Trong những ngày này, các thế hệ CCB của Trung đoàn 9 đang tích cực chuẩn bị cho buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 70 năm thành lập. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức tại Ninh Bình với sự có mặt của CCB thuộc 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là dịp để các CCB ôn lại truyền thống anh hùng của Trung đoàn, góp phần giáo dục truyền thống; củng cố khối đoàn kết của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn… xứng đáng với danh hiệu cao quý "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng. Cách đây 70 năm, ngày 23/9/1947, tại Mỹ Phong, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, Trung đoàn 9a (thuộc Sư đoàn 304) được thành lập với danh hiệu Quang Trung - Cù Chính Lan, là một trong những trung đoàn chủ lực đầu tiên của các lực lượng vũ trang nhân dân ta. Tiếp đó, theo yêu cầu của cách mạng, ngày 14/8/1965, Trung đoàn 9b được thành lập với danh hiệu Vĩnh Thái tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tuy 2 trung đoàn được thành lập cách nhau gần 20 năm song Trung đoàn 9 vẫn thống nhất lấy ngày 23/9/1947 làm ngày truyền thống.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung đoàn 9 được cơ động chiến đấu khắp chiến trường Đông Dương, được tham gia nhiều chiến dịch đánh lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với các đơn vị bạn, Trung đoàn đã liên tục tham gia các chiến dịch lớn: Trần Hưng Đạo (1950), Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình (1951), Quang Trung (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954).
Thời kỳ này, Trung đoàn chính là đơn vị đã rèn luyện, "sản sinh" ra nhân tố anh hùng, một trong những lá cờ thi đua tiêu biểu trong toàn quân. Đó là trong chiến dịch Hòa Bình năm 1951, trong trận Giang Mỗ đường 6, với tinh thần dũng cảm, mưu trí, Cù Chính Lan đã một mình dùng thủ pháo, lựu đạn kiên quyết truy kích, tiến công tiêu diệt xe tăng của quân xâm lược Pháp. Anh được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, trở thành một trong 7 lá cờ thi đua yêu nước lúc đó.
Trong thời kỳ chống Pháp, những người lính áo vải mũ nan chân đất của Trung đoàn đã không quản ngại gian nan vất vả, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, ngày đêm bám đất bám dân, vừa chiến đấu, vừa vận động quần chúng, vừa lao động sản xuất.
Là một trung đoàn chủ lực của Liên khu 4, trong 8 năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, dù đánh địch ở vùng đồng bằng hay vùng đồi núi hiểm trở, Trung đoàn luôn đoàn kết gắn bó thành một khối vững chắc, băng qua mọi gian khó, vượt lên gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 9 góp phần cùng đơn vị bạn bắt sống toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm, trong đó có Đại tá La-lăng là Chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, từ đầu năm 1965, Trung đoàn 9a được cử sang chiến đấu ở trung Lào rồi vào chiến trường Trị Thiên Huế. Là một trong những đơn vị chủ lực quan trọng tham gia tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, nhà lao Thừa Phủ, giải thoát cho 2.200 đồng bào chiến sỹ bị địch giam cầm, đánh chiếm Đông Ba, Thượng Từ, Phúc Cám, Phước Quê cùng nhân dân giữ Huế 25 ngày đêm.
Cũng trong năm 1968, Trung đoàn 9 b thực hiện nhiệm vụ "vây lấn, tấn phá, triệt địch" quân địch ở đường 9 Khe Sanh với những địa danh còn vang mãi chiến công như: Tà Cơn, Khe Sanh, Hướng Hóa. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn đã có mặt trong hầu hết các chiến dịch lớn và được giao nhiệm vụ đánh các trận có ý nghĩa quyết định.
Đó là trận quyết chiến quyết thắng trên Thành cổ Quảng Trị năm 1972, kéo dài 81 ngày đêm, góp phần bảo vệ và giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị. Ghi dấu ấn là trận chiến đấu với tinh thần quả cảm "1 thắng 100" của Trung đội Mai Quốc Ca trên chiến trường này, 20 chiến sĩ chốt giữ cầu Quảng Trị đã đánh lùi hàng chục đợt phản công của lính Mỹ mở đường vào cứu hộ cho Thành cổ Quảng Trị.
Chiến thắng này là một kỷ lục hiếm có trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung đội đã được tuyên dương Anh hùng LLVT và được dựng tượng đài chiến thắng ở cầu Quảng Trị. Thắng lợi của Trung đoàn 9 đã cùng các lực lượng làm cho phòng tuyến đường 9 Khe Sanh của kẻ thù bị phá vỡ.
Mùa xuân năm 1975, Trung đoàn 9a tham gia chiến dịch Tây Nguyên- Buôn Mê Thuột chia cắt địch trên đường 14 và phát triển đánh địch giải phóng thị xã Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Trong khi đó Trung đoàn 9b tham gia chiến dịch Huế - Đà Nẵng đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, đài phát thanh, sở chỉ huy ngụy ở Đà Nẵng cùng các lực lượng giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 9 trong đội hình quân đoàn 3 đánh từ hướng Tây Bắc vào Sài Gòn cùng Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Sư đoàn 25 của ngụy ở Đồng Dù, Củ Chi. Trung đoàn 9b, trong đội hình Sư đoàn 304 đánh chiếm khu quân sự ở Nước Trong, Long Khánh và cùng các lực lượng bạn đánh vào Dinh độc lập, bắt Dương Văn Minh đầu hàng. Chiến công của 2 trung đoàn đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Ngoài nhiệm vụ cơ động đánh địch trên chiến trường Việt Nam, các chiến sỹ của Trung đoàn 9a còn 4 lần thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào; Trung đoàn 9b sau năm 1979 cũng đã làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Cam-pu-chia chiến đấu diệt bọn Pôn pốt, xây dựng chính quyền cách mạng.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, Trung đoàn 9 còn luôn làm tốt nhiệm vụ huấn luyện, nhất là sau năm 1954 về đóng quân ở Đồng Giao - Tam Điệp. Trung đoàn luôn coi trọng nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện kỹ, chiến thuật nên các môn thi hội thao, hội thi toàn quân đều đạt tốt, được giữ cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ về huấn luyện giỏi trong 3 năm liên tục 1962-1963-1964. Trung đoàn cũng được Bộ Quốc phòng tôn vinh là cái nôi của phong trào thi đua 3 nhất về huấn luyện trong toàn quân.
Trong 70 năm xây dựng, chiến đấu, Trung đoàn 9 đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 7 tập thể và 6 cá nhân, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ được tặng thưởng huân, huy chương, dũng sỹ các loại…
Có thể nói, Trung đoàn 9 không chỉ nổi lên bởi chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu mà còn là cái nôi tôi luyện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đã có không ít cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn trở thành những người cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội, trở thành các nhà khoa học, doanh nhân, doanh nghiệp giỏi… Khi đất nước chuyển sang giai đoạn cách mạng mới những CCB của Trung đoàn 9 đã luôn giữ vững, phát huy bản chất anh Bộ đội cụ Hồ, xứng danh là người lính Trung đoàn 9 anh hùng.
Thiếu tướng Vũ Xuân Sinh(Nguyên Chính ủy Trung đoàn 9)