Nho Quan là huyện miền núi của tỉnh, địa bàn rộng, diện tích tự nhiên 490 km2, dân cư đông đúc với 35.397 hộ, được chia thành 3 khu vực địa lý rõ rệt là vùng cao, vùng bán sơn địa và vùng chiêm trũng. Toàn huyện có 27 đơn vị hành chính xã và thị trấn (trong đó có 7 xã giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình; 8 xã giáp với huyện Gia Viễn và thị xã Tam Điệp). Những năm trước đây, tình hình an ninh trật tự ở các khu vực giáp ranh có những diễn biến phức tạp do mẫu thuẫn trong nội bộ nhân dân; các tai, tệ nạn xã hội tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép làm ảnh hưởng đến an ninh xã hội. Xuất phát từ tình hình trên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở mỗi địa phương và khu vực giáp ranh, ngày 20-2-1993, Huyện Nho Quan, Huyện Yên Thủy và Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) đã ra nghị quyết về việc xây dựng và thành lập Cụm an toàn về ANTT khu vực giáp ranh. Các đơn vị tham gia gồm: Xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy-Hòa Bình), xã Đồng Phong (huyện Nho Quan) và các đơn vị quân đội: Trường tăng thiết giáp, Kho K24, trung đoàn 584 và X18. Do yêu cầu cần có sự mở rộng phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, chống khai thác cát dưới lòng sông Bôi, Cụm đã mở rộng kết nạp thêm 2 thành viên là xã Gia Thủy (huyện Nho Quan), xã Gia Hưng (Gia Viễn). Để khép kín địa giới giáp ranh giữa huyện Nho Quan với tỉnh Hòa Bình, Công an huyện Nho Quan phối hợp với công an các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (Hòa Bình) tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo xây dựng Cụm an toàn về ANTT khu vực xã Thạch Bình. Cụm gồm: Xã An Bình, huyện Lạc Thủy, xã Đoàn Kết, Hữu Lợi (huyện Yên Thủy) và xã Phú Sơn, Thạch Bình (huyện Nho Quan) và Tiểu đoàn 9 và J102 Quân đội. Phát huy những kết quả và kinh nghiệm trong hoạt động của các Cụm giáp ranh, đến nay toàn huyện đã thành lập được 5 Cụm an toàn về ANTT khu vực giáp ranh, với 35 đơn vị tham gia gồm 20 xã, 8 cơ quan, doanh nghiệp và 7 đơn vị quân đội.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Cụm an toàn về ANTT khu vực giáp ranh đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân ở các địa phương về đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ đảm bảo ANTT; về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của kẻ địch và các loại tội phạm; giáo dục ý thức đề cao cảnh giác đối với tai nạn, tệ nạn xã hội và tội phạm.
Đồng chí Bùi Văn Thuần, Trưởng Công an huyện cho biết: Với vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xây dựng, duy trì hoạt động của cụm an toàn về ANTT địa bàn giáp ranh, Công an huyện đã tập trung chỉ đạo lực lượng công an các xã trong khu vực thường xuyên tổ chức giao ban cụm để nắm tình hình tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát quản lý địa bàn, nhân khẩu, hộ khẩu và theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của đối tượng hình sự. Đi đôi với công tác phòng ngừa, phối hợp điều tra, xử lý kịp thời những vụ việc xẩy ra trong cộng đồng dân cư. Thông qua công tác tuyên truyền vận động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, 15 năm qua nhân dân các xã trong 3 cụm giáp ranh đã cung cấp cho công an xã 750 nguồn tin liên quan đến tội phạm giúp lực lượng công an các xã phối hợp triệt phá 10 ổ nhóm trộm cắp tài sản công dân, 7 ổ nhóm nghiện hút, buôn bán ma túy, 18 ổ nhóm cờ bạc, số đề, 4 ổ nhóm lâm tặc, phối hợp điều tra xử lý 310/450 vụ việc xảy ra liên quan đến khu vực giáp ranh, bắt 16 đối tượng có lệnh truy nã, vận động 7 đối tượng gây án bỏ trố ra đầu thú, lập hồ sơ đưa 12 đối tượng đi giáo dục tập trung, 25 đối tượng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng. Đặc biệt là việc khai thác cát ở sông Bôi thuộc khu vực Cụm giáp ranh 5 xã trước đây, đã xâm phạm đến diện tích đất sản xuất của nhân dân, phá hủy cột điện, xâm hại đến hệ thống đê điều gây bức xúc trong nhân dân khu vực giáp ranh. Từ khi Cụm an toàn về ANTT khu vực giáp ranh đi vào hoạt động, tình trạng khai thác cát trái phép đã chấm dứt. Ngoài việc triển khai thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo ANTT ở địa phương, đơn vị và khu vực giáp ranh còn chỉ đạo đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến như: "gia đình 2 quản, thôn xóm 3 quản" của huyện Yên Thủy. Xây dựng đưa vào hoạt động các mô hình "Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội", "Cơ quan, đơn vị trường học an toàn, đoàn kết, văn hóa", "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ", "Vì mái trường thân yêu hãy nói không với ma túy", "Sống tốt đời, đẹp đạo" đối với đồng bào Công giáo… đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và tăng cường đoàn kết gắn bó giữa, nhân dân các địa phương, đơn vị.
Để hoạt động của mô hình này phát huy hiệu quả… các cấp ủy, chính quyền cần đẩy nhanh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn dân về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền phương thức hoạt động của các loại tội phạm, tác hại của ma túy… đến từng người dân. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy hoạt động của Cụm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mỗi cán bộ từ huyện đến xã để hoạt động của mô hình đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra.
Bài và ảnh: Đức Lam