Theo Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động thất nghiệp trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề sơ cấp, chi phí học nghề do quỹ BHTN chi trả trực tiếp cho đơn vị dạy nghề. Dù vậy, trên thực tế những năm qua, người lao động mới chỉ quan tâm đến việc được chi trả trợ cấp bao nhiêu tiền chứ chưa quan tâm đến việc học nghề để chuyển việc làm mới.
Sở dĩ có thực trạng trên là do người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông làm việc trong các lĩnh vực như may mặc, giày da, xây dựng… Số lao động này trải qua quá trình đi làm đã có tay nghề nhờ được đào tạo tại doanh nghiệp nên dù bị thất nghiệp thì họ vẫn có cơ hội tìm được việc làm mới. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ học nghề quá thấp cũng là nguyên nhân khiến người lao động bị thất nghiệp không "mặn mà" với việc học nghề mới. Theo tính toán, phí dạy nghề hiện nay đều cao hơn so với mức hỗ trợ này rất nhiều. Do đó, người lao động thất nghiệp còn rất thờ ơ với công tác dạy nghề. Tính riêng trong năm 2020, trong tổng số 6.315 lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN thì chỉ có 21 lao động đăng ký học nghề. Quý I/2021, có 783 người nộp hồ sơ hưởng BHTN thì chưa có lao động nào đăng ký học nghề.
Tuy nhiên, một tin vui đối với người lao động bị thất nghiệp khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg, ngày 31/3/2021 (Gọi tắt là Quyết định số 17) quy định điều chỉnh mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1 triệu đồng/người/tháng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 15/5/2021. Với việc áp dụng mức hỗ trợ mới cao hơn, người lao động bị thất nghiệp có nhiều cơ hội học chuyển đổi nghề nghiệp, sớm có việc làm.
Cụ thể, đối tượng áp dụng theo quy định tại Quyết định 17 này bao gồm: Người lao động được hỗ trợ học nghề; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng; doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động. Quyết định còn áp dụng cho các đối tượng khác như: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; cơ quan BHXH; Trung tâm Dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng (quy định cũ là 1 triệu đồng/người/tháng). Việc chia hai gói học nghề trên sẽ đáp ứng nhu cầu của người mất việc. Đối với lao động phổ thông muốn quay trở lại thị trường trong thời gian ngắn thì khóa học nghề dưới 3 tháng là phù hợp. Với gói học dưới 6 tháng sẽ đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp cho người muốn đào tạo chuyên sâu.
Đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký thất nghiệp, được cán bộ tư vấn phương án học nghề theo quy định mới của Chính phủ, anh Đỗ Văn Tiến (thành phố Tam Điệp) phấn khởi cho biết: Với mức hỗ trợ học nghề tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng, anh sẽ dễ dàng tìm được một nghề phù hợp để học mà không quá bận tâm về mức học phí như trước đây. "ở độ tuổi ngoài 40 như tôi, xin làm việc tại các nhà máy là khá khó khăn. Được nhà nước hỗ trợ học nghề mới, tôi dự định học nghề lái xe. Sau khi hoàn thành khóa học có bằng lái, tôi sẽ xin việc làm tại các hãng taxi hoặc các công ty vận tải tư nhân. Với mức hỗ trợ mới, mỗi người lao động cần chủ động tận dụng cơ hội này để học một nghề phù hợp với bản thân trước khi quay trở lại thị trường lao động"- anh Tiến chia sẻ.
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông. Bởi vậy, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Chính sách hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp nếu được thực hiện tốt sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh cho người lao động, nhất là trong thời điểm tình hình kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động hiểu đúng và đủ về BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh luôn chủ động liên kết với các cơ sở dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề phong phú, phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và các doanh nghiệp. Trung tâm cũng bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức về những điểm mới trong quy định về dạy nghề cho người thất nghiệp đến tận các doanh nghiệp và người lao động...
Bài, ảnh: Đào Hằng