực là Thái Lan có 3 huy chương vàng, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi, vượt chỉ tiêu về số lượng huy chương vàng đề ra.
Theo giới chuyên môn thì đây là một kỳ SEA Games thành công nhất của thể thao Việt Nam từ trước tới nay, đặc biệt trên phương diện chuyên môn và thành tích. Trong thành tích chung của thể thao Việt Nam đã đạt được tại SEA Games 25, thể thao Ninh Bình đã có những đóng góp quan trọng.
Tham dự SEA Games 25, thể thao Ninh Bình có 7 VĐV và 3 HLV, tham gia ở 4 môn thể thao là điền kinh, vật, bóng đá và bóng chuyền. Thành tích của các vận động viên tỉnh Ninh Bình đạt được tại SEA Games 25 thật sự ấn tượng với 5 huy chương vàng và 1 huy chương bạc. Điều gây ấn tượng nhất đối với giới chuyên môn cũng như người hâm mộ là tỉnh Ninh Bình đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam tuy không đông về số lượng cũng như giành không nhiều những tấm huy chương như các thành phố và trung tâm thể thao lớn của cả nước, nhưng những tấm huy chương vàng mà các vận động viên thể thao tỉnh Ninh Bình giành được là những tấm huy chương mang tính quyết định.
Điền kinh và vật là hai trong số các môn thể thao nằm trong hệ thống các môn thể thao Olympic. Nếu như tại kỳ SEA Games 24, Ninh Bình chỉ giành được 2 tấm huy chương vàng, thì tại kỳ SEA Games 25 này, Ninh Bình đã giành tổng số 5 huy chương vàng. Bộ đôi vận động viên điền kinh Nguyễn Đình Cương và Trương Thanh Hằng đã giành 4 huy chương vàng ở các cự ly chạy trung bình là 800 m và 1.500 m, chiếc huy chương vàng còn lại thuộc về đô vật hạng cân 120 kg, Hà Văn Hiếu. Cương và Hằng đã giành 4 trên tổng số 7 tấm huy chương vàng mà điền kinh Việt Nam giành được tại SEA Games 25.
Người hâm mộ thể thao nước nhà vẫn còn nhớ mãi hình ảnh nữ hoàng điền kinh Trương Thanh Hằng, với những bước chạy nhanh nhẹn và thanh thoát đã vượt trội và băng băng về đích bỏ khoảng cách khá xa với các đối thủ tại các đường chạy chung kết 800 m và 1.500 m, thành tích chạy 800 m của Hằng là 2 phút 2 giây 74, cự ly 1.500 m, thành tích là 4 phút 19 giây 48, những thành tích mà còn phải nhiều năm nữa các nữ VĐV tại khu vực mới có thể bắt kịp. Hằng đã xuất sắc duy trì được phong độ tốt, vì ít ai biết rằng bước vào SEA Games 25, chị chưa có được nền tảng thể lực tốt nhất, vì trong năm 2009, chị đã phải thi đấu rất nhiều giải thể thao cả Quốc gia và quốc tế. Nếu ấn tượng về Hằng là sự băng băng về đích vượt đối thủ ngay từ những bước chạy đầu tiên, thì ấn tượng về Cương lại là những bước nước rút rất hiệu quả, trong các cự ly chung kết trong phần lớn thời gian chạy.
Lúc đầu Cương đều xếp sau đối thủ, tuy nhiên ở những mét cuối bằng kinh nghiệm và thể lực tốt anh đã có bước nước rút ngoạn mục. Thành tích của Cương ở cự ly chạy 800 m là 1 phút 50 giây 64, cự ly chạy 1.500 m, thành tích là 3 phút 46 giây 58. Cương không còn trẻ và sung sức, không còn hình ảnh anh gục xuống đau đớn vì chấn thương tái phát như hồi giành huy chương vàng 1.500 m tại SEA Games 24, gây xúc động mạnh với người hâm mộ, nhưng tại SEA Games 25 này, chấn thương của Cương vẫn chưa hoàn toàn bình phục.
Đối với bộ môn vật, dù đội vật của tỉnh đã giành nhiều huy chương tại các giải trong nước, song đây là lần đầu tiên Ninh Bình có VĐV vật giành huy chương vàng SEA Games. Ở hạng cận 120 kg, được xem là "siêu nặng" này, Hà Văn Hiếu đã giành huy chương vàng một cách rất thuyết phục. Theo giới chuyên môn thì Hiếu sẽ còn ngự trị tại hạng cân này trong một thời gian dài nữa trong đấu trường khu vực nếu anh tích cực tập luyện duy trì phong độ.
Chiếc huy chương bạc của Mai Tiến Thành cũng rất ấn tượng, dù đội tuyển bóng đá U23 thất bại đáng tiếc tại trận chung kết, với 5 bàn thắng ghi được, Thành là một trong số cầu thủ xuất sắc nhất của đội tuyển U23 Quốc gia tại SEA Games 25.
Với những thành tích đã đạt được, Nguyễn Đình Cương và Trương Thanh Hằng đã vinh dự lọt vào danh sách những VĐV tiêu biểu do Ban tổ chức SEA Games 25 bình trọn.
Trần Trung