Học hết trung học cơ sở, Vũ Kiều Loan (sinh năm 1989) ở nhà làm ruộng cùng với gia đình. Rồi cũng như bao cô gái ở làng quê đến tuổi dựng vợ gả chồng, năm 2010, Loan đã quen biết và kết duyên với anh Nguyễn Văn Mạnh sinh năm 1981 là người ở cùng huyện Yên Khánh. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng trẻ chung sống trong một ngôi nhà cấp bốn của mẹ anh Mạnh là bà Vũ Thị Nương ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, còn bà Nương sang ở cùng với con gái là chị Nguyễn Thị Nụ trên cùng một thửa đất. Một năm sau đó, ngôi nhà của đôi vợ chồng có thêm niềm vui khi chào đón đứa con trai đầu lòng ra đời. Song, như các cụ ta thường nói "hai vợ chồng son thêm đứa con thành bốn", vợ chồng Mạnh - Loan phải đối mặt với bề bộn lo toan của cuộc sống gia đình, những nỗi lo về cơm áo, gạo, tiền trong khi đó, kinh tế gia đình lại chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập của anh Mạnh nên cũng không lấy gì làm dư giả. Cũng từ đây, sóng gió bắt đầu đe dọa đến hạnh phúc của gia đình nhỏ, Loan và chồng phát sinh mâu thuẫn, bất đồng, thường xuyên cãi vã lẫn nhau. Đến ngày 21-5-2012, anh Mạnh đi làm về thấy nhà cửa bừa bộn nên đã chửi mắng vợ, lời qua tiếng lại anh Mạnh và Loan cãi nhau, trong lúc nóng giận, người chồng đập phá đồ đạc và tát vợ một cái, sau đó bỏ sang nhà mẹ và chị gái.
Mấy hôm sau, đến sáng ngày 25-5-2012, anh Mạnh đưa cho chị Nụ (chị gái anh Mạnh) 40.000 đồng để nhờ chị đưa cho Loan và nói rằng đó là tiền mua thức ăn cho con. Do vẫn còn bực tức với anh Mạnh, Loan nảy sinh ý định không dùng tiền của chồng mua thức ăn cho con mà dùng để trả thù anh Mạnh. Khoảng 9 giờ cùng ngày, Loan đạp xe đến cửa hàng Vật tư nông nghiệp Hồng Quang ở thị trấn Yên Ninh hỏi mua thuốc trừ sâu về phun lúa, được người bán hàng bán cho ba bình thuốc trừ sâu, mỗi bình có 5 gói các loại với giá 40 nghìn đồng. Sau đó, Loan đem số thuốc mua được về nhà, đến khoảng 10 giờ cùng ngày, thấy anh Mạnh về nhà chị Nụ để nấu cơm trưa rồi tiếp tục đi làm, đợi anh Mạnh ra khỏi nhà, Loan mang số thuốc trừ sâu vừa mua được sang nhà chị Nụ. Lúc này, ở nhà chỉ có mẹ chồng Loan tuổi đã cao, mắt bị mờ và bị lẫn nên bà Nương không mảy may biết gì về hành động của con dâu. Loan đi xuống bếp mở vung nồi cơm điện, thấy nồi cơm chưa sôi, Loan lấy ra bốn gói thuốc đã mua sẵn, dùng dao lam cắt miệng rồi đổ toàn bộ vào nồi cơm, sau đó đậy vung lại như cũ rồi đem dao lam và các vỏ gói thuốc trừ sâu về bếp nhà mình, cất dao lam trên thành tường xây, còn các vỏ gói thuốc trừ sâu bỏ vào bếp đốt. Số thuốc còn lại, Loan đem gói vào một túi nilon rồi cất ở kho bếp của gia đình.
Đến trưa cùng ngày, bà Nương xuống bếp lấy cơm đem lên phòng khách dọn ăn, đúng lúc đó, chị Nụ đi làm về, thấy bát cơm có màu vàng, kiểm tra thấy có mùi hắc khác thường, chị Nụ không cho bà Nương ăn. Nghi có người đầu độc, chị Nụ đã báo với trưởng phố và cơ quan công an huyện Yên Khánh.
Sau khi nhận được tin báo, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ 600 gam cơm có màu vàng từ nồi cơm nhà chị Nụ. Cơ quan công an lấy mẫu cơm để trưng cầu giám định, đồng thời thu tại nhà bếp và nhà kho gia đình Vũ Kiều Loan 2 gói thuốc bảo vệ thực vật ký hiệu BPBYMS 200WP; 2 gói SIEURAY 250WP; 2 gói ATULIVL 5,55SC; 2 gói TANGO 800WG và 1 gói OLANFA3; 1 chiếc dao lam và 1 mẩu than của gói giấy bạc. Tiến hành lấy mẫu các loại thuốc trên gửi đi giám định. Tại bản kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an) kết luận: Trong mẫu cơm gửi giám định có chứa các thuốc hóa chất bảo vệ thực vật sau: Tricyclazole, Acetamiprid, Hexacorazole, Fipronil. Thử cho chuột trắng uống dịch chiết xuất của mẫu giám định, chuột trắng chết sau 7 phút.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa xét xử, Vũ Kiều Loan khai nhận đã thực hiện hành vi phạm tội của mình như bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh . Lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, lời khai của người làm chứng, người bị hại và các chứng cứ, tài liệu khác trong hồ sơ vụ án. Tòa án nhân dân tỉnh nhận thấy: có đủ cơ sở để kết luận bị cáo thực hiện hành vi "giết người" theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khi lượng hình, Hội đồng xét xử đã xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo do có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; thân nhân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Gia đình người bị hại là anh Mạnh, chị Nụ, bà Nương xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đồng thời bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra thuộc trường hợp "phạm tội chưa đạt". Đặc biệt hơn là nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ việc chồng bị cáo khi đi làm về nhà thấy nhà cửa bừa bộn nên đã có lời nói làm cho vợ không hài lòng dẫn đến cãi nhau, anh Mạnh đã tát bị cáo rồi bỏ sang nhà mẹ đẻ không ăn ở, sinh hoạt với vợ, con nên bị cáo Loan nảy sinh ý định và thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, anh Mạnh cũng có một phần lỗi (tát vợ là hành vi trái pháp luật, vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình) nên bị cáo phạm tội thuộc trường hợp "phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại". Vì các lẽ trên, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt Vũ Kiều Loan 6 năm 6 tháng tù về tội "Giết người".
Minh Vũ