Được đào tạo chính quy tại khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu điện ảnh, cộng với truyền thống gia đình, quê hương có nhiều nghệ sỹ đã thành danh như: Nghệ sỹ dân gian Hà Thị Cầu; NSƯT Mai Thủy nên nghệ sỹ chèo Mai Thế Tưởng bước vào nghề thuận lợi hơn một số diễn viên khác và nhanh chóng trở thành trụ cột của Nhà hát chèo Ninh Bình.
Với gương mặt ưa nhìn và dáng người nho nhã, Mai Thế Tưởng có lợi thế hơn khi đóng các vai chính diện, nhưng người xem chèo sẽ thấy một Mai Thế Tưởng "đa năng". Anh thường tâm sự với bạn bè: "Tôi tự thấy mình không xuất sắc nổi trội, nhưng trời phú cho khả năng để có thể nhập được nhiều vai". Vì thế anh có thể làm người xem thấy anh thật "đáng ghét" khi nhập vai lệch như: Trần Thông (Liệt nữ trời Nam); Kim Nham (Kim Nham); Tuần ti đào Huế (Chu Mãi Thần), hay để lại ấn tượng sâu sắc khi vào các vai chính diện như: Lưu Bình (Lưu Bình - Dương Lễ); Khóa Kiên (Trương Hán Siêu); Dũng (Nước mắt tuổi thơ); Đức (Chuyện tình cây và đất).
Với Mai Thế Tưởng, chèo cổ hay chèo hiện đại đều đòi hỏi người diễn viên phải đào sâu suy nghĩ để có thể nhập mình vào nhân vật. Vai diễn mà anh ấn tượng nhất và phải bỏ nhiều công sức nhất là vai Khóa Kiên (Trương Hán Siêu). Suốt vở diễn, hầu hết Khóa Kiên giả vờ điên dại. Vì thế, từ lúc nhận vai diễn Mai Thế Tưởng suy nghĩ mãi, anh lang thang ngoài đường xem người điên thường hành động như thế nào, đến nỗi ngủ anh cũng mơ thấy những người điên. Nhưng chính qua vai Khóa Kiên, người xem đã thấy được một Mai Thế Tưởng với lối diễn xuất tài năng và già dặn trong nghề.
Từ khi bước chân vào nghệ thuật chèo, hầu hết thời gian Mai Thế Tưởng dành cho nghệ thuật. Lúc ở sàn tập, trên đường đi hay ở nhà anh đều tập trung cho vai diễn, từ tìm hiểu nhân vật, tìm hiểu lối diễn xuất, vì đạo diễn chỉ nói về ý tưởng, là hình tượng nhân vật vì thế đòi hỏi người diễn viên phải chủ động nghiên cứu để nhập vai. Anh thường tâm sự: "Lao động nghệ thuật là phải biết hy sinh. Người nghệ sỹ chèo không chỉ cần có lòng yêu nghề mà phải thực sự say nghề, phải có tâm huyết, bỏ thời gian và công sức ra để cống hiến cho nghề".
Hơn 10 năm gắn bó với sân khấu chèo, anh đã gặt hái được không ít những thành công, nhiều năm liền đạt Huy chương Bạc hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, được UBND tỉnh tặng bằng khen... thế nhưng Mai Thế Tưởng luôn tự nhủ: "Năng khiếu chỉ giúp người nghệ sỹ nhanh chóng thành công nhưng muốn trụ được ở nghề này thì người nghệ sỹ phải luôn luôn tự rèn luyện. Tự rèn luyện là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công".
Nhiều đoàn nghệ thuật lớn đã có ý mời anh về nhưng anh từ chối, vì với anh lao động nghệ thuật ở đâu cũng như nhau, người nghệ sỹ đều phải tự trau dồi và rèn luyện mình. Người nghệ sỹ ở địa phương ngoài việc phục vụ, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân còn có trọng trách cao cả hơn là lưu giữ, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa dân gian của địa phương. Ý thức được điều này nên Mai Thế Tưởng chỉ một lòng gắn bó với mảnh đất quê hương Ninh Bình.
Linh Nhi