BHXH là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Nói một cách khác là những người đang lao động đóng một phần thu nhập của mình để khi hết tuổi lao động về nghỉ hưu có thu nhập hoặc nếu bị mất sức, ốm đau, nghỉ sinh đẻ, thất nghiệp…sẽ được hưởng. Nguồn đóng BHXH từ người lao động và chủ sử dụng lao động theo tỷ lệ % do pháp luật quy định. Nguyên tắc của BHXH là có tham gia đóng thì mới có hưởng. Do vậy, mà người lao động và chủ sử dụng lao động không đóng sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHXH.
Từ khi Luật BHXH có hiệu lực và đi vào cuộc sống đến nay, trên địa bàn tỉnh ta, số lượng người tham gia và được thụ hưởng các chính sách BHXH tăng nhanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, tình trạng nhiều doanh nghiệp trốn đóng và nợ đọng BHXH cho người lao động lại diễn ra rất "phức tạp và khá phổ biến". Hãy xem con số doanh nghiệp trốn đóng BHXH, theo số liệu của Sở Kế hoạch- Đầu tư, tính đến 31-12-2013, thì trên địa bàn tỉnh ta có 4.079 doanh nghiệp ngoài nhà nước đăng ký hoạt động.
Còn theo số liệu của Liên đoàn Lao động tỉnh trong một cuộc khảo sát gần đây cho biết có 1.700 doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động với số lao động sử dụng (có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên) khoảng hơn 80.000 người. Thế nhưng hiện tại chỉ có 820 doanh nghiệp với 46.626 lao động đang tham gia BHXH. Nếu lấy số liệu khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh thì số doanh nghiệp tham gia BHXH mới có hơn 48%, còn gần 52% doanh nghiệp khác trốn BHXH và còn khoảng gần 40 nghìn lao động không tham gia BHXH. Nếu lấy số liệu của Sở Kế hoạch- Đầu tư thì tỉnh ta chỉ có hơn 20% số doanh nghiệp tham gia BHXH, còn lại là không đóng BHXH.
Tình trạng nợ đọng BHXH cũng rất đáng lo ngại, trong số 820 doanh nghiệp tham gia BHXH thì đến thời điểm giữa tháng 12-2014, có đến 753 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHYT, BHTN), chiếm 91,8% số doanh nghiệp tham gia với tổng số tiền nợ đọng là 85,346 tỷ đồng, trong đó có một số đơn vị để nợ đọng số tiền rất lớn và thời gian kéo dài mà trong khuôn khổ bài báo này không nêu tên lại nữa vì từ đầu tháng 12, báo Ninh Bình đã đăng liên tiếp cả một danh sách dài trong nhiều số báo.
Đáng chú ý và ngạc nhiên là trong danh sách đó có cả tên một số Tập đoàn, doanh nghiệp lớn với các đại gia rất "oách", đang trên đà phát triển, còn muốn mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác ở Ninh Bình. Tính đến hết ngày 31-12-2014, số tiền nợ của các doanh nghiệp đóng BHXH còn 51,9 tỷ đồng. Về thời gian, có doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH đến nay cao nhất là 62 tháng và ít nhất cũng là 8 tháng, điều đó đồng nghĩa với việc bằng ấy thời gian, nếu xảy ra vấn đề gì, người lao động sẽ không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ, không được hưởng sự chia sẻ gánh nặng kinh tế của xã hội vào thời điểm mà họ cần nhất sự giúp đỡ.
Hệ lụy của việc trốn đóng và nợ đọng BHXH của nhiều doanh nghiệp dẫn đến gần 40 nghìn người lao động ở tỉnh ta đáng lẽ được hưởng các quyền lợi chính đáng, hợp pháp về BHXH, BHYT, BHTN nhưng lại không được hưởng. Nhiều doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt đã trốn đóng hoặc nợ đọng để chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động (vì trong đó có trích % tiền lương của người lao động). Hậu quả là người lao động khi bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, đến tuổi nghỉ hưu…sẽ không được thanh toán các chế độ, không được trợ cấp hưu trí an nhàn lúc tuổi già.
Người lao động vì công ăn việc làm trước mắt hoặc vì không biết, hoặc không dám nói ra nên sẽ là người thiệt thòi nhất. Khi đến tuổi nghỉ hưu, hoặc khi bị thất nghiệp, khi ốm đau, thai sản, bị bệnh nghề nghiệp, ai sẽ bảo đảm cuộc sống cho họ? Gần 40 nghìn lao động Ninh Bình biết dựa vào đâu để được đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN vì bây giờ đơn vị, doanh nghiệp của họ không đóng hoặc đang nợ đọng tiền BHXH? Thật không công bằng khi lúc còn tuổi, người lao động làm việc làm giàu cho doanh nghiệp, đến tuổi nghỉ hưu hoặc không may bị ốm đau, thất nghiệp... lại không có nguồn thu nhập ổn định từ BHXH do chủ doanh nghiệp trốn, nợ tiền BHXH.
Đứng trước vấn đề đó thì trách nhiệm của cơ quan BHXH tỉnh đến đâu, họ đã làm gì để giải quyết tình trạng trốn và nợ đọng BHXH? Đem vấn đề đó trao đổi với ông Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh, được biết thời gian qua, BHXH tỉnh đã triển khai rất nhiều biện pháp để tuyên truyền, vận động, mở rộng đối tượng tham gia và thu hồi nợ đọng BHXH, phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh tuyên truyền, thông báo danh sách các đơn vị nợ đọng; cùng với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc; thành lập các tổ bám sát đơn vị, doanh nghiệp để thu nợ; khởi kiện ra tòa án…. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng vẫn không khắc phục được mà còn có chiều hướng nợ tăng lên.
