Ngày 27/4, chị Đỗ Xuân Lan (sống ở thành phố Ninh Bình) quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm bố mẹ, ban đầu chị chỉ định vào chơi ít ngày rồi về nhưng không may đó cũng chính là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở trong nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi phát hiện một số ca bệnh liên quan đến Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng, dịch bệnh đã nhanh chóng lan rộng. Thấy tình hình khá căng thẳng, chị Xuân Lan đã bàn với gia đình đưa bố mẹ di chuyển từ phường 3, Quận Gò Vấp về nhà em gái chị ở ấp Chánh, Tân Thông Hội, huyện Củ Chi để tránh dịch. Vì là ngoại ô nên nhà cửa ở đây rộng rãi, có vườn để trồng rau, thư giãn…
Khi các ca F0 tăng chóng mặt từng ngày, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh Nam bộ phải áp dụng biện pháp mạnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đó cũng là thời điểm sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Chứng kiến sự vất vả, làm việc đến quên thời gian của các lực lượng chống dịch tại địa phương, em gái chị Xuân Lan đã bàn với gia đình và cùng một số mạnh thường quân thành lập bếp ăn từ thiện, góp sức cho công cuộc chống dịch của địa phương.
Thời gian hoạt động của bếp tính đến nay đã được gần 2 tháng. Dù nắng hay mưa, đều đặn mỗi ngày 3 lần bếp nổi lửa, cung cấp mấy chục suất ăn cho chốt chống dịch ở xã và bữa phụ (gồm chè, xôi, bánh cuốn và rau xanh), trung bình khoảng 150 suất cho các y, bác sỹ Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 huyện Củ Chi…
Chị Xuân Lan cho biết: Để giúp lực lượng chống dịch có bữa ăn ngon miệng, đảm bảo sức khỏe, bếp ăn luôn đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng và liên tục đổi thực đơn. Hiện bếp ăn có gần chục người góp sức, ngoài các thành viên trong gia đình còn có mấy cháu thanh niên quê ngoài Bắc, là công nhân của Công ty em gái tôi (nay đã đóng cửa vì dịch). Vui nhất là bố mẹ tôi tuy đã cao tuổi nhưng vẫn rất hào hứng tham gia nấu nướng, trồng rau sạch để thêm vào bữa ăn cho các chiến sỹ làm nhiệm vụ chống dịch.
Ngoài việc góp sức duy trì bếp ăn từ thiện, chị Xuân Lan còn làm cầu nối yêu thương, vận động gia đình, anh em, bạn bè ở thành phố Ninh Bình mua quà, nhu yếu phẩm và vật tư y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn gửi tới đoàn y, bác sỹ Ninh Bình đang được tăng cường chống dịch ở huyện Cần Giờ; tham gia nấu các bữa ăn thiện nguyện gửi các cháu khuyết tật tại một cơ sở nuôi dưỡng trên địa bàn…
Nói về việc bị mắc kẹt tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 4 tháng qua, chị Lan cho biết: Xa nhà lâu cũng sốt ruột lắm nhưng dịch bệnh đành phải chịu. Rất may, nơi gia đình chị ở rộng rãi, lại có công việc ý nghĩa để làm nên chuỗi ngày "mắc kẹt" của chị không bị nhàm chán. Hy vọng dịch bệnh mau qua để cuộc sống trở lại bình thường, để mỗi gia đình lại được đoàn viên, sum họp.
Cũng bị mắc kẹt nhưng chuyện của chị Bùi Thị Tuyết thì lại khác. Chị từ Tuyên Quang về Ninh Bình thăm bố mẹ được ít ngày thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đó"; các tỉnh, thành phố cũng nhanh chóng lập các chốt kiểm soát, thực hiện chặt chẽ việc phân luồng giao thông, chỉ có xe tải chở hàng hóa được phép lưu thông, xe khách tạm dừng hoạt động…
Không thể quay lại Tuyên Quang theo kế hoạch, ngày ngày chị Tuyết ngóng tin Hà Nội hết giãn cách, giao thông hoạt động trở lại để về nhà nhưng càng mong ngày ấy càng xa. Chị Tuyết cho biết, chị định về chơi với bố mẹ ít hôm rồi quay về Tuyên Quang để lo chuyện cưới hỏi cho đứa con trai thứ hai.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chị chưa thể về nhà được; tình hình này chuyện cưới xin cho các cháu chắc cũng phải chuyển hướng, có thể chỉ đăng ký kết hôn, khi nào hết dịch thì báo hỷ sau. Chị cho biết thêm: việc giãn cách xã hội khiến cho tôi không thể về với gia đình nhỏ của mình nhưng đã cho tôi cơ hội được ở bên cha mẹ nhiều hơn. Các cụ đều trên 80 tuổi, rất cần có sự quan tâm, chăm sóc của con cháu. Nhìn các cụ vui hơn, khỏe hơn tôi cũng thấy mừng.
Đối với cháu Nguyễn Tuệ Lâm dường như chuyện "mắc kẹt" diễn ra "êm" hơn, bởi cháu đã có những ngày hè khá vui vẻ bên ông bà nội, ngoại, được trải nghiệm nhiều hoạt động ngoài trời thay vì chỉ quanh quẩn trong nhà nếu như còn ở Hà Nội. Bà nội cháu kể lại: con bé về Ninh Bình đúng lúc tình hình dịch bệnh ở Hà Nội diễn biến phức tạp. Trong suốt thời gian nghỉ hè ở quê, cháu được gia đình nội, ngoại chăm sóc chu đáo, ngoài giờ học cháu được đạp xe, chơi với bọn trẻ trong phố.
Hiện, năm học mới đã bắt đầu, cháu chưa thể quay về Hà Nội được. Nhà trường đã có giấy mời gửi tới từng gia đình mời dự lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến và tất nhiên việc học của cháu những ngày tới cũng tạm thời thực hiện theo hình thức này. Ban đầu gia đình cũng khá lo lắng vì năm nay cháu mới vào lớp một, rất cần có thầy cô uốn nắn từ nét chữ, tư thế ngồi đến việc chấp hành nội quy, nền nếp, nhưng may mắn, cháu có cậu là sinh viên hiện đang nghỉ ở nhà tránh dịch nên có thể kèm cặp, hỗ trợ việc học cho cháu; gia đình cũng đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị học online cho cháu. Mong dịch bệnh sớm kết thúc để các cháu được đến trường học tập, vui chơi như trước đây.
Chuyện mắc kẹt trong mùa dịch thì có nhiều, đối tượng mắc kẹt cũng rất đa dạng, không phân biệt thành phần, giới tính, lứa tuổi… Có người từ "vùng xanh" bỗng mắc lại giữa "vùng đỏ", nhưng cũng có nhiều người từ "vùng đỏ" nay mắc lại giữa "vùng xanh".
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, mỗi người đều phải tự học cách thích nghi, vượt lên hoàn cảnh bởi cuộc sống vẫn tiếp diễn, những việc chúng ta làm hôm nay đều là vì ngày mai tốt đẹp hơn và chuyện "mắc kẹt" sẽ là những kỷ niệm nhắc chúng ta nhớ về những ngày tháng gian nan, vất vả, thậm chí cả hy sinh, mất mát của đất nước, của nhân loại chống lại dịch COVID-19, kẻ thù vô hình nhưng đầy hiểm nguy và khó lường, song chúng ta đã chiến thắng.
Bài, ảnh: Hà Trang - CTV