Cả vạn cá thể động vật quý hiếm được hồi sinh
Thời gian qua, VQG Cúc Phương đã thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột: bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn; giáo dục môi trường gắn với khai thác du lịch sinh thái. Nhờ đó mà chỉ trong 10 năm, VQG Cúc Phương đã cứu hộ bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài. Trong đó có rất nhiều loài động vật quý hiếm nguy cấp, điển hình là 20 loài linh trưởng, 34 loài rùa cạn và rùa nước ngọt, cùng với 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng,...
Anh Đỗ Đăng Khoa (Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp) - người từng tham gia Đội cứu hộ cho biết: Từ tiếp nhận đến chăm sóc, chữa trị và phục hồi tập tính, ổn định tâm lý để cứu hộ một cá thể động vật bất kì nào đó là một quy trình kỹ thuật mang tính khoa học, đòi hỏi khắt khe kể cả thời gian, công sức, điều kiện vật chất trên nền tảng là tình yêu thiên nhiên, sự kiên trì và lòng đam mê bất tận. Mỗi cá thể được cứu hộ là một câu chuyện. Chẳng câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Nhưng, sống và đủ điều kiện trở về với mẹ thiên nhiên không biết là may mắn của chúng hay là sứ mệnh của những người làm công tác bảo tồn nhưng đó không những là một hành trình có hậu mà còn là một hành động thức tỉnh lương tri, chạm đến trái tim của nhân loại tiến bộ. Như vậy, mỗi câu chuyện là một hành trình hồi sinh.
Trong những năm qua, với nỗ lực trong công tác giáo dục môi trường thiên nhiên, hệ thống các cơ quan, tổ chức, đơn vị làm công tác bảo tồn thiên nhiên nói riêng và các cơ quan có chức năng liên quan nói chung, nhận thức và hành vi ứng xử của cộng đồng đang từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Riêng từ năm 2010- 2020, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 3.212 cá thể động vật hoang dã; tiến hành cho ghép đôi sinh sản được 1.443 cá thể động vật hoang dã. Tổ chức tái thả về môi trường tự nhiên các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trên 1.600 cá thể...
"Hành trình hồi sinh"
Với diện tích khoảng 22 nghìn ha, rừng nguyên sinh Cúc Phương là một hệ sinh thái văn hóa có bề dày lịch sử, bản sắc và vô cùng giá trị. Hệ sinh thái này có tương tác một cách hữu cơ với sự vận động của hệ sinh thái rừng, các tri thức dân gian, các tín ngưỡng dân gian, các nghề thủ công truyền thống, tạo nên nét đặc trưng vùng đất này. Cũng vì lẽ đó, VQG Cúc Phương luôn đón nhận sự đồng hành và đóng góp nhân lực, vật lực của một số tập thể, cá nhân, gia đình những người có tình yêu thiên nhiên cho nỗ lực cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã và truyền thông giáo dục. Xuất phát từ những ý nghĩa và thực tiễn trên, VQG Cúc Phương nghiên cứu, phát triển và chính thức vận hành chương trình "Hành trình hồi sinh" ngay từ những ngày đầu năm 2022.
Được biết, mọi cá nhân, gia đình, tập thể có nguyện vọng tham gia những "Hành trình hồi sinh" sẽ được tìm hiểu chung về chương trình, về mã số cá thể động vật cụ thể. Vì mỗi cá thể được Vườn ghi dấu bằng mã số riêng, có hình ảnh và câu chuyện liên quan, các mức độ đóng góp cũng như quyền lợi, lịch và chương trình đến thăm động vật hoặc kết hợp tham quan Vườn trong thời gian đồng hành. Cụ thể, giai đoạn 1 tổ chức vận hành thí điểm Chương trình Cứu hộ linh trưởng nguy cấp; giai đoạn 2 được mở rộng thêm các Chương trình Bảo tồn rùa Cúc Phương, bảo tồn thú ăn thịt và tê tê. Trong số này, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lựa chọn các "gói" để tham gia, đồng hành với cán bộ của VQG Cúc Phương trong nỗ lực cứu hộ và bảo tồn các loài, như "Đồng hành", "Kết nối trái tim", "Về nhà"...
Ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ, (VQG Cúc Phương) cho hay: Một cá thể động vật được hồi sinh, tưởng chừng như chỉ là một "hạt muối bỏ bể". Nhưng không phải thế. Dưới góc độ thực tiễn, một cá thể thôi, nhưng cũng sẽ góp phần làm hồi sinh quần thể loài đó trong tự nhiên. Chính từ những "mầm sinh" này sẽ góp phần làm nên sự hồi sinh của một góc rừng và xa hơn là đa dạng sinh học của một cánh rừng, của mẹ thiên nhiên đất nước. Chỉ một cá thể bé nhỏ thôi, nhưng đó chính là kết quả sau nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ những người làm công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh những ai ngoài kia còn đang quay cuồng với những suy nghĩ và hành vi xấu với động vật hoang dã, với mẹ thiên nhiên.
Chương trình sẽ huy động sự tham gia qua đó khơi dậy, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua nỗ lực chăm sóc, chữa trị và phục hồi sức khỏe, tập tính, tâm lý của động vật cứu hộ, nhất là những cá thể quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng cao. Là những người mở màn chương trình, nhóm "Hành trình hồi sinh" đã nhận bảo trợ một cá thể Voọc xám và đặt tên cho cá thể đó là Sunny. Chị Đỗ Bạch Dương (đang công tác tại Đài truyền hình Việt Nam) vui vẻ: "Tôi mong tất cả mọi người, nhất là các gia đình, hãy về với "thủ đô bảo tồn" của Việt Nam và tham gia những hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức của Vườn quốc gia này. Chắc chắn các bạn sẽ nhận được rất nhiều...".
Là người trẻ có lối sống hướng về thiên nhiên, anh Tạ Tuấn Minh (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Vài năm nay, gia đình chúng tôi đã coi Cúc Phương như một nơi trở về thân thuộc. Các con của tôi đều rất thích thú tìm hiểu, khám phá và học từ trong thiên nhiên. Đặc biệt, các cháu đều rất yêu quý các động vật tại các chương trình cứu hộ bảo tồn của Vườn. Với tình yêu đó, chúng tôi rất vui khi biết tin Vườn phát động Chương trình và đăng ký tham gia đồng hành ngay". "Hành trình hồi sinh" sẽ không chỉ làm phong phú hơn nữa các hoạt động cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn và phát triển sinh vật ở Cúc Phương mà góp phần xây dựng, tạo nên "thương hiệu" rất riêng - đó là danh hiệu "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2021" trong 3 năm liền.
Bài, ảnh: Minh Đường