P.V: Đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của ngành Giáo dục - Đào tạo trong năm học 2008-2009?
Đồng chí Lê Văn Dung: Có thể nói, năm học 2008-2009, ngành Giáo dục - Đào tạo Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoàn thành 14/14 chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT đề ra. Những kết quả nổi bật của ngành thể hiện rõ nhất ở 5 lĩnh vực:
Về chất lượng giáo dục đã được nâng lên một bước: Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động "Hai không" chất lượng giáo dục toàn diện cả về trí dục và đức dục đều có thay đổi căn bản. Tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp đạt trên 91%, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, toàn tỉnh đã có 39/66 học sinh đi thi đạt giải, là năm thứ 2 (kể từ khi tách tỉnh) Ninh Bình có số lượng thí sinh đạt giải học sinh giỏi Quốc gia đông. Tỷ lệ học sinh đạt giải cuộc thi Giải Toán trên máy tính casio đứng thứ 3/14 tỉnh khu vực phía Bắc. Đặc biệt, kỳ thi đại học và cao đẳng vừa qua, tỉnh ta có hơn 13 nghìn thí sinh dự thi, tổng điểm bình quân 3 môn đạt 12,06 điểm, nằm trong tốp 10 tỉnh có số điểm thi đại học trung bình cao. Điều này khẳng định tính ổn định về mặt chất lượng của giáo dục Ninh Bình.
Về đội ngũ cán bộ, giáo viên: Toàn ngành đã đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên khá rõ. Sự mất cân đối về cơ cấu được giảm dần, đặc biệt ở khối THPT. Giáo viên đã có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, đến nay, toàn tỉnh có 98,1% cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn chiếm 41,9%, cao nhất là khối tiểu học với 81,8% cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và giảng dạy: Hiện nay tất cả các văn bản chỉ đạo, báo cáo, tài liệu… từ Bộ, Sở, phòng, các trường THPT đến các trường THCS, tiểu học, mầm non đã được thông báo trên mạng nội bộ của ngành. Đến nay 83% cán bộ, giáo viên đã có chứng chỉ Tin học A. Phần lớn các trường quản lý điểm, sỹ số, thời khóa biểu, tài chính thông qua sử dụng phần mềm chung của Bộ GD-ĐT. Sở cũng đã thành lập được thư viện giáo án điện tử với hàng trăm giáo án chuẩn đã được thẩm định để giáo viên tham khảo.
Về cơ sở vật chất: Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa, cao tầng đã đạt 75,96%, có 91,6% số thư viện trường học đạt tiêu chuẩn thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc, các công trình vệ sinh đạt chuẩn ở các cấp học chiếm 69,6%. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh. Năm học 2008-2009, toàn tỉnh đã kiểm tra công nhận 27 trường học đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn Quốc gia của các cấp học lên 245 trường, đạt 51,7%. Trong đó, mầm non là 34%, tiểu học 91,5%, THCS 36,8%.
Về công tác quản lý: Công tác quản lý của Sở Giáo dục - Đào tạo và các phòng, ban chức năng đã được cụ thể, sâu sát hơn. Công tác thi đua, khen thưởng mang tính dân chủ, đổi mới, tạo động lực và khí thế sôi nổi ở các đơn vị thúc đẩy phong trào dạy và học ngày một đi lên.
P.V: Năm học 2009-2010, ngành sẽ tập trung vào những mục tiêu lớn nào?
Đồng chí Lê Văn Dung: Trong năm học 2009-2010, ngành Giáo dục Ninh Bình đã đề ra 6 mục tiêu lớn, đó là: Xây dựng 43 trường học đạt chuẩn Quốc gia (gồm 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 10 trường THCS, 4 trường THPT). Nâng cao tỷ lệ phòng học kiên cố lên 80%. Phấn đấu có 99,5% cán bộ, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn là 45%. Tăng chất lượng và tỷ lệ học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 và phấn đấu đứng ở vị trí bình quân chung của các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc bộ. Kết quả thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT đạt tỷ lệ trung bình chung của các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Hoàn thành 14/14 chỉ tiêu thi đua của Bộ GD-ĐT.
P.V: Chủ đề của năm học này là "Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục", vấn đề này sẽ được triển khai như thế nào?
Đồng chí Lê Văn Dung: Để thực hiện chủ đề năm học này, ngành Giáo dục Ninh Bình sẽ tập trung vào việc thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Xác định rõ mỗi cán bộ quản lý, thầy, cô giáo phải đăng ký một việc làm cụ thể, thiết thực theo tấm gương của Bác. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động "Hai không" để dạy thực chất, học thực chất và thi thực chất. Phấn đấu trong 2-3 năm tiếp theo ngành Giáo dục Ninh Bình không còn tình trạng dạy học theo kiểu "đọc- chép" và "nhìn - chép". Lấy chất lượng giáo dục làm trọng tâm. Tập trung mọi nguồn lực, con người, thời gian, kinh phí để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là trí dục và đức dục.
P.V: Đồng chí cho biết công tác chuẩn bị của ngành cho năm học mới ?
Đồng chí Lê Văn Dung: Hiện tất cả các công việc chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới đã cơ bản hoàn tất. Việc tu sửa cơ sở vật chất, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học đã hoàn thành. Sở đã hoàn thành việc luân chuyển cán bộ, giáo viên vào ngày 21-6 vừa qua. Tiến hành tuyển công chức cho các trường THPT còn thiếu, phấn đấu đưa giáo viên về trường trước ngày khai giảng 5-9. Sở đã dành 1,9 tỷ đồng để mua đồ chơi cho khối mầm non và 1,9 tỷ đồng dành cho tin học. Toàn ngành đã triển khai xong nhiệm vụ năm học mới và tập huấn nâng cao cho giáo viên các khối.
Bước vào năm học mới 2009-2010, ngành Giáo dục Ninh Bình cũng như cả nước còn một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là phòng, chống dịch cúm trong trường học. Ngành đã phối hợp với Sở Y tế triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên các đơn vị giáo dục về việc phòng, chống dịch cúm trong nhà trường. Sở đã thành lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra tại 3 huyện: Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn và 6 trường THPT. Hầu hết các trường thực hiện việc chuẩn bị và tuyên truyền cho giáo viên và học sinh một cách nghiêm túc. Sở cũng đã chỉ đạo tất cả các trường phải thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm trước khi bước vào khai giảng năm học mới. Khi xảy ra dịch có các biện pháp xử lý kịp thời.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (Thực hiện)