"Lặng thầm xanh" - tập thơ của Võ Ngột - một người lính thời "Đường 9, Khe Sanh", người con của đất Bình Chương, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình. Gần bảy mươi tuổi đời, ra tập thơ đầu, rối đầu bởi bao cân nhắc, tính lo... như ông thì ở đất Cố đô Hoa Lư này tôi mới chỉ biết có một.
Thay vì bài giới thiệu của ai đó bảo lãnh cho tập thơ, lại là lời "Tự bạch" đặt sát dưới trang cuối bìa sách:"Thơ là sự khao khát, ước mơ cuộc sống... Là quê hương những ngày ấu thơ nuôi tôi khôn lớn, là hạnh phúc và nỗi cô đơn chợt đến, chợt đi, sự tĩnh lặng khu vườn bốn mùa hồn thơ trú ngụ. Gọi ban mai tiếng chim trong thẳm sâu mong ngóng... đợi chờ".
Để rồi tâm sự ấy mách bảo người đọc chầm chậm ngẫm ngợi về những câu thơ ở suốt 71 bài trong tập. Để cùng Võ Ngột "Tìm về Thời gian - Giao mùa sau Khoảnh khắc đông về mà mở cửa vào Lối xuân- Tháng giêng giăng mắc Mưa xuân bên Bến xuân"... Có thể nhận ra rằng thơ Võ Ngột là tâm sự của một người từng trải, đằm thắm tình đời, tình người mà tươi trẻ và tinh tế trong nhiều chủ đề, công phu tìm tòi cách thể hiện riêng để gửi gắm Những gì.../ trăn trở đầy vơi/ để người mắc nợ/ suốt đời- với quê (Với quê - tháng 4 năm 2004); hoặc Hồn nhiên xuân đợi - giao duyên/Thơ ra mở cửa - nỗi niềm đầy vơi (Lối xuân - Xuân 2007) khi Ký ức chẳng phai màu/Cháy hết mình phượng đỏ (Hương đêm - 2007). Những câu thơ day dứt như thế được diễn đạt dưới nhiều thể thức, có tần suất lớn trong tập. Đó là Tia chớp nứt rạn đêm/Giấc mơ cạn kiệt - cánh đồng/Phù sa ám ảnh - dòng sông (Giấc mơ đồng làng); là Dòng đời trắc ẩn vô vi/Có nghe cúc dại thầm thì với trăng (Hoa cúc dại); là "Chẳng lẽ - tôi lo còn nhận ra tôi/Cây lúa đồng làng/Đang thì con gái/Mơn mởn xanh/Đâu phải - vì mình" (Chẳng lẽ).
Có người bảo với tôi rằng: Ông Võ Ngột thế mà còn ham làm thơ tình phải biết! Ơ! Thi nhân nào mà chẳng làm thơ tình! Phải chăng: Cứ có anh anh, em em trong thơ mới là thơ tình sao? Mà phải chăng: Bài thơ nào có em em, anh anh cũng chỉ là để nói về tình yêu nam nữ thôi sao? Võ Ngột khiến nhiều người yêu mến thơ ông là ở chỗ đó. Ông lấy cớ nói chuyện anh - em mà là để nói cái trầm luân cõi người, về "cái tôi" và "cái chúng ta" đó thôi! "Em" trong thơ Võ Ngột là một nhân vật trữ tình; khi là ẩn dụ về thơ, khi là về ngôi thứ hai vừa có thể mang hình bóng giai nhân đâu đó: Tìm về khúc hát đồng làng/Biếc xanh cây lúa dịu dàng dáng em (Hát với dòng sông), Em… Hồn nhiên dịu dàng như thể/Một bông hồng vừa nở trong đêm (Vườn thu); vừa có thể là một đại từ nhân xưng mang nhiều vẻ mặt cần chia sẻ: Anh say đắm nhìn em - dòng sông/Thành phố trẻ (Trên núi thơ) hoặc là: Cầu giời năm tháng em vui/Nỗi buồn nghiêng cả sang tôi - nỗi buồn (Tìm về) hoặc một ám ảnh về sự thoáng lát đâu đây: Góc khuất vườn trăng/Em… có nhận ra tôi (Hoài niệm thu vàng)… Đặc biệt hơn nữa, từ "Mẹ" gắn với hình bóng quê hương được người thơ Võ Ngột nhắc đến nhiều lần trong nhiều bài. Liêu xiêu bóng mẹ/Bóng quê chập chờn trong bài Với quê; hay… Soi lên hạt thóc quê/In đậm hình bóng mẹ (Hạt thóc quê); cho dù Quê hương nay đã đổi thay/Ta về thương lại những ngày - mẹ ta… (Thương lắm đồng làng); và còn cả những ưu tư không nguôi về những trải nghiệm cõi người: Mẹ già tóc trắng như bông/Cửa thiền có có, không không nhập nhòa (Nói lời mai sau). Có thể nói thơ Võ Ngột là tiếng nói thầm sâu thẳm buồn vui của một đời người mà tuổi trẻ đằm mình trong khúc hát "Nước còn giặc còn đi đánh giặc", rồi sau ngày đất nước thống nhất lại say sưa trên bục giảng với sự nghiệp "trồng người" theo lời Bác dạy: Bàng nghiêng tán - che mát sân trường/Cây gạo đầu làng - quên tuổi tác/Vắt ngang trời… cháy đỏ - tháng Tư (Ký ức tháng Tư).
Thơ Võ Ngột đã từng được đăng tải nhiều trên các báo Phụ nữ Việt Nam, Văn nghệ trẻ, Báo Ninh Bình, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình... Hồn thơ ông đã có dịp neo đậu trong trí nhớ người yêu thơ gần xa, theo nghĩa "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình". Nhưng lần này, qua "Lặng thầm xanh" Võ Ngột có dịp "hiển lộ" rõ nét hơn bao giờ hết.
Đọc thơ Võ Ngột, theo tôi là phải đọc chầm chậm từng bài, như nhẩn nha nhắp từng giọt rượu quê để men rượu gạo đồng làng lan tỏa trong ta những lấp lánh tin yêu đi liền bổn phận làm người; mới thấm tháp hết nỗi niềm mà Võ Ngột chưng cất trong bao nhiêu lận đận để dâng tặng tri âm.
Mạc Khải Tuân