Bồ đề là một loài cây mang ý nghĩa thiêng liêng trong Phật giáo đối với các quốc gia ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Ninh Bình, nhiều năm trở lại đây cây Bồ đề được trồng nhiều ở các khu di tích, điểm du lịch. Trong đó, trồng nhiều nhất là tại tuyến đường vào khu du lịch Tràng An- Bái Đính… Từ một loài cây mang ý nghĩa tâm linh thuần túy, dưới sự sáng tạo, mạnh dạn khám phá của một số người trẻ, cây Bồ đề với sản phẩm đặc trưng là những chiếc lá đã đi vào đời sống xã hội thông qua các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, trong đó nổi bật là tranh lá Bồ đề. |
Hoàng Thanh Phương, sinh năm 1984 hiện đang là chủ phòng tranh Bồ đề Tây Phương (số 1 Đào Duy Từ, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình) và Vũ Trung Đức, sinh năm 1988 (Giám đốc HTX Sinh Dược) vốn có mối quan hệ bạn bè và cùng tham gia kinh doanh, tuy mỗi người một lĩnh vực. Ý tưởng về việc sử dụng lá cây Bồ đề để làm sản phẩm du lịch đến với Hoàng Thanh Phương hết sức tình cờ khi trong quá trình giới thiệu đặc sản vùng miền mà anh kinh doanh cho khách du lịch, anh luôn trăn trở trước câu hỏi của du khách: Ninh Bình có sản phẩm lưu niệm đặc sắc nào để làm quà? |
Trao đổi với Vũ Trung Đức về trăn trở này, Đức đã giới thiệu cho Phương về chiếc lá Bồ đề với hướng phát triển thành sản phẩm du lịch vì nhìn thấy được tiềm năng của chiếc lá cũng như cảm thấy sẽ chinh phục được những chiếc lá tưởng như sẽ bỏ đi qua mỗi mùa…. |
Cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu, cả Phương và Đức đều nhận thấy tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch từ những chiếc lá Bồ đề là hoàn toàn khả thi vì Ninh Bình là tỉnh đang có sự phát triển du lịch mạnh mẽ, trong đó có du lịch tâm linh. Thêm vào đó, thuận lợi là những câu chuyện liên quan đến chiếc lá Bồ đề tại vùng đất Cố đô dường như là nguồn tư liệu vô tận để giới thiệu với du khách khi Ninh Bình có chùa Bái Đính- công trình lập nhiều kỷ lục thế giới cũng là ngôi chùa trồng nhiều Bồ đề- loài cây xuất xứ từ Nepal, Ấn Độ, Srilanka... |
Cùng bắt tay vào thực hiện dự án đưa Bồ đề trở thành sản phẩm du lịch từ năm 2018, thuận lợi của những người tiên phong chính là khu vực HTX Sinh Dược nơi Đức làm giám đốc ở xã Gia Sinh, Gia Viễn, ngay khu vực chùa Bái Đính có trồng nhiều Bồ đề. Sẵn cơ sở vật chất, nhà xưởng và nhân lực là đội ngũ xã viên HTX, quá trình chế tác chiếc lá Bồ đề để trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc được bắt đầu… |
Nguồn nguyên liệu dồi dào là hàng ngàn cây Bồ đề được trồng dọc tuyến đường Tràng An-Bái Đính vào mỗi tháng 7, tháng 8 hàng năm sẽ cho thu hái vì đây là thời điểm chuẩn bị vào thu, lá Bồ đề sắp rụng. Bên cạnh đó, để có nguồn nguyên liệu chủ động cho sản xuất, HTX Sinh Dược còn trồng khoảng gần 1 ha cây Bồ đề. Vào tháng 7, tháng 8, các xã viên HTX sẽ tham gia thu hái lá bởi đây là thời điểm xương lá dày dặn, thời tiết thuận lợi cho việc ngâm, chải lá. Lá hái về sẽ cho ngâm trong nước vôi 60 ngày để lấy xương lá rồi chải sạch giữ lại đường gân, đem khơi nắng. Sau đó nhuộm màu để chiếc lá chính thức trở thành nguyên liệu làm nên các sản phẩm theo ý tưởng của những người thợ; tranh lá Bồ đề theo chủ đề, viết chữ thư pháp trên lá hay tạo thành các sản phẩm tạo hình kết hợp từ thân cây, gỗ, rơm khô… |
