Phía sau những ngôn từ, hình ảnh, Vũ Đức Thanh muốn gửi đến độc giả những thông điệp hàm chứa những giá trị để hướng tới cái đích là lẽ sống làm người và nhận diện những quy luật đang đặt ra trong cuộc sống đương đại.
Thơ anh không gai góc, không nặng về hô hào, không lạm dụng mĩ từ mà vẫn sâu lắng, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với đọc giả. Trong khoảng lặng của đời người, những dòng kí ức như những giọt sương ngưng đọng lại trong anh, tan chảy, thấm đậm mãi trong trái tim thi sĩ.
Sau "Mùa hoa cúc quỳ", Vũ Đức Thanh đã có hàng trăm bài thơ đăng tải trên các tạp chí, ấn phẩm của Trung ương và địa phương nhưng vốn là con người cẩn trọng, chắc chắn hay nói đúng hơn là "hơi khó tính" trong thẩm định những giá trị đặt ra cho từng thi phẩm nên với tập "Lặng im nhớ" anh chỉ chọn được 38 bải.
Và quả thật, tập thơ của anh đã để lại những dấu ấn khá đặc biệt bởi sự bứt phá và thăng hoa của Vũ Đức Thanh trên con đường lao động nghệ thuật. Điều mà Vũ Đức Thanh làm được là khá tinh tế trong sử dụng cú pháp, ngôn từ, hình ảnh không sáo mòn mà vẫn giàu giai điệu, tiết tấu: "Em thả sóng vào mắt buồn/ Biển nhớ/ Nắng thủy tinh/Cát trắng đến chưa ngờ/Vẫn bí ẩn tù và vỗ gió/Tiếng ốc buồn/Thổi sóng/Mịt mù/Mưa" (Biển nhớ).
Tôi tự hỏi vì sao Vũ Đức Thanh viết được những câu thơ tự nhiên như hơi thở, như cơm ăn, nước uống mà vẫn đạt đến độ tinh tế của từng con chữ, vừa gợi cảm, vừa mở rộng đường liên tưởng "Như sương như nắng lần trôi/Thời gian như rượu trên môi cạn dần" (Đằng sau ý nghĩ).
Tình yêu quê hương trong thơ Vũ Đức Thanh là những cảm xúc máu thịt như viết ra từ gan ruột giúp đọc giả có thêm những khám phá mới về một vùng quê sơn thủy hữu tình, nổi tiếng với những đền đài, thắng cảnh. Trong bài "Núi thơ" và "Viết bên núi Non Nước", khác với những tác giả thiên về sự mô tả, dẫn dắt nhưng Vũ Đức Thanh lại có một sự khắc họa khá độc đáo "Núi thơ như ấn ngọc của trời" (Núi thơ). Ghi nhận câu thơ ký thác của Vũ Đức Thanh như một sự tìm tòi, phát hiện đầy sáng tạo khi viết về núi Thúy- Núi thơ, một ngọn núi "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam:
"Câu thần lạc cõi thẳm sâu
Hồn người sông núi mai sau tôn thờ
Non thần chẳng bạc nắng mưa
Vầng trăng yếm một lá bùa vào thơ"
(Viết bên núi Non Nước)
Hơn hai thập kỷ đi qua, nhớ ngày tái lập tỉnh Ninh Bình, những năm tháng gian khổ vẫn đọng lại trong anh những ký ức khó quên "ta nhớ người day dứt gió ngày xưa". Cái ngày xưa buồn tủi, lạc hậu, đói nghèo, rồi câu thơ như bay lên cùng tác giả:
"Rồi một sớm quê hương ơi! Tái lập
Ta đón mùa xuân vạm vỡ ngập tràn"
(Mùa của hương)
Cảm xúc của Vũ Đức Thanh thật tươi mới, mãnh liệt, mô tả không khí phấn khởi, quyết tâm như muốn vỡ òa của người dân núi Thúy, sông Vân nguyện bắt tay vào xây dựng lại quê hương "Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"
"Cả đất trời cồn cào cơn khát lớn
Ôm ban mai như chưa có bao giờ"
(Mùa của hương)
Cái cụm từ "cồn cào cơn khát lớn" được nhà thơ đặt vào một vị trí khá đắc đạo, nâng bài thơ lên thành khúc tráng ca, ca ngợi hào khí của người Ninh Bình bước vào thời kỳ xây dựng và tái thiết quê hương.
Trong "Lặng im nhớ" mảng đề tài chiến tranh được Vũ Đức Thanh đặc biệt quan tâm, âu đó cũng là đạo lý của con người Việt Nam "uống nước nhớ nguồn" luôn biết tri ân những người đã hi sinh, dâng hiến cả cuộc đời giữ cho hoa độc lập, quả tự do mãi ngát hương, trường tồn cùng đất nước với "Lời ra không", "Hàm rồng", "Nhớ Trường Sơn", "Đồng Lộc", Vũ Đức Thanh đưa đọc giả đến những địa danh đã thành bất tử.
