Ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68). Tổng giá trị gói hỗ trợ vào khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết số 68 được kỳ vọng sẽ giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn do thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tiến độ thực hiện gói hỗ trợ này trên địa bàn tỉnh.
"Trợ sức" cho người lao động
Phóng viên: Trước Nghị quyết 68, năm 2020 chúng ta cũng đã từng triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Vậy điểm khác nhau giữa hai gói hỗ trợ này là gì, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Hữu Tuyến: Đại dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta; hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu nhập; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã phải ngừng hoạt động.
Trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bài học kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện trong Nghị quyết thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện… Cụ thể: Về đối tượng sẽ tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Về điều kiện hỗ trợ: giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động; giảm điều kiện vay trả lương ngừng việc, bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp và giảm điều kiện ngừng việc xuống còn 15 ngày.
Ngoài ra, Nghị quyết 68 còn bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.
Phóng viên:Thưa đồng chí, vậy đến thời điểm này, tiến độ thực hiện Nghị quyết 68 trên địa bàn tỉnh ta như thế nào?
Đ/c Nguyễn Hữu Tuyến: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện đúng các bước của quy trình, quy định để kịp thời thực hiện các chính sách mà Nghị quyết 68 đề ra, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực.
Tính đến ngày 25/8/2021, đã có 2.457 đơn vị được giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số lao động được giảm mức đóng là 99.181 lao động. Tổng số tiền tạm tính giảm mức đóng trong tháng 8 là 2.330.932.706 đồng, lũy kế số tiền giảm từ tháng 7/2021 là 4.643.366.035 đồng. Đã giải ngân cho 3 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với số tiền 677.744.000 đồng ; trong đó: giải ngân vay vốn trả lương ngừng việc cho 1 người sử dụng lao động với 18 người lao động, số tiền: 64.228.000 đồng; vay vốn trả lương khi phục hồi sản xuất, kinh doanh cho 2 người sử dụng lao động với 157 người lao động, số tiền 613.516.000 đồng. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 306 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; 1.179 người thuộc đối tượng cách ly y tế F1; 83 hộ kinh doanh, 28 hướng dẫn viên du lịch. Sở cũng phối hợp với Sở Tài chính thẩm định đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí nhanh chóng, kịp thời, đúng quy trình.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 291 người lao động với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng, 320 người cách ly y tế F1 với kinh phí trên 538 triệu đồng và 28 hướng dẫn viên du lịch với kinh phí 103,8 triệu đồng. Các địa phương có đối tượng được phê duyệt đã thực hiện chi trả 200 đối tượng với kinh phí 801,3 triệu đồng và đang tiếp tục khẩn trương thực hiện chi trả. Đối với các địa phương còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ của các đối tượng và các thủ tục cần thiết để gửi các ngành chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, phấn đấu để dòng tiền hỗ trợ đến với người lao động sớm nhất.
Hướng dẫn viên du lịch là một trong những đối tượng lao động được thụ hưởng gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng.
Phóng viên: Đối với lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 thì sẽ được nhận hỗ trợ như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Hữu Tuyến: Nghị quyết 68 đã giao cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, ngày 29/7/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Gọi tắt là Nghị quyết số 46).
Theo những quy định chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết số 46, đối tượng được nhận hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, làm việc trong lĩnh vực, công việc: thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe thô sơ chở hàng hóa, chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.
Người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục tư thục (không phải giáo viên); làm công việc thuộc một số ngành nghề phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, gặp khó khăn khi phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19 từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021; với mức hỗ trợ 1 lần là 1.500.000 đồng/người. Nguồn kinh phí được trích từ ngân sách của tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Ở tỉnh ta, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 chủ yếu động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, là một trong những lĩnh vực nghề nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện rà soát, lập danh sách, thẩm định những người thuộc đối tượng nhận hỗ trợ. Với tinh thần quyết tâm cao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát tỉ mỉ, cẩn trọng, chính xác nhưng cũng hết sức khẩn trương, phấn đấu đưa dòng tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, giúp người lao động ổn định cuộc sống. Theo số liệu báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh có trên 9 nghìn lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tính đến ngày 25/8/2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, thẩm định 1.519 hồ sơ đề nghị hỗ trợ người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt hỗ trợ đối với 240 lao động với kinh phí 360 triệu đồng.
Hiện nay, các cơ quan liên quan đang tiếp tục tập trung thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ trong thời gian sớm nhất với phương châm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tới đâu sẽ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện chi trả tới đó.
Phóng viên: Những khoản tiền hỗ trợ này sẽ "trợ sức" để người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, về lâu dài, riêng Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có phương án hỗ trợ "dài hơi" như thế nào để người lao động sớm ổn định cuộc sống, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Hữu Tuyến: Đúng vậy, những khoản tiền hỗ trợ ấy sẽ rất có ý nghĩa đối với người lao động bị ảnh hưởng nặng nề về thu nhập do dịch COVID-19 tác động. Còn về lâu dài, người lao động cần được hỗ trợ để sớm quay trở lại thị trường việc làm, có công việc để ổn định cuộc sống. Trong Chương III của Nghị quyết 68 đã bổ sung chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo đó, cho phép giảm một số điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (giảm các điều kiện về: cắt giảm lao động, khả năng tài chính để đào tạo cho người lao động) để hỗ trợ người sử dụng lao động trong quá trình cơ cấu lại đầu tư, đổi mới công nghệ, thích ứng với môi trường kinh tế trong nước và quốc tế trong và sau đại dịch COVID-19. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng đào tạo với mức 1.500.000 đồng/người lao động/tháng trong vòng 1 năm, từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.
Thực hiện chính sách này của Nghị quyết 68, trong thời gian tới, Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, giới thiệu các cơ sở đào tạo nghề có uy tín liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Ngoài ra,
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng các hình thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tăng cường công tác tư vấn, kết nối, hỗ trợ việc làm, tư vấn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp... cho người lao động, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19 để họ sớm quay trở lại thị trường việc làm.