Theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ở doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên phải thành lập tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiêu chí này, mới chỉ thành lập được hơn 120 Công đoàn cơ sở, đạt khoảng 50% theo yêu cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc vẫn còn nhiều lao động ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa được tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích.
"Gỡ khó" cho việc thành lập tổ chức Công đoàn
Đi tìm tiếng nói chung
Đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát, trong khi ở nhiều doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình việc làm, thu nhập của người lao động bắt đầu có những xáo trộn thì tại Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà (Gia Hòa, Gia Viễn) ngoài nỗ lực ổn định sản xuất, Công ty còn thành lập được tổ chức Công đoàn với khoảng 200 đoàn viên.
Để có được bước tiến này là nhờ mối quan hệ khá gần gũi giữa LĐLĐ huyện với lãnh đạo doanh nghiệp thông qua những lần cán bộ Công đoàn trực tiếp xuống cơ sở vừa tuyên truyền, vận động, vừa chia sẻ khó khăn với Công ty.
Chị Hoàng Thị Liễu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Viễn chia sẻ: Không riêng ở Công ty Thiên Hà, đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, chúng tôi thường xuyên rà soát, nắm vững tình hình hoạt động, số lao động của họ; phân loại và lập danh sách những đơn vị đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn.
Việc tổ chức đoàn công tác đến doanh nghiệp vận động thành lập tổ chức Công đoàn gồm lãnh đạo chính quyền địa phương, các phòng, ban chức năng, nên doanh nghiệp không từ chối làm việc với đoàn và hiệu quả buổi làm việc sẽ cao hơn.
Đặc biệt, việc sử dụng các "giải pháp mềm" tạo mối quan hệ, sự ủng hộ của người sử dụng lao động như tổ chức thăm hỏi, chúc mừng nhân các ngày kỷ niệm thành lập doanh nghiệp, ngày Doanh nhân, chia sẻ khi họ gặp khó khăn; mời giao lưu, gặp mặt… thực sự đã góp phần quan trọng tìm được tiếng nói chung với lãnh đạo các doanh nghiệp trong vấn đề thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên.
Còn trên phạm vi toàn tỉnh, theo đồng chí Lê Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn tiến hành nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS. Nhất là sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 13/3/2017 "về tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020" thì việc thành lập tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp có thuận lợi hơn.
Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng Chương trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; thành lập 3 tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho Công đoàn cấp huyện, ngành theo địa bàn.
Giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho các LĐLĐ huyện, thành phố, Công đoàn ngành từng năm, coi đây là chỉ tiêu cứng trong đánh giá xếp loại thi đua cuối năm. Đồng thời đưa vào tiêu chí chi tiêu nội bộ về hỗ trợ kinh phí từ 2-5 triệu đồng khi thành lập một CĐCS tùy theo số lượng kết nạp đoàn viên.
LĐLĐ tỉnh cũng coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, phương pháp cho cán bộ Công đoàn trong tiếp cận, giao tiếp ứng xử, giải quyết quan hệ lao động..., nhất là các doanh nghiệp có đông đoàn viên, công nhân lao động, các doanh nghiệp FDI. Trong các đợt tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh tại các doanh nghiệp, đối với những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn, LĐLĐ đề nghị đoàn thanh tra đưa vào biên bản kết luận.
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Viễn tặng hoa chúc mừng Công ty TNHH May xuất khẩu Thiên Hà nhân dịp thành lập CĐCS.
"Nỗ lực để có thể thành lập được hơn 80 CĐCS, phát triển được hơn 9.000 đoàn viên trong 4 năm qua là sự khích lệ không nhỏ với mỗi cán bộ Công đoàn, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, con số đó thực sự vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế bởi còn nhiều người lao động đang đứng ngoài tổ chức Công đoàn."- đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trăn trở.
Những "nhịp cầu"… chưa nối
Nếu ví CĐCS như chiếc cầu nối, góp phần đảm bảo mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa phát triển sản xuất và quyền lợi của người lao động, chủ doanh nghiệp, thì ở rất nhiều doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức Công đoàn, hoặc thành lập được tổ chức Công đoàn nhưng khó phát triển đoàn viên, dường như mối quan hệ này vẫn còn là những "nhịp cầu"… chưa nối.
CĐCS Công ty YG Vina (Khu Công nghiệp Gián Khẩu) được thành lập từ năm 2015 với 150 đoàn viên. Đến nay sau 5 năm hoạt động, CĐCS Công ty mới chỉ kết nạp thêm được khoảng 50 đoàn viên. Con số này là quá ít ỏi so với tốc độ tuyển dụng của doanh nghiệp với gần 700 lao động đang làm việc.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch CĐCS Công ty lý giải: Đã nhiều lần chúng tôi đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp về việc phát triển đoàn viên nhưng không được giải quyết. Lãnh đạo công ty băn khoăn, nếu đông đảo người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn có thể dẫn đến việc họ khó quản lý, tốn thời gian hội họp…
Đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Đó mới chỉ là một trong rất nhiều lý do mà doanh nghiệp đưa ra để trì hoãn phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Một số chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước cho rằng, khi thành lập CĐCS, doanh nghiệp sẽ phải trích kinh phí Công đoàn theo luật định; Công đoàn sẽ thực hiện các quyền kiểm tra, giám sát tại đơn vị, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ.
Trong khi đó, việc vận động thành lập CĐCS tại doanh nghiệp thành công hay không chủ yếu là do chủ doanh nghiệp ủng hộ hay không ủng hộ. Do vậy đây vẫn đang là bài toán nan giải…
Được biết, theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn; Nghị định số 98-NĐ/CP của Chính phủ quy định về thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, sau 6 tháng đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn được thành lập.
Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp đã hoạt động nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm nhưng vẫn né tránh, trì hoãn và không tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập Công đoàn. Có thể kể đến các doanh nghiệp như: Xi măng Duyên Hà, Xi măng Hướng Dương…
Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp hoạt động mang tính chất gia đình, tức là nội bộ anh em trong gia đình quản lý công ty, vì vậy việc thành lập tổ chức Công đoàn dường như được coi là không cần thiết. Hơn nữa, việc thuê lao động cũng không duy trì thường xuyên mà theo kiểu mùa vụ, theo đơn hàng nên việc vận động thành lập tổ chức Công đoàn lại càng khó khăn hơn.
Để có thể cải thiện tình trạng này, theo đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp và sử dụng đồng bộ các giải pháp như: tiếp cận, gặp gỡ, trao đổi, tuyên truyền với chủ doanh nghiệp; chú trọng tổ chức các hoạt động chăm lo, tham gia giải quyết kịp thời những nguyện vọng, nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là ở những doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn để tạo sự lan tỏa, để bản thân người sử dụng lao động, người lao động thấy được vai trò cần thiết khi có tổ chức Công đoàn.
Đồng thời, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và Luật Công đoàn…