Ở vào thời điểm tái lập tỉnh, Ninh Bình là một tỉnh nghèo trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (chiếm 62,9% GDP). Tuy vậy sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ cũng chưa phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng chậm và chưa vững chắc, còn mang nặng tính chất tự cung, tự cấp. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, phân tán, manh mún; kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, sản xuất kinh doanh ở nhiều đơn vị quốc doanh thua lỗ, lao động thiếu việc làm, trong khi dân số tăng cao. Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng; trên 20% số hộ dân thuộc diện hộ nghèo… |
Đồng chí Nguyễn Thanh Túc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhớ lại: Những ngày đầu tái lập tỉnh bên cạnh những thuận lợi cơ bản, thì tỉnh cũng hết sức khó khăn về mọi mặt. Đó là đội ngũ cán bộ vừa thiếu, lại vừa yếu, vừa không đồng bộ. Trụ sở làm việc của các cơ quan kể cả trụ sở của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều tạm bợ, một thời gian khá dài phải ở nhờ tại các nhà tạm của thị xã Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Ngân sách cho tái lập tỉnh chỉ có 5,7 tỷ đồng, không đủ để sửa sang, quét vôi ve các nhà tạm và trụ sở của các cơ quan tỉnh. Phương tiện làm việc rất thiếu thốn, thô sơ, tài sản ở nhiều cơ quan chỉ có mỗi 1 chiếc điện thoại quay tay. Không ít cơ quan thậm chí cũng chưa có máy điện thoại, máy đánh chữ… Nhưng khó khăn cơ bản nhất vẫn là nền kinh tế nghèo nàn, hạ tầng yếu kém. |
Trước những khó khăn khi tái lập tỉnh, đội ngũ lãnh đạo, những người đứng đầu BCH Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lúc bấy giờ đã luôn xác định phải làm thật tốt, không được kém hơn so với khi chưa tái lập. Và thực tiễn cho thấy trong ba thập kỷ qua, xuyên suốt trong tư duy và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình qua các thời kỳ, đó chính là sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của nhân dân để tạo thế và lực mới cho vùng đất "địa linh nhân kiệt". |
"Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển mạnh hơn, toàn diện hơn, mục tiêu này được cụ thể hóa ngay tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (vào tháng 8/1992): Tập trung phát triển nông nghiệp, khai thác phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển công nghiệp, du lịch nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp; phải khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong công nghiệp xác định công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và công nghiệp vật liệu". Đồng chí Nguyễn Thanh Túc chia sẻ. Một năm, hai năm rồi nhiều năm sau tái lập tỉnh, với ý chí, khát vọng vươn lên, người Ninh Bình đã đi qua gian khó bằng trí tuệ, bằng lòng tin vào công cuộc đổi mới của Đảng và đã nhanh chóng bứt phá để nâng tầm vị thế của tỉnh trên bản đồ đất nước. Một trong những chủ trương mang tính đột phá, đó chính là việc chuyển sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn. Để công nghiệp có sự chuyển dịch, tỉnh quan tâm định hướng thu hút đầu tư, ưu tiên các ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, logistics phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sự chuyển dịch đúng hướng này đã giúp công nghiệp Ninh Bình tăng trưởng nhanh, bền vững. Đến năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,7% tổng GRDP toàn tỉnh, đóng góp trên 50% tổng số thu ngân sách. |
Đặc biệt với truyền thống lịch sử của một vùng đất giàu trầm tích văn hóa cùng những danh lam, thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng, ngay sau ngày tái lập tỉnh, Ninh Bình đã xác định phải khai thác tiềm năng, lợi thế này để phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện. Chủ trương này được thực hiện kiên trì, quyết liệt trong nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh. Nhiều cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển nhân lực ngành du lịch đã được ban hành, tạo sức bật cho ngành "công nghiệp không khói" phát triển. Vì vậy, hoạt động du lịch trên địa bàn có bước chuyển mình mãnh mẽ, đã hình thành một số khu du lịch trọng điểm, nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển du lịch Ninh Bình, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư, dần đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. |
