Theo thông tin từ Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến tháng 9/2021 Ninh Bình là một trong số các địa phương hoàn thành sớm chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4, thuộc nhóm các địa phương đi đầu trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu cung cấp DVCTT mức độ 4 trước thời hạn quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Xác định tỷ lệ DVCTT mức độ 4 là một trong những tiêu chí cơ bản đầu tiên và quan trọng thuộc mục tiêu "Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội" của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 5/5/2021 về việc triển khai cung cấp 100% DVCTT có đủ điều kiện ở mức độ 4 và tích hợp DVCTT mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu với Cổng DVC quốc gia năm 2021. |
Đồng chí Trần Thị Thảo, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trước khi cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên mức độ 4, Ninh Bình đã triển khai nhiều biện pháp và nguồn lực để thúc đẩy số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 4 trong giải quyết TTHC. Để thực hiện việc đưa các DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, cùng nỗ lực của các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh. |
Với vai trò đầu mối, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa để tăng cường kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đồng thời, đảm bảo việc kết nối liên thông với hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và DVCTT để theo dõi trực tuyến tình hình cung cấp thông tin, DVCTT trên địa bàn tỉnh. Sở TT & TT cũng phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ để lựa chọn và đưa 100% dịch vụ có đủ điều kiện lên Cổng DVC quốc gia. Từ đó có các giải pháp thúc đẩy kịp thời, phát huy hiệu quả các DVCTT mức độ 4 đã cung cấp. |
Thực tế việc giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm một cửa, một cửa liên thông các huyện, thành phố cho đến các xã, phường, thị trấn, các DVCTT mức độ 4 đã và đang được thực hiện ngày càng chiếm tỷ lệ tăng dần trong tổng số các DVCTT. |
Theo định nghĩa về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Là loại hình dịch vụ công cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng Internet ở mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian, chi phí. Chúng tôi đã gặp một số cá nhân, doanh nghiệp để tìm hiểu xem định nghĩa này đã được ứng dụng như thế nào? Hiệu quả ra sao? Anh Vũ Nguyễn Trung Kiên, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình chia sẻ: Tôi có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Do nắm bắt được quy trình online nên tôi chỉ ở nhà sử dụng máy tính là có thể hoàn thiện các thủ tục, chỉ chờ ngày trả kết quả. Cách làm này mà theo tôi được biết chính là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 rất thuận tiện cho công dân khi có nhu cầu… |
Tại Công ty CP Dầu khí Ninh Bình (PV OIL), ngoài việc cung cấp hàng hóa cho khách hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Công ty còn có các chi nhánh ở tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương… nên mỗi năm sử dụng khoảng hơn 100.000 hóa đơn. Chưa kể, lượng khách hàng lẻ là các xe vận tải, vận chuyển hàng hóa nửa đêm vào đổ xăng cũng phải xuất hóa đơn thanh toán. Chỉ nguyên chi phí cho việc mua sắm văn phòng phẩm như: giấy, mực in, trang thiết bị… đã chiếm một khoản kinh phí kha khá của doanh nghiệp. Nhưng từ tháng 5/2020 đến nay khi Công ty chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, mọi việc đã khác. Chị Phạm Thị Minh Ngọc, Kế toán trưởng Công ty cho biết: Từ khi cơ quan Thuế triển khai hóa đơn điện tử, mọi thủ tục thuế của doanh nghiệp đối với Nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng, không còn văn bản giấy tờ nào liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Nếu như trước kia, việc kê khai và viết hóa đơn bằng giấy thường hay sai sót, nhất là việc kê khai báo cáo rất phức tạp. Nhưng từ khi thực hiện chủ trương của ngành thuế về việc triển khai hóa đơn điện tử, Công ty đã ký hợp đồng với VNPT Ninh Bình để triển khai phần mềm hóa đơn điện tử… |
Trên đây là 2 trong số hàng nghìn tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dịch vụ liên quan đến các cơ quan hành chính Nhà nước, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Tại địa chỉ http://dichvucong.ninhbinh.gov.vn, người dân có thể vào truy cập thông tin cũng như theo dõi, kiểm tra tiến độ giải quyết thủ tục của bản thân, doanh nghiệp. Kết quả giải quyết các dịch vụ ở các mức độ của từng sở, ngành, địa phương cũng được niêm yết công khai, tạo thuận lợi để người dân theo dõi, giám sát. |
Gắn bó Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ khi đi vào hoạt động đến nay tròn 1 năm, đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Với 857/1.247 DVCTT được thực hiện mức độ 4 đã đưa tỷ lệ các TTHC được thực hiện trực tuyến tại Trung tâm đạt trên 50%, vượt xa so với tỷ lệ ban đầu khi mới thành lập Trung tâm là trên 20%. |
Tham gia quy trình giải quyết TTHC trên môi trường mạng với 151 DVCTT mức độ 4, Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình là đơn vị có tỷ lệ hồ sơ phát sinh luôn đạt trên 50%, cao hơn mức trung bình của khối huyện, thành phố theo quy định là từ 20%. Đồng chí Hoàng Ngọc Khuyến, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Để DVCTT phát huy hiệu quả trong việc phục vụ thuận lợi nhu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, cùng với việc làm tốt các phần việc chuyên môn như: cập nhật trạng thái hồ sơ, liên thông dữ liệu, chuyển đổi hồ sơ giải quyết TTHC bằng giấy thành hồ sơ điện tử, sử dụng chữ ký số… Trung tâm còn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền qua các kênh thông tin để mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp biết và thực hiện các DVCTT trên môi trường mạng. |
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ tại các trung tâm từ tỉnh đến cơ sở, cung cấp các dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội luôn là nhiệm vụ được mỗi người chú trọng, ngay trong thực hiện quy trình giải quyết TTHC. |