Mùa thu năm 1945, hòa trong rừng cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu là khí thế cách mạng sục sôi diễn ra ở nhiều vùng quê trong tỉnh… Đó là những ký ức không bao giờ quên của những người đã sống, chứng kiến và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. 75 năm đã trôi qua, nhắc lại những ngày Thu lịch sử ấy, các cụ lão thành cách mạng chúng tôi gặp và trò chuyện lại bồi hồi xúc động. Trong ký ức của các cụ vẫn vẹn nguyên một khí thế hào hùng, một tình yêu nước tha thiết, một niềm tin trọn vẹn vào sự lãnh đạo của Đảng.
Âm vang mùa thu lịch sử
Nhớ mãi những ngày thu năm ấy
Đến nơi đầu tiên giành chính quyền trong tỉnh - huyện Gia Viễn, tôi may mắn được gặp lão thành cách mạng Đoàn Minh Tân ở thôn Bích Sơn, xã Gia Vân. Năm nay đã gần 100 tuổi nhưng khi được hỏi về những kỷ niệm, về không khí những ngày mùa thu Tháng Tám năm 1945, giọng cụ hồ hởi hẳn lên dù cho đôi lúc có bị ngắt quãng, nét mặt cụ rạng rỡ, đầy tự hào. Thước phim quay chậm về những ngày lịch sử ấy qua trí nhớ của cụ, qua những tư liệu mà huyện Gia Viễn còn lưu giữ khiến tôi hình dung được phần nào không khí của ngày khởi nghĩa giành chính quyền tại Gia Viễn.
Cụ Đoàn Minh Tân kể lại: "Từ khi 15 tuổi, tôi đã được chứng kiến những cuộc đấu tranh đầy khí thế của cha anh. Cũng có lần tôi tham gia vào đoàn người đi đấu tranh nhưng lúc bấy giờ tôi chưa hiểu cách mạng là gì, chỉ đi vì lòng yêu nước. Đến ngày 4/1/1944, tôi mới chính thức tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ ban đầu là đưa thư, tài liệu liên thôn và lên huyện đảm bảo bí mật tuyệt đối, bảo vệ những cuộc họp quan trọng của cán bộ lúc đó.
Nhận nhiệm vụ nào tôi cũng cố gắng hoàn thành với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào cách mạng, khi đó lòng yêu nước của cậu bé 15 tuổi đã được giác ngộ thêm lý tưởng cách mạng nên tôi ý thức rất cao về việc phân công của tổ chức, về việc từng cá nhân có yếu tố thế nào trong thành bại của cách mạng. Một số người ở thôn, ở huyện cũng được giác ngộ cách mạng như tôi. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thì tôi đã có lý tưởng của mình".
Theo trí nhớ của cụ Tân và những tư liệu lịch sử đã được chúng tôi tìm hiểu trong quá trình ôn lại ngày giành chính quyền tại Ninh Bình thì: Căn cứ vào tình hình cụ thể, Hội nghị Tỉnh ủy tại thôn Sài (Nho Quan) đêm ngày 17/8/1945 đã quyết định chọn huyện Gia Viễn - nơi vừa xa căn cứ Nhật, vừa gần căn cứ địa, lại có cơ sở cách mạng vững chắc, việc chuẩn bị khởi nghĩa đã hoàn thành tương đối tốt - làm điểm khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong tỉnh.
Ngày khởi nghĩa được ấn định là ngày 19-8. Trước khí thế cách mạng sôi sục của nhân dân, Tri huyện Gia Viễn đã bỏ trốn. Cụ Tân bồi hồi nhớ lại không khí ngày mùa thu lịch sử ấy: Sáng ngày 19/8, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện lợi dụng nhân dân đi chợ Me đông đã phát loa kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa. Lực lượng vũ trang giải phóng và quần chúng cách mạng từ khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, Lỗi Sơn, Ngọc Động, Sinh Dược, Lạc Khoái, Ngô Đồng; từ Tri Hối, Điềm Giang, Bích Sơn đã kéo lên huyện lỵ. Từng tốp 5-7 người đi lẫn vào dòng người đổ về chợ Me.
Khi lực lượng đã tập hợp đông đủ, lệnh tấn công chiếm huyện lỵ được phát ra. Lực lượng cách mạng phát loa kêu gọi nhân dân nổi dậy tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật. Chỉ trong thời gian ngắn, do có sự chuẩn bị chu đáo và sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy nên cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng giành thắng lợi. Từ chợ Me, lực lượng tham gia khởi nghĩa đã tỏa về các làng, xã biểu dương lực lượng.
Được tin Gia Viễn khởi nghĩa giành thắng lợi, ngay chiều hôm đó, Việt Minh ở Nho Quan đã đến thuyết phục quân Nhật và lính bảo an đầu hàng. Sáng ngày 20/8/1945, quần chúng nhân dân các xã lân cận kéo vào thị trấn cùng nhân dân thị trấn giành chính quyền.
Nhớ lại không khí Nho Quan những ngày Tháng Tám lịch sử, cụ Hà Văn Duyên, lão thành cách mạng ở thôn Đồi Dâu, xã Sơn Lai không giấu nổi sự xúc động, nghẹn ngào. Trong căn nhà gỗ đơn sơ, những dòng chảy của quá khứ lại hiện về như còn mới nguyên ngày nào trong ký ức của một người đã từng đi qua 2 thế kỷ, chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử, nhiều bước ngoặt của vùng quê cách mạng này.