Không khó để nhận diện những quyết sách đột phá nhằm thực hiện khát vọng phát triển của Ninh Bình trong ba thập kỷ qua, đó chính là những định hướng trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn gắn với đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi. Những quyết định mang tính lịch sử được triển khai và thực thi như: mở rộng địa chính thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình); điều chỉnh địa giới hành chính các huyện, xã, phường; xây dựng các công trình phân lũ, chậm lũ bảo đảm phát triển sản xuất và ổn định đời sống dân sinh; đầu tư xây dựng các tuyến đê biển để tiếp tục vươn ra biển, làm giàu từ biển… Những định hướng quan trọng này đã thể hiện tầm nhìn xa, rộng, tạo dư địa và động lực cho sự phát triển của địa phương không chỉ hiện tại mà còn cho cả tương lai. |
Từ một tỉnh thuần nông và là tỉnh nghèo, sau 30 năm tái lập tỉnh, hôm nay Ninh Bình đã vươn lên tầm cao mới, trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước. Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, Ninh Bình đã khai thác tiềm năng lợi thế so sánh, tạo ra những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 49,1%; Du lịch - dịch vụ 39%; nông, lâm nghiệp, thủy sản còn 11,9%. Riêng năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 5,71%, gấp hơn 2,2 lần mức bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 71,5 triệu đồng, gấp 85 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Thu ngân sách đạt trên 22 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 14 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó số thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng trên 550 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2021 gấp 563 lần năm 1992 với tổng số tiền đạt trên 26.800 tỷ đồng. Năm 2022, Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách, đây là thành quả bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Ninh Bình chung sức, đồng lòng phấn đấu. |
Với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, người Ninh Bình đã vươn lên khẳng định những thành tựu quan trọng trong giáo dục - đào tạo. 5 năm gần đây, Ninh Bình luôn xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT; là tỉnh thứ 3 trong cả nước về công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ. |
Những năm gần đây, Ninh Bình còn có sự phát triển vượt bậc trong hội nhập kinh tế số, là tỉnh đứng thứ 8 toàn quốc về chuyển đổi số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm. Đến nay chỉ còn 3,07%, trên 98% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện, thành phố được công nhận chuẩn nông thôn mới; có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 165/1355 thôn đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện nâng cao. Ông Đinh Văn Hồng, trưởng thôn Đá Hàn (Gia Hòa, Gia Viễn) cho biết: Sau tái lập tỉnh 1 năm (năm 1993), Đá Hàn là một trong 2 khu kinh tế mới được tỉnh thành lập. Cũng như nhiều người dân trong xã, trong huyện Gia Viễn lúc bấy giờ, đa phần đời nghèo khó, lạc hậu, đa số phải ăn cơm trộn sắn, khoai… Nhưng hôm nay, Đá Hàn đã phát triển vượt bậc, trở thành một trong những thôn đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của xã Gia Hòa. Hiện toàn thôn chỉ còn 4 hộ nghèo và đang phấn đấu đạt khu nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023. |
Đánh giá về vị trí, vai trò của tỉnh Ninh Bình trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước qua 30 năm đổi mới, sáng tạo và phát triển, T.S Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Ninh Bình có một vai trò, vị trí quan trọng, đặc biệt là thời kỳ ban đầu của nhà nước phong kiến. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, Ninh Bình tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển đi lên của đất nước, nhất là trong giai đoạn quốc gia dân tộc tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước theo mô hình mới - mô hình kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Sau 30 năm tái lập tỉnh, thế và lực trong phát triển của Ninh Bình đã có sự khởi sắc mạnh mẽ. (Ninh Bình 30 năm đổi mới, sáng tạo và phát triển- Kỷ yếu Hội thảo- Ninh Bình 2022) |
Sự "thay da, đổi thịt" của Ninh Bình ghi thêm những mốc son chói lọi từ ý Đảng, lòng dân. Truyền thống hào hùng của quê hương, sự chuyển mình mạnh mẽ của Ninh Bình hôm nay là niềm tự hào của những ai đang sống trên mảnh đất thân yêu này. |