Ninh Bình là vùng đất cổ, cách đây hơn 3 vạn năm, người Việt cổ đã cư trú trên mảnh đất này. Lịch sử và tên gọi của vùng đất này gắn với nhiều tên gọi khác nhau như châu Đại Hoàng, châu Trường Yên, châu Đại Hoàng Giang, lộ Trường Yên, trấn Thiên Quan, trấn Thanh Hoa ngoại, đạo Thanh Bình. Năm 1822, chính thức xuất hiện danh xưng Ninh Bình khi vua Minh Mạng đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình. Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, tỉnh Ninh Bình có vị thế đặc biệt quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. |
Trong cuốn "Ninh Bình toàn tỉnh địa chỉ khảo biên" của danh nho Nguyễn Tử Mẫn viết: "Đến năm đầu đời Gia Long (1802) của quốc triều, vẫn là ngoại trấn... Đến năm thứ 5 (1806) đổi là đạo Thanh Bình, đặt các chức quan, tham hiệp, mỗi chức một người. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi là đạo Ninh Bình. Năm thứ 10 (1829) thăng lên là trấn, đặt các chức trấn thủ, hiệp trấn và tham hiệp, có việc được đưa thẳng lên trên. Năm thứ 12 (1831) chia hạt và đổi trấn làm tỉnh…" (Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, NXB CTQG, HN 2001, tr.67). Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: "Bản triều (triều Nguyễn)... năm thứ 5 (1806), đổi Thanh Hoa ngoại trấn làm đạo Thanh Bình, đặt một quản đạo và một tham hiệp, vẫn lệ thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi tên phủ Trường Yên làm phủ Yên Khánh; năm thứ 3 (1822) đổi tên đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình. Năm thứ 10 (1829) đổi làm trấn Ninh Bình... Năm thứ 12 (1831) đổi trấn làm tỉnh Ninh Bình..." (Đại Nam nhất thống chí, T3, NXBKHXH, HN, 1971, tr,225). |
Theo Bộ Lịch sử địa lý đồ sộ "Đồng Khánh dư địa chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần chú về tỉnh Ninh Bình chép như sau: "Năm Gia Long thứ 5 (1806), đổi Thanh Hoa Ngoại trấn làm đạo Thanh Bình. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi làm đạo Ninh Bình. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) lại đổi làm trấn, lập thêm một huyện Kim Sơn (cộng 7 huyện). Năm thứ 12 (1831) đổi làm tỉnh Ninh Bình" (Đồng Khánh dư địa chí, NXB Thế giới, HN 2002, tr.1013). Ngoài ra, ở một số tài liệu trong cuốn "Đất nước Việt Nam qua các thời kỳ" (Đào Duy Anh chủ biên) ; "Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình" (Trương Đình Tưởng chủ biên) của các nhà nghiên cứu lịch sử tỉnh Ninh Bình cũng đều khẳng định từ thời nhà Nguyễn, năm 1822 đã có danh xưng Ninh Bình. |
Hiển hiện danh xưng Ninh Bình là tinh thần của vùng đất vững chãi, bình yên, phát triển. Nhà sử học Trương Đình Tưởng cho rằng: Năm 1822, đạo Thanh Bình được đổi tên là đạo Ninh Bình. Điều này mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Sở dĩ việc đổi tên này bắt nguồn từ vị trí địa lý, lịch sử và vị thế của vùng đất tỉnh ta. Về vị trí địa lý: Ninh Bình nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Địa thế này trong binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo gọi là thế "ỷ dốc"- tức là dựa vào độ cao để giành thế chiến lược. Ninh Bình có dải núi Tam Điệp vô cùng hiểm trở. Hoàng Lê Nhất thống chí có viết đại lược rằng: "Tranh được núi thì vững, giữ chỗ hiểm thì chắc". Giữa Thanh Hoa nội và Thanh Hoa ngoại (tức là giữa Thanh Hóa và Ninh Bình) có dải Tam Điệp ngăn cách, ấy là chỗ trời đất tạo dựng, rất là hiểm trở. Ai chiếm được sẽ giành phần thắng. Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, mảnh đất Ninh Bình luôn âm vang các cuộc hành quân thần tốc vào Nam, tiến quân ra Bắc. |
Về truyền thống lịch sử: Ninh Bình từng là kinh đô nước Đại Cồ Việt của vương triều Đinh - Tiền Lê và khai sinh nhà Lý từ cuối thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ thứ XI và là vùng đất thời nào cũng sinh ra những anh hùng, hào kiệt. Về mặt ngôn ngữ học, chúng ta có thể phân tích những thành tố hợp thành danh xưng Ninh Bình: "Ninh" nghĩa chữ Hán là "yên ổn"; "Bình" tức là thanh bình -Vùng đất yên ổn, thanh bình, không có những cuộc khởi nghĩa nông dân như các vùng đất khác trong thời kỳ đó. |
Cũng cần phải nói thêm rằng, dưới thời Minh Mạng, trong nước liên tục xảy ra các cuộc nổi dậy của nông dân chống lại triều đình. Nhà vua phải ra rất nhiều đối sách dẹp loạn. Danh xưng Ninh Bình xuất hiện vào năm 1822 đã thể hiện kỳ vọng của vua Minh Mạng, đó là mong muốn vùng đất này lúc nào cũng bình yên và phát triển vững chãi. Mặt khác, danh xưng Ninh Bình ra đời đã đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân ta lúc đó, bởi trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất này phải mang nhiều danh xưng khác nhau, phụ thuộc vào nhiều vùng đất các tỉnh láng giềng, thì đến năm 1822, danh xưng Ninh Bình xuất hiện với tư cách là một đạo đã mở ra cơ hội để vùng đất này vươn lên trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương - tỉnh Ninh Bình vào 9 năm sau đó (năm 1831). Ninh Bình tên gọi đầy ý nghĩa không chỉ để xác lập một đơn vị hành chính độc lập, mà còn thể hiện tầm nhìn xa, rộng của vua Minh Mạng về vùng đất địa linh nhân kiệt cũng như khát vọng về dân tộc hùng cường. Năm 1822 trở thành một bước ngoặt, một mốc son tươi sáng trong tiến trình dựng xây và phát triển của đất và người Ninh Bình. |