Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về những hiện vật được trưng bày nơi đây, ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Bảo tàng Kim Chính đã dành thời gian để kể lại câu chuyện đi tìm hiện vật lịch sử. Bắt đầu từ những hiện vật mà ông bà, bố mẹ để lại như: bình tông, đài cát sét, đồng hồ…ông Tú và người bạn là Giám đốc Công ty gạch Kim Chính Dương Văn Đôn đã nhen nhóm ý định đi sưu tầm hiện vật lịch sử thời chiến. Vốn từng khoác áo lính và có thời gian tham gia quân ngũ nên việc kết nối thông tin với bạn bè ở các tỉnh, thành tương đối thuận lợi. Thông tin về các hiện vật truyền về là ông Tú, ông Đôn lại lên đường. Những điểm đến như: Quảng Trị, Huế, Củ Chi… đều in dấu chân những người lính có niềm đam mê với hiện vật chiến tranh. |
Ông Tú kể, không phải hiện vật nào khi phát hiện, tìm thấy cũng có thể mua bằng tiền. Chính bởi ý nghĩa của chính hiện vật đó nên tổ chức, cá nhân sở hữu nó cũng không muốn trao đi. Có những hiện vật để sở hữu được nó, ông Tú phải đi lại nhiều lần, vận dụng các mối quan hệ và có sự trao đổi hiện vật với hiện vật. Quá trình sưu tầm, sở hữu hiện vật đều được những người quản lý Bảo tàng chấp hành nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa, có giấy chứng nhận hiện vật là bộ sưu tập di vật của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cấp từ năm 2019. Do đó, những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng hiện nay không thể "so đo" ở khía cạnh kinh tế bởi tâm huyết, công sức của người đi sưu tầm là không gì đo đếm được. |
Bắt đầu từ năm 2008, đến nay đã gần 20 năm ông Nguyễn Văn Tú và Dương Văn Đôn luôn duy trì công việc sưu tầm hiện vật lịch sử. "Kiến tha lâu cũng đầy tổ", từ vài hiện vật đơn giản ban đầu, đến nay Bảo tàng Kim Chính đã sở hữu hơn 3.000 hiện vật, được chia làm 3 mảng: hiện vật chiến tranh, hiện vật thời bao cấp và hiện vật thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. |
Dọc theo con đường đê về xóm 9, xã Kim Chính, Bảo tàng Kim Chính- nơi lưu giữ những hiện vật từ quá khứ đã thu hút khách tham quan bởi ý nghĩa từ các hiện vật đem lại. Ông Bùi Văn Nhâm, người quản lý Bảo tàng luôn nhiệt tình dẫn du khách đi giới thiệu từng khu vực, từng hiện vật với niềm tự hào của một người đã từng khoác áo lính. |
Gắn bó với công việc của Bảo tàng từ những ngày sơ khai đầu tiên, với ông Nhâm, Bảo tàng cũng như nhà mình và hiện vật nơi đây như những người bạn đã từng một thời "vào sinh ra tử". Khi biết những du khách trẻ tuổi còn chưa hiểu đầy đủ về lịch sử dân tộc, về truyền thống dựng nước và giữ nước, ông Nhâm đã cặn kẽ giải thích từng hiện vật với một thái độ hết sức trân trọng. |
Được chứng kiến và tận tay sờ vào các hiện vật một thời "hoa lửa" như: máy bay, tên lửa, đầu đạn, vũ khí, hầm bí mật… nhiều bạn trẻ đã bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ trước tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của lớp cha anh qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. |
Đến thăm Bảo tàng Kim Chính, nhiều hiện vật có mặt tại đây còn cho thấy sự kỳ công, tâm huyết của những người sưu tầm: phòng trưng bày tiền giấy, tiền đồng qua các thời kỳ của Việt Nam và một số nước trên thế giới đều có đủ; các loại tem phiếu thời bao cấp như: sổ gạo, tem phiếu thực phẩm, giấy chứng nhận sở hữu xe đạp…gợi lên những hình ảnh thời bao cấp đầy gian khó. |
Khu vực trưng bày hiện vật thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa với cối xay lúa, cối đá, giần, sàng… là những đồ dùng trong sinh hoạt của người dân vùng nông thôn Bắc Bộ xưa cũng khiến những du khách trẻ vô cùng thích thú. |
Cùng với tâm huyết và niềm đam mê sưu tầm hiện vật lịch sử của những người quản lý bảo tàng, quá trình sưu tầm cho đến việc hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ, sắp đặt, trưng bày hiện vật… Bảo tàng Kim Chính đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, Bộ CHQS tỉnh… và ở cả các tỉnh, thành có liên quan đến hiện vật. |
Sau quá trình nhiều năm sưu tầm, chuẩn bị các điều kiện, từ tháng 6/2020 Bảo tàng Kim Chính chính thức được UBND tỉnh cấp phép hoạt động. Đã có nhiều đoàn khách trong huyện, trong tỉnh tìm về tham quan, tìm hiểu. Với thế hệ sinh ra sau thời chiến, những hiện vật lịch sử nơi đây càng trở nên trân quý bởi bằng tâm huyết và trách nhiệm của những người lính bộ đội cụ Hồ như ông Tú, ông Đôn đã góp phần giáo dục truyền thống của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ bằng chính những hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử và thời gian. |