Năm 2008, được sự cộng tác của UBND huyện Yên Mô, Hội VHNT Ninh Bình đã cho xuất bản tập "Miền quê yêu dấu", tập hợp những tiết mục sân khấu ngắn chọn lọc của nhà viết kịch Ngọc Cương.
Những tác phẩm sân khấu ngắn này đều đã được các đội văn nghệ quần chúng trong tỉnh dàn dựng, tham gia các hội thi, hội diễn của tỉnh, của Trung ương và đã giành được nhiều giải thưởng cao. Trong đó được chia làm 6 phần: Hoạt cảnh chèo (5 tác phẩm); hoạt kịch sử thi (2 tác phẩm); ca cảnh dân ca (6 tác phẩm); màn chào hỏi (3 tác phẩm); tiểu phẩm vui (4 tác phẩm); trích chèo dài (tác phẩm Hương quê).
Thoạt đầu cứ ngỡ đây chỉ là những tiết mục nho nhỏ, nhằm mục đích minh họa, tuyên truyền, phổ biến cho một chủ trương, chính sách cụ thể nào đó, dành cho các đội thông tin tuyên truyền, các đội văn nghệ quần chúng của các địa phương. Nhưng bất ngờ đến với người đọc (hoặc người xem) ở chỗ các tiết mục sân khấu của Ngọc Cương không hề chỉ đơn thuần minh họa, phổ biến… mà nó đã đạt đến một trình độ sáng tạo nghệ thuật nhất định.
Khác với văn phong mạnh mẽ, khỏe khoắn, dứt khoát… trong tập kịch "Kho báu", văn của Ngọc Cương ở "Miền quê yêu dấu" mượt mà, mềm mại. ở các hoạt cảnh chèo, ca cảnh dân ca, màn chào hỏi… lời ca của Ngọc Cương thấm đậm chất dân ca đồng bằng Bắc bộ. Nếu xem và nghe các tiết mục này, ta sẽ có cảm giác bâng khuâng, cảm nhận rằng bản sắc riêng của Ninh Bình có hình bóng ở đây chăng! Nếu có thể phát triển các sắc thái qua các làn điệu dân ca thì có lẽ chúng ta sẽ có bản sắc văn hóa riêng biệt của Ninh Bình, điều mà các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tỉnh ta đang trăn trở tìm tòi.
Ngọc Cương có duyên viết tiểu phẩm sân khấu vui. Các tiết mục ở thể loại này của ông được người đọc (người xem) đón nhận bởi những nhân vật, những cốt truyện dí dỏm, phê bình, phê phán nhẹ nhàng, những tình huống vừa bi, vừa hài đan xen mang lại những kết quả độc đáo. Đề cập đến bất cứ vấn đề nào, ví như: Sinh đẻ có kế hoạch, công tác hòa giải, phòng, chống tệ nạn ma túy… Ngọc Cương cũng lý giải thấu đáo vấn đề, ông không hề viết hời hợt, hoặc chỉ chọc cười mang tính giải trí đơn thuần.
ở các cuộc thi tài của Hội Nông dân, tìm hiểu về An toàn giao thông, tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm… đội tuyển huyện Yên Mô bao giờ cũng giành được thứ hạng cao ở phần thi "Màn chào hỏi". Ngoài tài năng diễn xuất của diễn viên, nhạc công… phải kể đến nội dung của các màn chào hỏi này. Ngọc Cương viết các màn chào hỏi ngoài trách nhiệm của một người con quê hương Yên Mô mà còn có cả sự thăng hoa của cây bút sáng tạo.
"Miền quê yêu dấu" một lần nữa ghi nhận đóng góp của nhà viết kịch Ngọc Cương cho sự nghiệp sân khấu tỉnh nhà.
Ninh Đức Hậu