Mỗi bài có một cốt cách riêng nhưng đều hàm chứa những giá trị nhân sinh với bao xúc động, buồn vui xen lẫn tiếc thương tự hào thật kỳ vĩ trong "Lời ru không", 10 cô gái nằm đó giữa ngã ba Đồng Lộc, trong vi vút gió ngàn, trong không gian đằm thắm, trong lời ru của gió, của mây, sự miêu tả của Vũ Đức Thanh đã đạt tới độ tuyệt mĩ của ngôn từ "Mười cô gái/ Mười vừng trăng/ Đồng Lộc/ Lời ru không/ Dội vọng/Đưa người".
Thơ Vũ Đức Thanh nghiêng về triết lý nhân sinh, thế sự nhưng không khuôn cứng khô khan mà vẫn hàm chứa được cảm xúc, nét tinh tế trong sử dụng ngôn từ hình ảnh. Thơ anh giàu hoài niệm, từ hoài niệm lại liên tưởng, mở ra nhiều suy ngẫm cho hiện tại, tương lai "Em ơi! Làm cỏ thì xanh/Làm sông thì chảy/ Thác gềnh quản chi/ Làm trăng cho buổi xuân thì/ Làm người thì nhớ/ Là khi thật người" (Để còn nỗi nhớ).
Phải là người từng trải, qua nhiều biến cố, thăng trầm và cả những vấp ngã mới có bản lĩnh và tâm thể viết ra được những bài thơ, câu thơ giàu hình tượng và sức gợi mở đến như vậy, đầy chất duy lý nhưng vẫn giàu giá trị nhân văn.
Hàng loạt những bài thơ được Vũ Đức Thanh viết dưới dạng trải nghiệm hướng đọc giả đến những giá trị nhân sinh: "Khi chơi nói nụ, nói hoa/ Khi ăn nói quả/ Làm nhà nói cây/ Bỗng đầu bão đến đất này/ Trăm ngàn trong cả vào mày gốc ơi" (Thói).
Nét độc đáo trong thơ Vũ Đức Thanh là bằng bút pháp tượng trưng, triết lý, ngữ nghĩa sâu xa, mà sức biểu cảm vẫn hết sức tinh tế. Hoa cỏ là loài hoa bình dị, có mặt trong cuộc đời ta từ buổi ấu thơ đến khi ngả chiều xế bóng, mà tác giả vẫn dẫn dắt người đọc cảm nhận được những chân giá trị đặt ra trong cuộc đời này "Làm hương cho gió/ Làm sắc cho trời/ Một bông hoa cỏ/ Dịu dàng trăng rơi". Điều mà nhà thơ muốn hướng tới là mượn hình tượng hoa cỏ mà ca ngợi phẩm giá của những người bình dị.
"Soi vào cỏ
Nhận ra hồn người".
Với "Dã tràng" Vũ Đức Thanh khuyên con người hãy sống với chính mình, biết khát vọng, ước mơ nhưng không ngộ nhận, bằng cảm xúc tinh tế và cả những đột phá trong sử dụng ngôn từ anh đã thành công trong việc chuyển tải đến đọc giả những giá trị đích thực mà cuộc sống đang đặt ra, không chạy theo những ảo tưởng xa vời.
"Ta nghe xa lắm ngoài mây trắng
Lững thững kinh thành với gió mây"
(Dã tràng)
Thơ Vũ Đức Thanh khá lặng, dẫn ta đến những miền tâm tưởng, hoài niệm, nhưng cũng có lúc khá thăng hoa, bay lên cùng cảm xúc "Em giông bão một đời neo bến đậu/ Quất ngang mưa chớp lá rụng trên đầu/ Tôi cứ chảy đến tận cùng sông chảy/ Một mùa xuân như thế vắt qua chiều" (Đêm mưa).
Với "Lặng im nhớ" Vũ Đức Thanh đã có bước tiến xa hơn trong thủ pháp, ngôn từ, hình ảnh, những trải nghiệm, cảm xúc của nhà thơ cũng đằm hơn, chín hơn nhưng sức lan tỏa cũng mạnh mẽ hơn, giàu sức biểu cảm hơn.
Được biết là người đam mê, viết khỏe, nhưng vốn tính chặt chẽ, cẩn trọng nên số lượng tác phẩm anh đem in và công bố không nhiều. Đây cũng là phẩm chất đáng quý của người cầm bút đầy trách nhiệm, "Lặng im nhớ" gồm 38 bài thơ được anh tuyển chọn khá công phu với tinh thần mang đến cho đọc giả những gì tinh túy nhất của nội dung và bút pháp thể hiện.
Tuy đây đó vẫn còn những tồn tại trong sử dụng ngôn từ hình ảnh, ở một số bài thơ còn có sự lặp từ lặp ý nhưng thơ Vũ Đức Thanh có tính hướng nội cao, ý ở ngoài lời chuyển tài được nhiều ý tưởng mà tác giả đặt ra trong tác phẩm. Vũ Đức Thanh đã tạo được những nét rất riêng trong phương pháp thể hiện mong anh tiếp tục có những gặt hái thành công hơn nữa trên con đường lao động và sáng tạo nghệ thuật đầy nhiệt tâm của mình.
Lê Liêu