Nguyên nhân của tình trạng này về mặt khách quan là do nền kinh tế trong nước và của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Sức mua thị trường giảm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải sản xuất cầm chừng, tạm ngừng hoạt động, phá sản hoặc giải thể không có khả năng đóng BHXH. Về mặt chủ quan, nhận thức của một số người lao động còn hạn chế chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia BHXH. Một số lao động khác vì áp lực công việc, thu nhập mà chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt không muốn tham gia hoặc không dám đấu tranh đòi chủ doanh nghiệp phải tham gia BHXH cho mình.
Đối với chủ sử dụng lao động, có người do khó khăn thực sự, làm ăn thua lỗ mà không có khả năng đóng BHXH, nhưng cũng có người nhận thức còn hạn chế, biết không tham gia đóng hoặc để nợ đọng BHXH là sai, nhưng vẫn cố tình vi phạm để chiếm dụng vốn, gây khó khăn cho cơ quan BHXH và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đáng buồn là có chủ doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền tỷ để mua cầu thủ này, thưởng trận thắng kia... nhưng vẫn nợ BHXH thì đó là ý thức chấp hành Luật BHXH chưa nghiêm. Đối với cơ quan BHXH, công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả cao, chưa chủ động điều tra, khảo sát nắm chắc địa bàn, số lượng đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động để vận động họ tham gia và để thu hồi nợ.
Về mặt pháp luật, còn có những điểm chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nên không tạo được sự hấp dẫn đối với người tham gia BHXH. Ví dụ như: một người tham gia đóng BHXH 20-30 năm, không may bị bệnh hiểm nghèo- chết lại không được hưởng tuất 1 lần mà bắt buộc giải quyết chế độ tuất thường xuyên nếu có thân nhân đủ các điều kiện hưởng. Luật pháp quy định chế tài xử phạt đối với đơn vị trốn, nợ BHXH chưa đủ mạnh, mức lãi suất thấp hơn lãi ngân hàng, việc cưỡng chế thực hiện chưa nghiêm.
Thời gian qua, BHXH tỉnh đã khởi kiện 4 đơn vị nợ đọng BHXH ra tòa án và sau đó có 2 đơn vị đã nộp tiền; 1 đơn vị thu chưa được mà nợ phát sinh còn tăng gấp đôi; 1 đơn vị mới nộp được 1 phần nợ, còn lại vẫn nợ đọng. UBND tỉnh quyết định tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH-BHYT đối với 11 doanh nghiệp nợ đọng lớn, thời gian kéo dài. Sau thanh tra, Chánh Thanh tra sở Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 doanh nghiệp số tiền là 149 triệu đồng nhưng đến nay chỉ có 6 đơn vị chấp hành, nộp phạt 74 triệu và nộp được 2,36 tỷ/12,4 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT.
Một điều thật đáng buồn là tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và nhất là ở các đơn vị trốn hoặc nợ đọng BHXH chưa phát huy hết được vai trò của mình. Với tư cách là tổ chức đại diện hợp pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, nhưng tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp này chưa làm được điều đó. Với các doanh nghiệp trốn đóng thì có thể là chưa có tổ chức công đoàn hoặc nhận thức của người lao động còn hạn chế. Với các doanh nghiệp nợ BHXH thì chủ doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động, nhưng không đóng cho BHXH mà có thể chiếm dụng, sử dụng vào mục đích khác nhưng công đoàn cũng không có ý kiến gì.
Giải pháp quan trọng để bảo vệ quyền lợi BHXH cho gần 40 nghìn lao động Ninh Bình lúc này là phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ từ tuyên truyền, vận động đến thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt để đối với chủ các doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, kịp thời về đóng BHXH cho người lao động. Trước mắt, đối với các doanh nghiệp có khó khăn thực sự thì cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng cần có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để tháo gỡ, giúp đỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh và chấp hành Luật BHXH.
Đối với các doanh nghiệp ý thức chấp hành Luật BHXH kém, chây ì, lợi dụng để chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động thì cần có biện pháp xử lý cương quyết, triệt để. Về lâu dài, cần kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có các chế tài đủ mạnh cả về hành chính, kinh tế và hình sự (nếu tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động trốn hoặc nợ đọng BHXH nhiều, thời gian dài, đã bị xử lý về mặt hành chính, kinh tế nhưng vẫn chây ì thì phải xử lý hình sự để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật).
Về kinh tế, pháp luật nên quy định các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khi đưa ra thị trường phải đóng BHXH đầy đủ cho người lao động, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ đó đã tính đúng, đủ giá cả, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Về mặt xã hội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng sử dụng các hàng hóa, dịch vụ đã nộp đầy đủ BHXH cho người lao động và tẩy chay các hàng hóa, dịch vụ trốn hoặc còn nợ BHXH. Có thể ban đầu khi triển khai sẽ có nhiều khó khăn, nhưng khi cả xã hội đồng thuận thì lúc đó Luật BHXH sẽ thực sự đi vào đời sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động một cách hiệu quả nhất.
Nguyễn Đông