Để làm nên những tác phẩm tranh lá theo chủ đề, những người thợ tại các phòng tranh đã cần mẫn, tỉ mỉ để sáng tạo nên các tác phẩm. Như tại phòng tranh Bồ đề Tây Phương, theo anh Hoàng Thanh Phương: Ban đầu, anh và những người thợ chỉ làm được những tác phẩm đơn giản. Khi đưa sản phẩm đi giới thiệu và đi tặng, có cơ hội tiếp cận với những người làm nghệ thuật, anh đã nghĩ đến việc phát triển dòng tranh Bồ đề thành các tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Kể từ đó, với sự phối hợp, hỗ trợ của các họa sỹ, nhiều tác phẩm nghệ thuật được hình thành. Không chỉ là những tác phẩm tranh lá Bồ đề, một số sản phẩm khác như: tác phẩm tạo hình, Bồ đề bon sai… cũng đang được phòng tranh triển khai, được khách hàng đón nhận. |
Quá trình đưa chiếc lá Bồ đề vào đời sống dưới hình thức là sản phẩm du lịch, "khâu" giới thiệu, quảng bá được Hoàng Thanh Phương và Vũ Trung Đức hết sức chú trọng. Ngoài các kênh quảng bá qua mạng xã hội, báo chí, bản thân những người gắn bó với chiếc lá Bồ đề phải thực sự am hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của sản phẩm, sẵn sàng thuyết trình để người được tặng, được cho cảm nhận được giá trị tinh thần lan tỏa từ tác phẩm mang đậm ý nghĩa Phật giáo. |
Có những thời điểm, sản phẩm lá Bồ đề nguyên liệu được nhiều cơ sở trong nước tìm đặt hàng với số lượng lớn, rồi nhiều cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ và giới thiệu sản phẩm…Bên cạnh đó, trong quá trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cả Phương và Đức đều nhận được sự cố vấn và chỉ giáo của các nhà chùa về giáo lý nhà Phật, đặc biệt là ý nghĩa sâu sắc về cây Bồ đề. Đó là những động lực để Hoàng Thanh Phương, Vũ Trung Đức thêm quyết tâm vào sự lựa chọn của mình và xác định sẽ đi "dài hơi" với chiếc lá nhiều ý nghĩa. |
Hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 2 phòng trưng bày sản phẩm từ lá Bồ đề là phòng tranh Bồ đề Tây Phương ở thành phố Ninh Bình và phòng tranh Bồ đề Vạn Hạnh tại xã Gia Sinh, Gia Viễn. Tại phòng tranh Bồ đề Vạn Hạnh, các sản phẩm chủ yếu là tranh Bồ đề xếp dạng tròn và các sản phẩm lá Bồ đề đơn giản. Còn nếu du khách có nhu cầu chiêm ngưỡng và tìm hiểu về các loại tranh lá Bồ đề theo chủ đề, có thể tìm đến phòng tranh Bồ đề Tây Phương. Tại đây, nhiều tác phẩm tranh lá Bồ đề đặc sắc được trưng bày: tác phẩm tạo hình Bồ đề 1.000 năm; tác phẩm "Khổng tước song toàn", "Bồ đề tâm", "Đại thụ ngàn năm", phong cảnh, chim muông… Nhiều tác phẩm đã được Công ty TNHH Bồ đề Tây Phương đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là bước đi đầu tiên của những người sở hữu tranh lá Bồ đề để sản phẩm được bảo vệ và xây dựng thương hiệu. |
Sản phẩm tranh lá Bồ đề tuy mới đi những bước đi khởi đầu nhưng đã và đang là sự lựa chọn để trang trí cho không gian sống của nhiều người, nhiều gia đình, đặc biệt là không gian Phật giáo… Tại HTX Sinh Dược, gần 1 ha cây Bồ đề trưởng thành và khoảng 5 ha diện tích ươm giống cây được xác định là vùng nguyên liệu ổn định để mở rộng thị trường, không chỉ là các tỉnh, thành trong nước mà vươn tới đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài. |
Ấp ủ dự định về việc hình thành một không gian văn hóa nhằm lan tỏa giá trị tinh thần, nét văn hóa độc đáo, góp phần quảng bá sản phẩm du lịch ngay tại quê hương, cả Đức và Phương đều chia sẻ: Cùng với việc gắn bó, dành nhiều tâm huyết với những chiếc lá Bồ đề, bản thân cả hai người đều đang nỗ lực kinh doanh với các ngành nghề khác nhau để "nuôi" ước mơ dài hơi… Khi đó, đến với Ninh Bình, cùng với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, du khách trong nước và quốc tế có thể thưởng thức những không gian văn hóa đậm chất "thiền định", thư giãn và nghỉ ngơi, tránh xa những ồn ào, xô bồ của cuộc sống thường ngày… |