Mười lăm năm qua, mọi hoạt động của Hội đều gắn với hội viên, lấy chi hội làm cơ sở, với phương châm tự nguyện, đồng thuận và nghĩa tình. Các thế hệ con em Nghệ Tĩnh có mặt ở Ninh Bình, từ các cụ, các bác cao tuổi đến thế hệ trẻ, từ cán bộ trung cao đến các nhà giáo, kỹ sư, các nhà quản lý, hoạt động xã hội, đến người thợ, người lính, học viên các trường dạy nghề, những người nông dân, xã viên bám ruộng, bám đồng, từ mọi vùng miền, những người đang công tác đến những người đã nghỉ chế độ, đều vun đắp cho Hội ngày một phát triển thêm bền vững.
Những người con quê hương Nghệ Tĩnh- một vùng quê văn hiến, không chỉ là giải đất địa linh, nhân kiệt giàu truyền thống yếu nước và cách mạng, mà còn là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình, nên dù làm gì, ở đâu vẫn tìm đến nhau thân thương, gần gũi vô cùng. Đối với người xứ Nghệ, vật chất có thể thiếu nhưng tình người, tình quê thì vẫn sau trước ân tình, son sắt.
Do đi đúng đường hướng, tiêu chí đã đặt ra, cùng với nỗ lực của các cấp Hội và sự gắn bó của hội viên nên những hoạt động của Hội đã tạo được hình ảnh tích cực trong dư luận xã hội, được lãnh đạo nhân dân ba tỉnh: Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh quan tâm và nhiệt tình ủng hộ.
Đồng thời hội cũng nhận được sự giúp đỡ tự nguyện của hàng trăm đồng chí, đặc biệt là những người đang làm việc, công tác, kinh doanh, có điều kiện hơn luôn sẵn sàng chia sẻ với hội những lúc có công to, việc lớn. Và cảm động hơn là trong số những tấm lòng hảo tâm đó không chỉ có con em Nghệ Tĩnh mà còn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, của các ngành, các cấp, các doanh nhân, doanh nghiệp và nhiều bạn bè quê Ninh Bình cả tinh thần, vật chất cho Hội hoạt động.
Nhìn lại chặng hành trình đã qua, Hội các cấp đã làm được một số việc giúp phong trào đi đúng mục đích và có bước phát triển ngày một bền vững hơn.
Công tác tổ chức được Thường trực Tỉnh hội đặc biệt quan tâm. Những người được chọn, cử tham gia vào Ban Chấp hành hội từ Tỉnh hội, huyện, thị hội đến các chi hội cơ sở đều là những người có năng lực, tâm huyết, có uy tín trong cộng đồng con em Nghệ Tĩnh.
Thường trực Tỉnh hội đã căn cứ vào địa bàn và số lượng hội viên chỉ đạo các huyện, thị hội phân vùng thành lập chi hội, tổ nhóm nhằm đảm bảo thuận lợi cho bà con trong sinh hoạt.
Với Thành phố Ninh Bình và Thị xã Tam Điệp có đông hội viên nên Thường trực Tỉnh hội đã cho thành lập hội các xã phường. Vào thời điểm này số lượng hội viên toàn tỉnh trên dưới 900 người.
Ở một số chi hội, tổ nhóm đã có bước kiện toàn lại tổ chức nên mọi sinh hoạt đã đi vào nề nếp, làm cho đông đảo hội viên thấy tin tưởng và gắn bó hơn. Duy trì và giữ vững mỗi năm 2 kỳ họp vào dịp tết Nguyên Đán và ngày truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh (12-9) giúp gắn kết với hội viên. Một phẩm chất đáng trân trọng của họ là tận tâm, trách nhiệm và nghĩa tình.
Những hoạt động trên quy mô toàn tỉnh của hội đã thực sự gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với lãnh đạo và nhân dân 3 tỉnh, với tập thể hội viên. Từ lễ ra mắt hội năm 1998, kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh năm 2000, Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh 2005, kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 2010.
Quyên góp ủng hộ bà con quê nhà bị bão lụt hàng chục triệu đồng, ủng hộ quĩ khuyến học hơn hai triệu đồng ngay sau khi hội khuyến học Ninh Bình được thành lập, giành hàng chục triệu đồng mua tặng vật tiến cúng Đền Thờ Nguyễn Công Trứ nhân kỷ niệm 175 năm ngày thành lập huyện Kim Sơn và 155 năm ngày mất của ông. Số tiền trên đã được huy động từ sự ủng hộ của lãnh đạo 3 tỉnh, của các nhà hảo tâm, của tập thể hội viên.