Pha ấm trà nóng, câu chuyện của cụ về những ngày khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945 tại chiến khu cách mạng bắt đầu nhẹ nhàng nhưng đầy hào sảng, tự hào. Ngày ấy cụ chưa đến 20 tuổi nhưng ấn tượng về nạn đói năm 1945 do quân Nhật gây ra vẫn còn ăn sâu trong tâm trí.
Cụ kể rằng ở làng Sưa và làng Me có 2 kho thóc đầy ắp nhưng nhân dân thì kiệt quệ, chết dần chết mòn vì đói, việc phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân chính là lúc ngọn lửa căm thù Nhật cháy bùng lên thành hành động. Cụ đã cùng với đội tự vệ Lũ Phong vận động quần chúng nhân dân tham gia phá kho thóc Lẫm tại nhà phú Trạch, thôn Sưa.
Khi kho thóc đã được phá, người người trong tâm trạng náo nức, vui sướng đem thóc về nhà chia cho dân từng thôn xóm để cứu đói. Bản thân cụ là người trực tiếp tham gia việc phá kho thóc Nhật nên cụ không thể quên được cảm giác lúc đó vì công việc đó được đảm bảo thắng lợi nhanh gọn, không có mất mát về người. Liên tiếp sau đó, các kho thóc ở các làng Quèn, Chàng, Me, Lũ Phong, Xuân Quế, Đồi được hơn 3.000 quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh quyết liệt.
Cụ tâm sự: "Tuy có đổ máu nhưng cuộc nổi dậy phá kho thóc Nhật tại Quỳnh Lưu đã giành được thắng lợi, cứu hàng vạn người khỏi cảnh chết đói, phong trào cách mạng được nâng lên một bước, tinh thần đấu tranh của nhân dân được đẩy cao, tạo những tiền đề cần thiết, sẵn sàng chuẩn bị cho việc giành chính quyền Tháng Tám năm 1945". Ngày 20/8/1945, khi các xã kéo về thị trấn giành chính quyền, cụ Duyên cũng có mặt trong đoàn người năm đó với tâm trạng vui sướng và tự hào.
Lão thành cách mạng Hà Văn Duyên trò chuyện với lãnh đạo xã Sơn Lai (Nho Quan). Ảnh: Quỳnh Thu
Rạng rỡ mùa thu nay
Những lão thành cách mạng mà tôi đã gặp trong những ngày Tháng Tám lịch sử này, hầu hết đều tuổi cao, sức khỏe yếu, song ký ức về những ngày khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí các cụ.
Quá khứ đã lùi xa nhưng tinh thần, ý chí của các cụ lão thành cách mạng vẫn là động lực để thế hệ ngày nay viết tiếp những trang sử hào hùng, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng đổi mới, giàu đẹp, văn minh. Những lão thành cách mạng vẫn từng ngày, từng giờ theo dõi bước chuyển mình mạnh mẽ của quê hương, vui vì quá khứ đang được viết tiếp với những trang mới của kỷ nguyên độc lập, tự do.
Dù tuổi đã cao nhưng các cụ vẫn theo dõi tin tức của tỉnh qua đài, báo, đặc biệt quan tâm đến Đại hội đảng bộ các cấp, nhất là công tác nhân sự. Cụ Hà Văn Duyên nói với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Lai: Chỉ mong sao đại hội đảng các cấp chọn ra những người đủ đức, đủ tài để lãnh đạo, như những đồng chí cán bộ năm xưa đã lãnh đạo phong trào cách mạng, giác ngộ tư tưởng cho chúng tôi để có được sự thành công của cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tiếp nối mùa thu xưa, mùa thu nay trên quê hương Ninh Bình đã có nhiều đổi mới. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, cụ thể của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ninh Bình đã triển khai thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra: Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững mạnh. Kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân ước đạt 8,88%/năm; Ninh Bình thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 67,3 nghìn tỷ đồng, gấp 1,73 lần so với năm 2015; GRDP bình quân năm 2020 ước đạt 67,7 triệu đồng/người, gấp 1,64 lần so với năm 2015.
Tập trung đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng và vượt mục tiêu Đại hội đề ra; năm 2020, toàn tỉnh có 105/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 90,67% tổng số xã trên địa bàn tỉnh, 3 huyện (Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn) đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu trở thành phong trào thi đua sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Các lĩnh vực về văn hóa - xã hội đạt được kết quả tích cực, việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Ninh Bình từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững; an sinh xã hội đảm bảo; giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tốt. Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm theo chuyên đề, đạt kết quả tích cực.
Công tác chính trị tư tưởng được tăng cường, đổi mới; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, công tác cán bộ được củng cố, kiện toàn kịp thời, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng chất lượng, hiệu quả hơn; công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực; công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được nâng cao. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng hiệu quả, thiết thực... Đến nay, Ninh Bình đã có vị thế và diện mạo mới so với các tỉnh, thành trong khu vực và trong cả nước.
Chúng tôi đã gặp những con người đã sống và tham gia đấu tranh cách mạng trong mùa thu lịch sử năm 1945, ghi lại những đổi thay trên mỗi vùng quê để thấy rằng lịch sử không bao giờ cũ. Nó sẽ mãi mãi thổi vào thế hệ hiện tại ngọn lửa hoài bão và khát khao bỏng cháy dựng xây quê hương ngày một giàu đẹp.