Có thể coi đây là sự kiện văn học quan trọng, có tính chất mở đầu một cách bài bản trong việc tìm đường đưa văn học Việt Nam ra thế giới.
Đơn vị tổ chức sự kiện này - Hội Nhà văn Việt Nam - đã trình lên Ban chỉ đạo trung ương một chương trình hội nghị quy mô sáu mục tiêu cần đạt tới.
Trong tuần đầu tiên năm mới 2010, khách mời - chủ yếu là những dịch giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong nước và nước ngoài sẽ được giới thiệu tổng quát về văn học Việt Nam, tham gia các cuộc hội thảo chuyên đề, gặp gỡ các nhà văn, các nhà xuất bản và tham quan danh lam thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Hội Nhà văn cũng mời tới hội nghị hơn 50 sinh viên nước ngoài đang học tập, công tác tại Việt Nam, tạo điều kiện mời chào họ tìm hiểu, khám phá về văn học, đặt nền móng lâu dài với các dịch giả trẻ.
Không thể chậm trễ hơn
Bắt đầu từ hàng thập kỷ trước, văn học thế giới đã được giới thiệu, giảng dạy phổ biến ở Việt Nam, và những năm gần đây kể từ sau Công ước Bern, việc cập nhật những tác phẩm nước ngoài ngày càng nhanh chóng. Trong khi văn học dịch từ thế giới được coi là tấp nập và đa dạng nhất từ trước tới nay, thì con đường ngược lại- văn học Việt Nam ra thế giới, đang rất nhỏ lẻ, chậm chạp.
Lâu nay, chúng ta vẫn mang nặng tâm lý là một nước chưa phát triển về kinh tế, chưa có những ảnh hưởng tầm thế giới, và văn học Việt Nam cũng còn bé nhỏ, chưa phù hợp và cần thiết đối với bạn đọc nước ngoài. Việc dịch và giới thiệu các tác phẩm Việt Nam ra các thứ tiếng cũng chỉ mới được tiến hành lẻ tẻ, hoàn toàn tự phát.
Không chỉ ít ỏi về số lượng tác phẩm, văn học Việt Nam còn "bị" nhìn nhận một cách phiến diện: Hàng thập kỷ qua, chúng ta chỉ mới được thế giới biết đến như là chỉ có văn học chiến tranh, một số tác phẩm của người viết ở hải ngoại. Trong khi đó, chúng ta có một di sản văn học đồ sộ từ cổ chí kim hầu như chưa được giới thiệu.
Theo đánh giá của BCH Hội Nhà văn, thì ngoài những khó khăn về địa lý, những trở ngại về ngôn ngữ, cũng không phải là vì văn học Việt Nam không đủ giá trị để thế giới biết đến, mà chính vì chúng ta chưa biết cách tiếp thị.
Đã đến lúc phải đặt vấn đề giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè thế giới một cách có hệ thống, trên một tầm nhìn mới, một xu thế mới, với tư thế chủ động và tích cực, với cách tổ chức bài bản và khoa học. Đó cũng là mong muốn của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban tuyên truyền hội nghị cho biết, đây cũng không phải lần đầu tiên Hội Nhà văn đứng ra tổ chức sự kiện với mục đích này. Vào năm 2002, một hội nghị gặp gỡ những người dịch văn học Việt Nam cũng đã được tổ chức với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ dừng lại là một cuộc gặp gỡ ban đầu, và sau tám năm, đã đến lúc phải đặt ra vấn đề quảng bá văn học Việt Nam một cách bài bản, hệ thống.
"Nhật ký trong tù" - tác phẩm văn học Việt Nam hiếm hoi được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Quảng bá như thế nào?
Nhìn vào thị trường xuất bản hiện nay, có thể thấy số lượng các tác phẩm trong nước dường như bị "đè bẹp" bởi sách dịch từ nước ngoài với đủ các thể loại. Theo các nhà phê bình, nhiều năm nay, văn học Việt Nam chưa có thành tựu, và những cuốn sách thực sự có giá trị văn học, những tác phẩm mang tính sáng tạo như thơ, tiểu thuyết, thì chỉ lẻ tẻ xuất hiện với số lượng ấn bản ít ỏi và số đầu sách cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy chúng ta lấy gì để chào mời bạn bè quốc tế?
Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, ở hội nghị lần này, chúng ta giới thiệu di sản là chính. Trước mắt, chúng ta sẽ giới thiệu những thành tựu của thơ ca và văn xuôi Việt Nam trong quá khứ. Đó là một di sản đồ sộ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu mà rất có thể, vì một lý do nào đó, chưa được hình dung một cách hệ thống.
Cũng với nhận thức này, Hội Nhà văn đã kịp thời làm bộ tư liệu Lược sử về các tác gia Việt Nam, giúp hình dung một cách khái quát nhất về diện mạo văn học từ trước tới nay làm tài liệu chính trong hội nghị.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, một số tác giả, tác phẩm mà các đại biểu đề nghị đưa vào danh sách giới thiệu đã không được chấp nhận. TS. Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, nếu chỉ lấy thước đo là những tác giả được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, và nặng về tính chính thống, thì e rằng sẽ bỏ qua những tác giả, tác phẩm có giá trị khác. Có một thực tế rằng, những gì mà chúng ta giới thiệu thì chưa hẳn các dịch giả và bạn đọc thế giới đã thích, vậy nên không nên bó hẹp trong một khuôn thước nào đó, mà nên mở rộng tầm nhìn, hình dung trước những xu thế mới, điều kiện mới, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khai thác của dịch giả nước ngoài.
Không thể phủ nhận giá trị của kho tàng văn học cổ, hoặc những tác phẩm đỉnh cao của văn học thời kỳ chiến tranh, nhưng nhiều người cũng e ngại rằng, nếu muốn đưa những thành tựu đó ra thế giới, cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng những dự án hợp tác dịch thuật lâu dài và bài bản. Bởi thị trường xuất bản nước ngoài trong điều kiện hiện nay, cũng nghiệt ngã và nặng về tính thương mại nhiều hơn. Vẫn chưa biết được liệu các nhà xuất bản nước ngoài có mặn mà với những tác phẩm kinh điển, không thuộc dạng thị trường? .
Trong sáu ngày diễn ra hội nghị, chỉ có một ngày dành cho hội thảo chuyên đề về văn học cổ, văn học hiện đại, thơ... và gặp gỡ các nhà văn trẻ. Phần khá quan trọng là gặp gỡ với các nhà xuất bản - những đơn vị có vai trò quan trọng trong việc ký kết bản quyền để chuyển giao các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới, lại chỉ được bó hẹp trong một buổi sáng, cùng với lễ ký kết của Hội Nhà văn.
Thời gian còn lại, các đại biểu chủ yếu sẽ được đi tham quan các danh lam thắng cảnh, trong đó gần ba ngày ở Quảng Ninh, tham quan Vịnh Hạ Long và Yên Tử. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu cho rằng, hội nghị chỉ là những tiếp xúc đầu tiên, chưa thể kỳ vọng gì nhiều.. Tuy nhiên, từ cơ sở đầu tiên này, Hội Nhà văn đang mong muốn tổ chức thường kỳ năm năm một lần, cũng với đó sẽ thúc đẩy thành lập một cơ quan chuyên trách về dịch thuật, và cũng đề đạt những cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu đưa văn học Việt Nam ra thế giới một cách có hiệu quả.
Theo NDĐT