Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sinh năm1935, quê tại ấp Lộc Hóa, xã , huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tuổi nhỏ, cha mất sớm, bà phải cùng mẹ phiêu dạt lên vùng Sài Gòn- Chợ Lớn làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Vì mê vọng cổ và vì cuộc mưu sinh bần bách bà đã cùng một người bạn đi hát rong kiếm sống.
Cuộc đời của cô bé hát rong tưởng cứ thế trôi đi trong sự hờ hững của người đời nhưng không ngờ một ngày có một nghệ sỹ tìm đến muốn nghe cô ca những bản vọng cổ ngọt ngào. Người nghe hát ấy, người đương thời vẫn gọi là Cô Năm Cần Thơ. Một nghệ sỹ cải lương nổi tiếng và thường rất hào phóng đỡ đầu cho các giọng ca còn chưa thành danh. Chính nhờ tấm lòng ấy của người nghệ sỹ tài danh mà cô bé hát rong được mời lên đài phát thanh Pháp á thu âm thử giọng bản vọng cổ có tên gọi Trọng Thủy- Mỵ Châu. Giọng ca ngọt ngào trời phú của cô bé hát rong Đặng Thị Hai đã chinh phục người nghe và được nhà đài ký hợp đồng làm việc...
Vậy là từ cô bé hát rong, Đặng Thị Hai bước chân vào nghề ca hát chuyên nghiệp với nghệ danh út Bạch Lan. Với chất giọng ngọt ngào thiên bẩm, lại thêm sự dìu dắt của Cô Năm Cần Thơ, NSƯT út Bạch Lan bắt đầu thu hút sự chú ý của người yêu cải lương. Vở diễn đầu tiên đánh dấu tên tuổi của út Bạch Lan với công chúng và báo chí là vở diễn về đề tài dã sử "Đồ Bàn di hận" trên sân khấu Thanh Minh.
Với chất giọng ngọt ngào, kỹ thuật ca ngâm được khổ luyện kỹ càng, lối diễn xuất sáng tạo, truyền cảm, bà đã nhanh chóng chinh phục được công chúng. Nhiều hãng băng đĩa, các đài phát thanh khắp miền Nam bắt đầu mời gọi út Bạch Lan cộng tác thu âm. út Bạch Lan tham gia nhiều vở diễn và đều để lại dấu ấn riêng: Tình cô gái Huế, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Biên Thùy nổi sóng, Tình tráng sĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Thiên Thần trên thiết mã, Chén cơm đô thành, Thuyền ra cửa biển.
Một sự kiện đánh dấu sự thay đổi trong cuộc đời nghệ thuật của út Bạch Lan là vào năm 1958 bà về hát với đoàn Kim Chưởng cùng nghệ sĩ Thành Được. Cặp bạn diễn Bạch Lan- Thành Được là một đôi ăn ý trên sân khâu lẫn ngoài đời. Từ bạn diễn hai người phải lòng nhau và trở thành bạn đời. Tuy nhiên nam diễn viên Thành Được lúc bấy giờ là một tài tử nổi danh và được nhiều phụ nữ ái mộ. Một tấm chân tình của nghệ sỹ út Bạch Lan không đủ níu giữ trái tim chàng trai đào hoa Thành Được. Nam tài tử đã đi theo tiếng gọi tình yêu mới, để lại cho út Bạch Lan một vết thương lòng không gì khỏa lấp.
Thời gian cộng tác với đoàn Kim Chưởng cũng là thời kỳ đưa tên tuổi của út Bạch Lan lên đến đỉnh vinh quang của nghệ thuật cải lương. Nhiều vai diễn để đời của Bạch Lan trong khoảng thời gian trước 1975, đến nay vẫn được người trong giới nhắc đến với một sự ngưỡng mộ như vai chị Hằng trong vở "Con gái chị Hằng", hay bản vọng cổ đặc sắc được soạn giả Viễn Châu viết riêng cho Bạch Lan với lời lẽ sầu não, bi thiết do chính nữ nghệ sỹ hát đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của người đời.
Với chất giọng buồn, đôi mắt có hồn, Bạch Lan hóa thân vào nhiều vai diễn, các bản vọng cổ có tâm sự bi thương, não nuột. Vì vậy khán giả yêu mến nữ nghệ sỹ đã dành tặng bà nhiều biệt danh: Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng vọng cổ, Vương nữ Sương chiều, Sầu nữ út Bạch Lan... Nhiều người yêu mến nghệ thuật cải lương ở miền Bắc cũng rất biết tới giọng hát oanh vàng của út Bạch Lan qua các vở cải lương khá quen thuộc: Tình Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn...
Thời gian từ năm 1976 đến 1986, NSƯT út Bạch Lan là trưởng đoàn cải lương Long An. Những năm sau này khi tuổi đã cao, bà dành nhiều thời gian truyền nghề, đỡ đầu cho lứa các nghệ sỹ trẻ. Giới nghệ sỹ trẻ mến mộ tài năng và đức độ của nữ nghệ sỹ tôn xưng bà với cái tên trìu mến "Má út". Ngoài ra bà dành nhiều tâm sức hướng hoạt động nghệ thuật của mình vào công tác từ thiện. Bà cùng các văn nghệ sỹ cộng sự như Diệu Hiền, Tô Châu, Bảo Trân, Thanh Sử…thường đi biểu diễn để gây quỹ từ thiện cho các nhà chùa, hoặc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
81 tuổi đời, mấy mươi năm gắn bó với sàn diễn, những đóng góp to lớn của NSƯT út Bạch Lan với sân khấu cải lương là không thể đo đếm được. Là một nghệ sỹ thành danh từ trong lao khổ, NSƯT Bạch Lan đã sống một cuộc đời tận hiến trọn vẹn với nghệ thuật và đã ra đi thanh thản trong sự yêu mến và kính trọng của các đồng nghiệp. Còn khán giả chắc chắn không bao giờ có thể quên "sầu nữ giọng vàng" út Bạch Lan.
Mai Phương
Bài viết sử dụng tư liệu của báo bạn