Khi gặp chị Lê Thị Mỵ (xóm 3, Yên Mỹ, Yên Mô), chúng tôi không khỏi xúc động trước những câu chuyện thời chiến tranh mà chị đã trải qua và những gì chị đã vượt lên trong thời bình để sống đúng với những lời ước hẹn cùng đồng đội năm xưa. Cũng như bao TNXP khác, khi Tổ quốc cần, chị đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn.
Nhiệm vụ của chị và đồng đội là đảm bảo giao thông tuyến đường 20 Quyết thắng - trọng điểm bị máy bay địch bắn phá ác liệt nhất. Với tinh thần "người này ngã xuống, người khác đứng lên", cùng với đơn vị, chị đã san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, cứu xe ô tô bị đổ, đảm bảo giao thông thông suốt. Nhớ lại những ngày ấy chị tâm sự: Lúc đó ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh, nhưng tất cả sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ.
Nhưng những ngày tháng chiến đấu gian khổ ấy đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chị với những cơn sốt rét ác tính triền miên. Về với đời thường, chị lập gia đình như bao người phụ nữ khác nhưng chồng chị là người cũng từng tham gia chiến đấu và bị mất 91% sức khỏe. Hai vợ chồng nhờ vào cấy cày, chăn nuôi, nương tựa vào nhau để sống và niềm hy vọng chính là 4 người con.
Lúc chúng tôi gặp chị thì anh đã mất (năm 2000), để lại cho chị gánh nặng gia đình, nhưng cả 4 người con của chị đều học đại học, 3 người ra trường và có việc làm ổn định. Chị nói với chúng tôi: Những đứa con là tài sản quý giá nhất của cuộc đời chị, vì thế bằng mọi cách chị nâng niu, chăm chút, cho ăn học nên người.
Chị đã nuôi dạy các con bằng ý chí nghị lực của một người TNXP năm xưa và bằng cả sự giúp đỡ của những đồng đội cũ. Nhìn ngôi nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười, tôi chợt nghĩ: Phải chăng đằng sau những nét dung dị rất đời thường kia là bản lĩnh, nghị lực phi thường đã được hun đúc trong khói lửa của chiến tranh, điều đó khiến những người TNXP không bị gục ngã trước khó khăn, gian khổ.
Nếu như không có ý chí, quyết tâm và sự giúp đỡ của những đồng đội cũ thì có lẽ anh Nguyễn Văn Chính (thôn Đồng Nan, xã Văn Phú, huyện Nho Quan) không thể có được cơ ngơi khang trang cùng với 5 người con đều đã trưởng thành như ngày hôm nay. Tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị đầy mưa bom bão đạn, hành trang trở về của anh là những vết thương luôn tái phát lúc trái nắng trở trời.
Anh đã làm rất nhiều nghề nhưng không thu được hiệu quả, cuối cùng anh dừng lại ở mô hình chăn nuôi lúa- cá và lợn siêu nạc, thu nhập 60 triệu đồng/năm. Lúc đầu vợ chồng anh không có tiền để nhập giống cũng không có đủ điều kiện để vay ngân hàng nhưng đồng đội cũ đã giúp đỡ anh, quyên góp cho vay tiền để làm ăn. Những đồng vốn quý báu đầu tiên ấy đã giúp anh vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, đầu tư năm sau cao hơn năm trước. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn, anh gọi đó là những đồng vốn nghĩa tình.
Tiền làm được anh đầu tư cho con cái ăn học trưởng thành. Anh cũng đã giúp đỡ cho nhiều anh chị em cựu TNXP vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đó là niềm vui đồng thời cũng là cách anh tri ân với những đồng đội cũ, thực hiện lời ước hẹn năm xưa của những TNXP trên tuyến lửa: "Đến ngày toàn thắng thống nhất đất nước, ai còn sống trở về thì phải làm giàu, nuôi dạy con cái trưởng thành, giúp đỡ những người khó khăn và gia đình những người đã hy sinh".
Những cựu TNXP đã vượt lên khó khăn bằng ý chí, nghị lực và nghĩa tình đồng đội để vươn lên làm giàu chính đáng, nuôi dạy con cái trưởng thành, xứng đáng với phẩm chất của những người TNXP.
Quỳnh Thu