Chủ tịch Liên minh HTX Ninh Bình bà Lê Thị Tâm cho biết: "Ngay từ khi mới hình thành, bình đẳng được coi là giá trị cốt lõi của Hợp tác xã. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, những vấn đề làm gia tăng sự bất bình đẳng. Bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế toàn cầu thông qua thúc đẩy và phát triển HTX, mọi người, chính phủ các nước và xã hội có thể hỗ trợ cho việc thay đổi này.
Do đó thông điệp "Lựa chọn hợp tác xã, lựa chọn sự bình đẳng" được Liên minh HTX quốc tế đưa ra rất phù hợp và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của đông đảo HTX trên toàn thế giới".
Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện nay, trên thế giới có hơn 2,4 triệu HTX với số lượng thành viên lên tới hơn 1 tỷ thành viên, nhiều hơn gấp 3 lần so với số lượng cổ đông trực tiếp của các doanh nghiệp, công ty. Thêm vào đó, 250 triệu người hiện cũng đang làm việc cho HTX hoặc có những hoạt động thông qua HTX. 300 HTX lớn nhất trên thế giới có doanh thu hàng năm lên tới 2.200 tỷ USD, tương đương với GDP của một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới và phong trào HTX cũng đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt tại các quốc gia mới nổi như Brazil, ấn Độ hay Trung Quốc.
Thông qua các hoạt động của mình, HTX đã giúp các cá nhân, những nhà sản xuất, công nhân, người tiêu dùng có cơ hội theo đuổi các mong muốn và nhu cầu về kinh tế; hòa nhập với xã hội tốt hơn; tiếp cận được với hàng hóa, dịch vụ và những lợi ích mà trước đây họ rất khó tiếp cận. HTX đã minh chứng rằng có một sự lựa chọn để có thể thay đổi và hướng sự bình đẳng theo xu thế phát triển của kinh tế và xã hội.
Hiện Ninh Bình có 80 tổ hợp tác có đăng ký chứng thực của chính quyền địa phương với 470 thành viên, trong đó 57 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 14 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; 9 tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp.
Bên cạnh các tổ hợp tác thì hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng đang tồn tại 336 HTX, trong đó 275 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 39 quỹ tín dụng nhân dân, 22 HTX phi nông nghiệp và gần 80% dân số của tỉnh hội tụ dưới "mái nhà" chung này...
Các HTX, tổ hợp tác đã và đang đáp ứng thiết thực nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đời sống của các xã viên, hộ thành viên; hỗ trợ lẫn nhau về bơm nước, làm đất, áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ, cung cấp thông tin và tiêu thụ sản phẩm..., góp phần thúc đẩy sản xuất trên địa bàn. Tận dụng tốt các nguồn lực về đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tạo tiền đề cho cách làm ăn mới, hướng sản xuất tới thị trường.
Đặc biệt, thời gian qua, các HTX, tổ hợp tác đã minh chứng cho chúng ta thấy rõ vai trò của nó trong việc xây dựng và thúc đẩy sự bình đẳng trong xã hội.
Cụ thể, các HTX nông nghiệp Hợp Tiến, Đại Thành, Đồng Xuân Tiến, Nam Cường (huyện Yên Khánh); Đại Phú, Bạch Cừ (Hoa Lư); Đức Long, Xích Thổ, Hiền Lâm (Nho Quan)... ngoài đảm nhiệm tốt một số khâu dịch vụ chủ yếu phục vụ sản xuất như: thủy lợi, bảo vệ thực vật, thú y, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp còn mở rộng thêm dịch vụ thu hoạch, liên kết với các đơn vị khoa học trong cung ứng khoa học và tiêu thụ sản phẩm...
Khu vực đồng chiêm trũng, các HTX có những mô hình chuyển đổi ruộng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản; các khu vực đồi núi, đất đai khô cằn có mô hình nuôi con đặc sản như hươu, dê, ong, lợn rừng..., góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng.
Các làng nghề, ngành nghề truyền thống tổ chức tốt các mối liên kết giữa các hộ sản xuất, đảm bảo cung ứng vật tư, nguyên liệu, kỹ thuật, cải tiến mẫu mã và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... làm tăng hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
Các Hợp tác xã tín dụng chia sẻ lợi nhuận trực tiếp cho các thành viên thông qua việc trả lãi cao hơn cho các khoản tiền gửi, lãi suất vay thấp hơn với các mức phí thấp và ít hơn...
Hiện nay, phong trào HTX quốc tế cũng như ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức từ sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, sức ép từ quá trình toàn cầu hóa, sự bành trướng của các tập đoàn kinh tế tư bản, trong khi đó hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó với nhau, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức.
Việc tổ chức lại, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 trên địa bàn nói chung chậm, một số đã tổ chức lại nhưng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật. Hoạt động của HTX còn hạn chế, mức độ mang lại nhu cầu về lợi ích cho các thành viên còn chưa nhiều, nhất là HTX nông nghiệp. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thời kỳ mới.
Cơ chế, điều kiện hoạt động cho các HTX còn khó khăn, việc cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX tiến độ chậm; việc tạo điều kiện đất đai, nhà xưởng cho các HTX rất khó khăn. Trước những hạn chế của HTX hiện nay, việc triển khai thông điệp này còn gặp không ít khó khăn.
Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai đồng bộ những nội dung cốt yếu của thông điệp, Liên minh HTX tỉnh sẽ quan tâm nhiều hơn đến những HTX khó khăn và có chính sách hỗ trợ nhất định. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho các thành viên, xã viên, người lao động về Luật HTX năm 2012 và các văn bản về phát triển kinh tế tập thể.
Theo đó, cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở sẽ hiểu đúng bản chất và giá trị của HTX, làm tốt quan hệ nội bộ, chú trọng đến nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của HTX đó là sự bình đẳng, qua đó đem lại sức mạnh kinh tế cho người nghèo; tạo sự tiếp cận công bằng với các nguồn lực cơ bản như nước, điện, giáo dục, các dịch vụ tài chính và rất nhiều các hoạt động khác nữa.
Hà Phương