Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021-2025 là Nghị quyết về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng chính quyền điện tử được tỉnh ta chọn là khâu đột phá quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển và ứng dụng CNTT, cải cách hành chính; đồng thời thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, tỉnh ta đã phát triển công nghệ thông tin - truyền thông hiện đại, đồng bộ, kết nối liên thông các hệ thống thông tin, hạ tầng cơ sở dữ liệu của tỉnh, doanh nghiệp; chia sẻ dữ liệu số, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức phục vụ cho đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử. Xây dựng mạng lưới chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng; phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững phục vụ người dân, xã hội. |
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và chính quyền được quan tâm chỉ đạo; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy định về gửi nhận văn bản điện tử trên mạng thông tin diện rộng của Đảng và trên mạng Internet. Vận hành có hiệu quả song song hai hệ thống: Mạng diện rộng của các cơ quan Đảng (MegaWan) và hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT- iOffice (trên Internet), tích hợp chữ ký số chuyên dùng theo đúng quy định. Các văn bản điện tử được gửi, nhận trên môi trường Internet/Wan/Lan được đưa vào vận hành, đã từng bước đưa Ninh Bình cùng với các địa phương khác tham gia đầy đủ vào trục liên thông văn bản quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan nhà nước các cấp; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và công bố công khai các thủ tục hành chính; đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh để giải quyết các thủ tục cho các tổ chức, cá nhân được thuận lợi và nhanh gọn hơn. Chính vì thế, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính và hành chính công được nâng lên. Chỉ số cải cách hành chính từ năm 2015 đến nay của tỉnh luôn nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: "Thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền điện tử chính là sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan nhà nước. Mục tiêu là công dân được thụ hưởng thái độ và văn hóa phục vụ chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức; quy trình giải quyết thủ tục, hồ sơ được giám sát bằng công nghệ thông tin, vừa hiệu quả vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế sự phiền hà, nhũng nhiễu cho công dân. Chính vì thế mà cần xây dựng chính quyền điện tử phải đi đôi với thực hiện chuyển đổi số". |
Đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công chia sẻ đầy tâm huyết với chúng tôi về vấn đề chuyển đổi số trên địa bàn (CĐS): Bản chất của CĐS là quá trình số hóa các hoạt động, dữ liệu thông tin trong mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên môi trường mạng. Quá trình này giúp tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian trong việc thực hiện các giao dịch. Đây là xu thế tất yếu, diễn ra nhanh chóng, phổ biến ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và Ninh Bình không được đứng ngoài cuộc, phải bắt nhịp đủ nhanh và mạnh. Chuyển đổi số được đánh giá là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số cũng như hướng tới phát triển chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử một cách bền vững nhất. |
Để hoàn thiện chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trước năm 2025, cần xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước. Cùng với đó là các giải pháp đưa vào vận hành chính thức các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cho dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến; xây dựng các hệ thống chứng thực điện tử theo Nghị định 45/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Song song đó là chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; phát triển hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của địa phương có kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin, báo cáo của Chính phủ; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của cơ quan Nhà nước; áp dụng các công nghệ mới nhất về truyền thông xã hội phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… |
Có thể nói giữa chủ đề công tác năm 2021 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có mối quan hệ hữu cơ khăng khít, gắn bó với nhau tạo nên chỉnh thể thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chìa khóa quyết định chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng. Trong 3 vế của chủ đề công tác năm gồm kỷ cương, trách nhiệm và cải cách hành chính thì chuyển đổi số vừa giữ vai trò then chốt, vừa là động lực, vừa là đích đến. |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung thảo luận, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất chủ đề công tác năm 2021 là "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính". Đây là chủ đề ngắn gọn, dễ nhớ, thiết thực, gắn liền với trách nhiệm, công việc hằng ngày của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Sau khi chủ đề được triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cũng như giám sát việc thực hiện các nội dung ký cam kết của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo thành lập 3 đoàn kiểm tra thực tế tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương để đánh giá thực chất kết quả thực hiện; lấy kết quả thực hiện Chủ đề công tác năm là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại đối với tập thể và cá nhân trong năm 2021. |
Thực hiện Chủ đề công tác năm, trong cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện việc rà soát, đánh giá các quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình theo đúng hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, rườm rà, phức tạp gây khó khăn, cản trở tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã đã tích cực rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian, quy trình giải quyết các thủ tục hành chính phức tạp, liên thông giải quyết với nhiều cấp, ngành nhằm giảm tối đa thời gian và tài chính của cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. |
Từ đầu năm 2021 đến nay, tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã được rà soát, phê duyệt phương án đơn giản hóa là 1.344 thủ tục hành chính, với tổng số 2.590 bước giải quyết được cắt giảm trong quy trình nội bộ, rút ngắn thời gian thực hiện trong giải quyết thủ tục hành chính là 3.141 giờ so với quy định (so với năm 2020, số giờ được cắt giảm tăng 2.381 giờ). Tổng số thủ tục hành chính đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.937 thủ tục (cấp tỉnh 1.539 thủ tục, cấp huyện 281 thủ tục, cấp xã 117 thủ tục). 100% thủ tục hành chính đã được niêm yết công khai tại nơi giải quyết và trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. 100% các thủ tục hành chính đã được phê duyệt quy trình nội bộ, được xây dựng quy trình điện tử áp dụng thực hiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã được nâng lên. Năm 2020, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Ninh Bình đạt 85,64%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 88,36 điểm, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước. Những đổi mới này đã tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, hướng tới xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và của tỉnh. |