Chị cẩn thận kiểm tra đèn pin, con dao quắm mở đường và chiếc nải, chiếc bao tải được "biến tấu" thành chiếc ba lô để đựng ốc. Ngoài ra, chị cẩn thận làm vắt cơm, gói gém ít muối vừng và một chai nước. Chị bảo, đây là khẩu phần cho bữa trưa. Thời tiết đợt này khá mát mẻ nên chuyến đi săn ốc sẽ kéo dài từ sáng đến tối.
Chúng tôi đi dò dẫm men theo ánh trăng còn vằng vặc. Vừa đi, chị Ngân - người đã có hơn 20 năm gắn với việc săn bắt ốc núi vừa kể cho tôi nghe về loại ốc đặc biệt này. Chị và nhiều người ở đây vẫn gọi vui ốc núi chính là "lộc trời". Chị bảo, ngày xưa, đời bố, đời ông chị đã bắt ốc núi rồi. Nhưng thời ấy, người dân ở đây bắt ốc để ăn thôi chứ chưa mang đi buôn bán như bây giờ. Cùng với củ mài, củ sắn, ốc núi đã làm no lòng bao thế hệ người dân Cúc Phương.
Vài ba năm trở lại đây, khi người ta đã ngán ngấy những món ăn lắm mỡ màng muốn thử qua một món tự nhiên, sạch sẽ thì ốc núi trở thành đặc sản. Cũng bởi vậy mà ở Cúc Phương và một vài địa phương khác nở rộ phong trào đi săn ốc núi. Việc đi bắt ốc khá vất vả, người đi săn phải men theo những rặng cây rừng rậm vạp ven chân núi mà leo bởi ốc này không sống ở ao hồ, sông suối, không ở chân núi, cũng chẳng ở ngọn núi mà lại ở trên lưng chừng vách núi hiểm trở. Vất vả vậy, nhưng đa số những người đi bắt ốc lại là phụ nữ và trẻ em. Hết núi nọ rồi vượt sang ngọn núi kia, chẳng nhớ nổi đi hết bao đoạn đường, chỉ khi chiếc bao tải khoác trên vai nặng trĩu ốc thì họ mới trở về nhà.
Chúng tôi cứ đi, địa hình mỗi lúc một khó. Đá nhọn ở dưới chân, gai góc, cành cây đeo bám ở trên đầu, tiếng muỗi rừng vo ve… Nhiều khi, không phải đi nữa mà là bò, trườn, leo trèo như khỉ, như vượn. Vậy nên chuyện ai đó sơ xảy mà ngã chày da, xước thịt cũng là bình thường. Dựa vào kinh nghiệm, những người săn ốc phát hiện được những nơi nhiều ốc. Đó là những khu rừng có nhiều cây thuốc- món ăn khoái khẩu của ốc rừng. ốc bò lên cây ăn lá và thường đi thành đàn từ ba đến năm, bảy con. Chị Ngân bảo, ốc núi không đẻ trứng mà đẻ con. Khoảng tháng 3 là tháng ốc sinh sôi, nảy nở và đến tháng 7, tháng tám đã có thể bắt được. ốc núi rất đặc biệt, nó chỉ xuất hiện khoảng từ tháng ba đến tháng 7 âm lịch. Đến tháng 8, tháng 9 khi gió heo may về thì ốc biến mất không một dấu vết như chưa từng tồn tại trên trái đất này.
Ốc xuất hiện nhiều khi trời mưa. Bởi vậy, sau cơn mưa là bà con lại hò nhau đi vào rừng, lên núi tìm ốc. ốc bám trĩu cây, bắt con này, con khác thấy động đã nhả miệng rơi lộp bộp mà không sợ bị vỡ vì nó được trang bị một lớp vỏ rất đặc biệt. Thuận lợi thì chỉ nửa buổi, bà con có thể bắt được hàng yến ốc. "Buôn có bạn, bán có phường", người đi săn ốc không đi riêng lẻ mà đi theo nhóm chừng từ 3-5 người. Khi lên núi, họ tản ra đi tìm ốc. Họ thuộc từng hang đá, hốc cây, bờ khe… những nơi sạch, có nhiều cây thuốc quý là nơi ốc sinh trưởng tốt.
Vả lại, ốc ở những nơi này thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá, rễ cây rừng. Vì vậy, dù để ăn hay bán, người săn ốc ở Cúc Phương cũng cố gắng vào tận trong rừng tìm về loại ốc ngon nhất. Cũng bởi là nơi có ốc ngon, ốc sạch nên giá ốc của Cúc Phương cũng khá cao, giao động từ 40-70 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm. Thường thì các thương lái vào tận nơi thu mua, thỉnh thoảng người dân cũng bán cho khách du lịch.
Rong ruổi cả buổi, khi mặt trời đã khuất sau rặng cây rừng, lượng ốc tôi và chị Ngân bắt được cũng đã kha khá, chúng tôi quyết định trở về nhà, kết thúc một ngày đi săn thành công. Hơn hai yến ốc trên vai, nhưng chị Ngân không cảm thấy nặng bởi đó là thành quả, là niềm vui và là cơm áo của gia đình chị từ nhiều năm nay. Chị Ngân bảo, thường thì chị chọn những con ốc nhỏ để gia đình ăn, còn những con ngon, béo thì mang bán. Nhưng hôm nay, chị phá lệ.
Chị chọn những con béo tròn để chế biến mời khách. Ốc núi khác ốc đồng ở chỗ trước khi chế biến không cần ngâm mà chỉ cần nhúng xuống nước vài phút. ốc đang khát nước sẽ mở miệng ra uống, đám lá cây đang ngậm trong miệng cũng được nôn ra cho bằng hết. Rửa sạch lớp đất cát bên ngoài vỏ, ốc đã sẵn sàng đưa vào chế biến. Có nhiều món ngon, hấp dẫn được chế biến từ ốc núi. Nhưng chị Ngân đã làm món ốc nộm với hoa chuối rừng để chiêu đãi chúng tôi.
Một tiếng sau, mâm cơm đã được chị Ngân dọn ra thật ngon mắt. Ăn miếng ốc béo ngậy, dòn dòn, sừn sựt như ăn miếng sụn, chút hoa chuối rừng ngọt nhẹ, nhấm nháp chút rượu nếp cái hoa vàng… chúng tôi ngất ngây trong men say nồng nàn, thoảng hương vị của núi rừng Cúc Phương.
Bài, ảnh: Đào Hằng