Hội còn là nhịp cầu nối để mọi hội viên sống hết mình với Ninh Bình, quê hương thứ 2 đã luôn giang rộng cánh tay chở che, đùm bọc, tạo điều kiện để hội viên sống và làm việc tốt hơn. Thực tế cho thấy từ vùng cao Nho Quan đến vùng đất mở Kim Sơn, từ thành phố Ninh Bình- trung tâm tỉnh lị đến Tam Điệp- thị xã trung du, hàng ngàn con em Nghệ Tĩnh dù đang làm việc, công tác hay đã nghỉ chế độ, ở mọi địa bàn dân cư luôn giữ được tác phong, đạo đức, lối sống, luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, đóng góp có hiệu quả vào các phong trào của địa phương, nhất là phong trào "học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Chi hội cơ sở hầu hết đều duy trì có nề nếp các kỳ sinh hoạt ít nhất mỗi năm 2 lần vào dịp 12/9 ngày truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh, trước và sau tết Nguyên Đán. Một thực tế là từ khi có tổ chức hội, hội viên thấy gắn kết gần gũi nhau hơn. đã có biết bao hình ảnh cảm động khi gia đình hội viên có việc hỉ, việc hiếu, có người ốm đau nhà cửa hư hỏng, dột nát hoặc gặp phải những hoạn nạn rủi ro đều có anh em cùng quê đến chia sẻ, giúp đỡ.
Chi hội phường Nam Sơn thị xã Tam Điệp còn tự nguyện góp tiền giúp cho đồng chí Hảo nạn nhân chất độc màu da cam có 2 đứa con tật nguyền vay không lấy lãi để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Chi hội Nho Quan A còn đóng góp tiền mắc điện cho chị Hòa ốm đau, chồng bỏ với số tiền 600.000 đồng và mua tặng chị một chiến xe đạp 200.000 đồng. Thành phố Ninh Bình giúp 10 trường hợp già cả ốm đau va hoạn nạn với số tiền 5 triệu đồng, Kim Sơn giúp 2 trường hợp là con hội viên mồ côi bị tai nạn với số tiền 2 triệu đồng. Ở Kim Sơn, Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư cũng có nhiều việc làm hảo tâm mà tỉnh hội chưa thống kê hết….
Các huyện, thị hội, thành hội, các chi hội, các hội cơ sở đã làm khá tốt, thường xuyên việc mừng thọ, mừng đám cưới, mừng tân gia, thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, hoạn nạn, phúng viếng không chỉ trong trường hợp không may hội viên bị mất mà cả tứ thân phụ mẫu đều được tiến hành chu đáo.
Tổng số tiền mà các cấp hội chi vào các hoạt động trên trong 15 năm qua đạt trên 100 triệu đồng, trong đó 150 hội viên được tổ chức mừng thọ, 309 lượt gia đình con em hội viên được nhận quà mừng đám cưới, 890 lượt hội viên được thăm hỏi ốm đau, hơn 50 lượt hội viên và thân nhân của họ không may qua đời được phúng viếng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có trên 300 các bác, các đồng chí dù đã nghỉ chế độ vẫn tham gia làm công tác đoàn thể, tổ chức xã hội từ tỉnh đến xã, phường; có nhiều đồng chí đã và đang được phân công giữ các cương vị Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã, phường, Bí thư chi bộ, Trưởng phố, Trưởng thôn, các đoàn thể; tham gia vào các hoạt động của Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh, Hội VHNT tỉnh, Hội Khuyến học các cấp…
Không ít người dù đã vào độ tuổi nghỉ ngơi, vẫn say sưa đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh trở thành những chủ doanh nghiệp làm ăn phát đạt có uy tín như ông Hoàng Đình Từ- Hoa Lư, ông Hà Phong ở Thành phố Ninh Bình, ông Hoàng Xuân Thành ở Kim Sơn và hàng chục người là chủ trang trại ở Nho Quan, Tam Điệp. Những người đang công tác, dù làm gì, ở đâu, ở khu vực dân chính hay trong lực lượng vũ trang, dù làm lãnh đạo quản lý, chỉ huy, dù làm thầy, làm thợ, đều nỗ lực hết mình đạt hiệu quả cao trong công việc.
Lê Liêu