Một trong những tấm lòng từ thiện ấy là việc làm ý nghĩa của Đại đức Thích Thanh Phú, Trụ trì chùa Quang Sơn (thành phố Tam Điệp). Với nồi cháo Thiện Tâm tại Bệnh viện Sản - Nhi duy trì được 9 năm và bếp từ thiện tại chùa Quang Sơn, xã Quang Sơn và chùa Lý Nhân, phường Yên Bình duy trì gần 4 năm nay bằng những bát cháo, suất cơm từ thiện trao tận tay cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa thành phố Tam Điệp đã góp phần động viên, tiếp sức cho những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thêm niềm tin, động lực trong điều trị bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.
Gần 4 năm nay, cứ vào thứ tư hàng tuần, từ sáng sớm, tại chùa Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) lại có rất đông các bà, các chị và những người có lòng hảo tâm trên địa bàn tập trung, tất bật với việc nấu cháo, nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo điều trị tại Bệnh viện đa khoa thành phố Tam Điệp. Mỗi người một việc, người phát phiếu cho bệnh nhân đăng ký các suất ăn; người thu mua, tiếp nhận lương thực, thực phẩm; người nhặt rau, thái thịt, vệ sinh bát đĩa; người nấu nướng, chế biến thức ăn; người chuẩn bị các điều kiện về phương tiện vận chuyển đến tận tay bệnh nhân… Tất cả được phân công, chia nhóm theo từng nhiệm vụ cụ thể, có khớp nối chặt chẽ, hài hòa, đảm bảo về thời gian, chất lượng bữa ăn và cả vấn đề ATTP. Thời tiết mùa hè nóng bức, công việc lặt vặt nhiều, mọi người luôn chân luôn tay khá vất vả, nhưng tất cả những người phụ giúp nấu ăn nơi đây không ai thấy mệt mỏi, ngại việc, họ luôn vui vẻ, tận tình, trợ giúp nhau nhanh chóng hoàn thành công việc để các suất ăn từ thiện nhanh chóng đến tay người bệnh.
Bà Đinh Thị Lới, xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp), người có nhiều năm tham gia làm công việc trợ giúp nấu ăn từ thiện tại chùa Quang Sơn cho rằng, việc làm của nhà chùa thực sự có ý nghĩa, từ đó thu hút nhiều người dân đến làm công quả tại chùa. Đối với bà, mặc dù không có lương hưu, nhưng được các con hỗ trợ tiền, hàng tháng bà đều mua 20kg gạo ủng hộ vào bếp từ thiện. Bà Lới cho biết, việc làm này sẽ được bà duy trì cho đến khi nào không còn sức khỏe nữa thì thôi. "Không chỉ đóng góp công sức, chúng tôi tùy vào điều kiện kinh tế của bản thân tiết kiệm chi tiêu, đóng góp thêm với nhà chùa làm những việc thiện như thế này. Đặc biệt, để có những bát cháo, bữa cơm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người bệnh, chúng tôi lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, có nguồn gốc, chất lượng; trong quá trình chế biến đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thực phẩm, bảo quản thức ăn an toàn, sạch sẽ đến tay người bệnh..." - bà Lới vui vẻ chia sẻ.
Được biết, vào thứ tư hàng tuần, chùa Quang Sơn sẽ tổ chức phát cháo buổi sáng, cơm buổi trưa cho những bệnh nhân nghèo. Để có khu nhà bếp khang trang, sạch sẽ, nhà chùa đã vận động các phật tử và mạnh thường quân đóng góp công sức, tiền bạc mua sắm thêm những vật dụng cần thiết. Các phật tử, người góp tiền, người ủng hộ gạo, gia vị, rau xanh, người đóng góp công sức... để duy trì căn bếp từ thiện những năm qua. Vào các ngày thứ tư hàng tuần, có trên dưới 100 bệnh nhân đến khám chữa bệnh và điều trị nội trú tại bệnh viện được nhận các suất ăn này. Các món cháo được thay đổi liên tục với các loại thịt nấu nhuyễn, thơm ngon, dễ ăn. Các suất cơm thường gồm 3 món là canh, món xào và món mặn, trị giá khoảng 20-25 nghìn đồng/suất, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và thức ăn được chế biến, nấu mềm, nhừ, phù hợp với người bệnh. Buổi sáng, hơn 6h, nồi cháo nóng hổi đã được chuyển đến bệnh viện và khoảng 10h, các suất cơm trưa thơm ngon lại được đưa đến tận tay người nhà bệnh nhân.
Nhận những suất ăn cho người nhà nằm điều trị gần 1 tuần tại bệnh viện đa khoa thành phố Tam Điệp, chị Đinh Thị Tỵ, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết, bản thân chị và người bệnh khi được nhận những bát cháo, suất cơm nóng sốt, ngon lành như thế này là cảm nhận được tình cảm, sự chia sẻ của nhà chùa và các tình nguyện viên đối với những người còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đây là hành động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, do vậy chị và những người bệnh ở đây mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp thường xuyên hơn, phần nào giúp đỡ các gia đình bệnh nhân còn khó khăn tiết kiệm được một chút chi phí sinh hoạt trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Đại đức Thích Thanh Phú, Trụ trì chùa Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) chia sẻ: Trong Phật pháp, giúp đỡ người nghèo khó về vật chất và tinh thần là niềm hạnh phúc, niềm vui của mỗi người tu hành, đó cũng là trách nhiệm, bổn phận của nhà tu hành giữa Đạo với Đời.… Chính vì vậy, từ nhiều năm trước, thầy Thích Thanh Phú đã phát tâm thiện nguyện, kêu gọi quyên góp nấu cháo từ thiện, hình thành nên nồi cháo Thiện Tâm tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Qua nhiều năm duy trì nồi cháo Thiện Tâm, nhận thấy ý nghĩa to lớn, sự phấn khởi đón nhận của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, Đại đức Thích Thanh Phú tiếp tục mở rộng thêm các bếp ăn từ thiện tại các chùa mà mình trụ trì trên địa bàn thành phố Tam Điệp, gồm chùa Quang Sơn, xã Quang Sơn và chùa Lý Nhân, phường Yên Bình, mỗi tuần một lần các chùa tổ chức nấu cháo, phát cơm cho bệnh nhân nghèo. Cùng với đó, Đại đức cũng nhiệt tình, thể hiện trách nhiệm của nhà chùa với các hoạt động từ thiện, nhân đạo tại cộng đồng, như thăm hỏi trẻ em, cụ già sống tại Trung tâm bảo trợ công tác xã hội tỉnh; phối hợp tổ chức các buổi khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách; tặng quà Tết cho các gia đình khó khăn, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa…
Để có kinh phí làm từ thiện, Đại đức Thích Thanh Phú cho biết, ngoài số tiền của bản thân, số tiền làm lễ, công đức trích của các nhà chùa, Đại đức còn tích cực vận động nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tín đồ phật tử… đóng góp, ủng hộ để các hoạt động từ thiện, nhân đạo được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Những việc làm ý nghĩa, trách nhiệm với cộng đồng xã hội của Đại đức Thích Thanh Phú nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng làm theo của các phật tử, nhân dân và nhận được sự đồng tình, ghi nhận của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh