Khó vì đất nước ta đã trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, chiến tranh loạn lạc liên miên, kéo dài, sách vở tư liệu đã hiếm lại cũng bị thất lạc nhiều. Song cũng rất lý thú vì nghiên cứu về các dòng họ trong nước được hiểu biết thêm về truyền thống dân tộc ta, yêu thêm đồng bào ruột thịt trên đất nước ta.
Chấp nhận những thử thách ấy, nhà Nghiên cứu văn hóa Đỗ Trọng Am (Khánh Thiện,Yên Khánh, Ninh Bình) đã mạnh dạn đi vào vấn đề này. Ông đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu và tổng hợp. Tập "Văn hóa dòng họ Việt Nam" của ông đã được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành quý I. 2011. Sách in khổ 14,5 - 20,5, dày 236 trang , in lần đầu 800 bản.
Ông đã nêu lên được nguồn cội, lai lịch của các dòng họ Việt Nam, cũng như sự thay đổi, sự phát tán trên khắp đất nước (và cả ra nước ngoài) của nhiều dòng họ… Phần quan trọng của sách, ông giới thiệu về văn hóa, nền nếp gia phong của các dòng họ và nhiều tư liệu khác… Theo ông nước ta có 54 dân tộc gồm 209 dòng họ. Nếu mỗi gia đình là một tế bào của xã hội thì mỗi dòng họ là một tế bào lớn đã làm nên dân tộc, làm nên đất nước. Suốt chiều dài lịch sử, từ thời các vua Hùng dựng nước, đến nay là 4.629 năm, các dòng họ đã chung lưng đấu cật chống thiên tai, địch họa làm nên một đất nước hòa bình, độc lập như hôm nay.
Ông cũng nghiên cứu kỹ vấn đề thay đổi của các dòng họ. Ở đây ông nêu lên ba nguyên nhân cơ bản : Một là do thay đổi các triều đại, các tập đoàn phong kiến truy lùng, sát phạt lẫn nhau nên nhiều tộc phải thay tên, đổi họ, hai là nhiều người lập được những công lao lớn với nước được nhà vua ban quốc tính, cho mang họ nhà vua, ba là nhiều người đi làm con nuôi các họ khác nên được mang tên họ của cha nuôi. Nhưng dù di chuyển đi đâu, đến đâu, thay đổi thế nào thì người Việt Nam vẫn ghi nhớ gốc gác tiên tổ, quê hương bản quán của mình. Chính vì thế mới có chuyện như "Sinh Nguyễn, tử Mai", "Sinh Đặng, tử Trần", "Sinh Lê, tử Lý"…Tức là lúc sống mang tên họ này nhưng lúc mất lại trở lại họ chính gốc của mình…
Phần ông tập trung nhiều hơn là về vấn đề văn hóa dòng họ. Đó là một truyền thống tốt đẹp, qua nhiều đời con cháu đã tạo dựng được. Mỗi dòng họ có một bản sắc, truyền thống riêng, nhất là những dòng họ lớn, những dòng họ nổi tiếng, mà chỉ cần kể đến tên họ ta cũng đã phải kính nể. Những truyền thống, bản sắc ấy luôn luôn được các dòng họ gìn giữ và phát huy. Đồng thời với những điều tốt đẹp được phát huy thì những hủ tục lạc hậu cũng ngày được khắc phục, bài trừ. Những đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", "Trung, hiếu, tiết, nghĩa, cần, kiệm, liêm, chính"…lòng yêu nước, thương nòi…là những nội dung được tác giả đề cập khá sâu đậm trong sách.
Để tập sách phong phú hơn, sinh động hơn, ông còn nêu đậm về những dòng họ lớn, tiêu biểu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là những dòng họ nổi tiếng như họ Lê (dòng họ vua Lê Đại Hành ở Thanh Hóa); họ Vũ nổi danh khoa bảng ở Mộ Trạch (Hải Dương); họ Bùi " Sơn Nam vọng tộc" ở Thịnh Liệt (Hà Nội); và họ Bùi " Khoa danh hiển đạt, thi lễ truyền gia" làng An Bài, Quỳnh Phụ (Thái Bình); họ Phan Huy (Hà Tây cũ); họ Ngô nổi tiếng " Ngô gia văn phái" với tác phẩm sử thi để đời "Hoàng Lê nhất thống chí"… rồi họ Đặng ở Huế, họ Hùynh Tấn ở Bình Định, họ Vũ, họ Phạm, họ Trần, họ Nguyễn, họ Đinh, họ Phạm … ở khắp nơi trong nước… Ở Ninh Bình, ông cũng điểm đến các họ như họ Nguyễn Tử ở Thư Điền (Ninh Nhất - Hoa Lư). Họ Tạ ở xã Khánh Dương và họ Ninh ở Côi Trì, xã Yên Mỹ (Yên Mô)….
Phát huy truyền thống của các dòng họ, ngày nay nhiều họ đã trở thành những dòng họ Khuyến học tiêu biểu của cả nước.
Cuối sách, ông còn cho in niên biểu các triều vua, thống kê 209 dòng họ và tên tuổi các nhà khoa bảng Việt Nam từ xưa đến nay… để người đọc tiện tra cứu, đối chiếu.
Đọc sách, bạn đọc nhận thấy sự nghiêm túc, công phu, tỷ mỉ, khoa học trong công việc sưu tầm, nghiên cứu của ông. Nhiều họ, ông đã nêu lên được cả gốc gác, kể đến từng đời, từng số người (có cả số liệu nam, nữ cụ thể), số con cháu đỗ đạt… thật chi ly và có căn cứ…v.v…
Truyền thống gia đình, dòng họ, làng xóm, huyện, tỉnh….đã làm nên truyền thống đất nước, dân tộc… Đây cũng là vấn đề ngày nay được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, khuyến khích để phát huy. Nhiều họ đã thành lập được Ban liên lạc dòng họ, nối tìm được dòng họ của mình trong cả nước, đã tập trung được những buổi họp mặt lớn, đã hoàn chỉnh được gia phả, viết được lịch sử truyền thống dòng họ …
Qua "Văn hóa dòng họ Việt Nam" của Đỗ Trọng Am người đọc được cũng hiểu thêm một cách sinh động về lịch sử dân tộc, thấy được những đóng góp lớn lao cho đất nước, cho dân tộc của các dòng họ. Đây là một cuốn sách, một tư liệu quý cần có sự trao đổi bổ sung, nhất là của các nhà lịch sử, các nhà khoa học chuyên sâu. Mong có được một cuốn sách khoa học hơn, đầy đủ hơn về các dòng họ Việt Nam mà ai cũng cần, dòng họ nào cũng cần.
Thanh Thản