Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết kết quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua ?
Đồng chí Bùi Hoàng Hà: Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở tỉnh ta đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm.
Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cả về vật chất và tinh thần để các em được phát triển toàn diện, đặc biệt là trẻ em sống tại các vùng miền khó khăn, trẻ em trong gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... Hiện, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ và được ưu tiên khám, chữa bệnh miễn phí. Bình quân mỗi năm có hàng trăm em bị khuyết tật vận động, bị các dị tật đã được phẫu thuật miễn phí, được tặng xe lăn; các em bị mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ kinh phí từ 30 triệu đồng trở lên để phẫu thuật, giành lại sự sống và nụ cười cho các em.
Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp trong tỉnh đã trao tặng hàng trăm suất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học.
Các dịp lễ, Tết, nghỉ hè, các cháu đều được tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, được thăm hỏi, tặng quà. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 120 xã, phường đạt tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em và hơn 130 điểm vui chơi cho trẻ em. Các đề án, chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được lồng ghép chặt chẽ và được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.
P.V: Thưa đồng chí, với chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay, đối tượng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại sẽ được đặc biệt quan tâm như thế nào ?
Đồng chí Bùi Hoàng Hà: Từ nhiều năm nay, tỉnh ta luôn là địa phương quan tâm đầu tư mọi mặt cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong đó ngoài triển khai hiệu quả các chính sách chung liên quan đến trẻ em của Đảng, Nhà nước, tỉnh còn dành những cơ chế ưu tiên riêng biệt trong hỗ trợ các đối tượng trẻ yếu thế.
Các mô hình phòng ngừa, can thiệp loại bỏ, giảm thiểu nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc trẻ em bị tổn hại đã được các địa phương trong tỉnh triển khai tích cực và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ…
Đặc biệt, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những giải pháp: Tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản, chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng ngừa không để trẻ em bị ngược đãi, bị xâm hại tình dục, bị tai nạn thương tích; Tổ chức các lớp tập huấn, các diễn đàn, tư vấn cộng đồng... để cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và cho chính trẻ em; Triển khai các chính sách trợ giúp các hộ gia đình nghèo, cận nghèo để trẻ em trong các gia đình này có cơ hội được hưởng các quyền của trẻ em, giảm tình trạng trẻ em phải tham gia lao động quá sớm, quá sức có nguy cơ bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, xâm hại… Nhờ vậy, cuộc sống và các quyền của trẻ em được thực hiện tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì hiện nay, ở tỉnh ta vẫn còn trẻ em sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột, buôn bán, sao nhãng trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điểm vui chơi giải trí cho trẻ em còn khá phổ biến ở nhiều địa phương; việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức…
Vì vậy, Tháng hành động vì trẻ em có thể coi là đợt cao điểm của phong trào toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, là dịp huy động sức mạnh cả cộng đồng xã hội chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước. Năm nay, với chủ đề "Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em" nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, không bị bóc lột, xâm hại, bị bạo lực mà ngược lại có cơ hội phát triển tốt nhất, nhất là đối với trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng núi, vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số...
P.V: Để Tháng hành động vì trẻ em năm nay đạt hiệu quả thiết thực, Ngành sẽ tập trung vào hoạt động trọng tâm nào?
Đồng chí Bùi Hoàng Hà: Sau lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh vào ngày 28-5 vừa qua, ở các huyện, thành phố, thị xã cũng sẽ lần lượt tổ chức lễ phát động ở địa phương mình. Bên cạnh đó, lễ phát động cũng lồng ghép việc tặng quà, trao học bổng, nhận đỡ đầu, trợ giúp trẻ em...
Trước đó, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị ngành dọc và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vận động xã hội cho trẻ em.
Mục tiêu năm nay là mỗi huyện, thành phố, thị xã phấn đấu xây dựng ít nhất 1 công trình nhân ái cho trẻ em. Cùng với đó chúng tôi triển khai chiến dịch truyền thông rộng rãi đến tất cả các xã, phường trên địa bàn về nâng cao nhận thức của người dân và các đối tượng lãnh đạo trong việc chống buôn bán, xâm hại, bạo lực, ngược đãi trẻ em. Phát huy hình thức hội nghị tuyên truyền gắn với trợ giúp pháp lý và mô hình truyền thông của trẻ em về bảo vệ trẻ em.
Đây là hoạt động không mới song chúng tôi đánh giá sẽ hiệu quả bởi lần đầu tiên được triển khai sâu rộng và tập trung trong thời điểm diễn ra Tháng hành động vì trẻ em như thế này.
Sau lễ phát động, các ngành liên quan như: Văn hóa, Đoàn thanh niên, Giáo dục sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt hè, mở các lớp giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể thao..., phấn đấu tạo nên những kết quả chăm lo cho trẻ em một cách đầy đủ, toàn diện và mạnh mẽ nhất.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Hằng (thực hiện)