Theo AP, tại cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề "Các xu hướng gần đây tại Biển Đông và chính sách của Mỹ", do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức vừa diễn ra tại Oa-sinh-tơn, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mai-cơ Rô-gơ (Mike Rogers) đã cáo buộc việc Trung Quốc hăm dọa các nước láng giềng là hành động gây hấn khi cố kiểm soát Biển Đông. Ông cho rằng, Trung Quốc đã dùng khả năng riêng của họ để thực hiện yêu sách trên Biển Đông. Ông Mai-cơ Rô-gơ tuyên bố: "Bất cứ nền quân sự nào trên thế giới sử dụng sức mạnh để bắt nạt, hăm dọa và làm bất ổn nền kinh tế thế giới, không đem lại lợi ích cho Mỹ, sẽ không phải là đồng minh hay bạn của chúng ta. Lợi ích quốc gia của Mỹ là phải giúp giải quyết vấn đề này, đẩy lùi hoạt động khiêu khích của Trung Quốc ở khu vực". Nghị sĩ Mỹ cũng cho rằng, chính sách đối ngoại Mỹ phải trực diện và quyết liệt hơn. Ông đồng thời kêu gọi Mỹ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác quân sự với các nước khác trong khu vực để gây áp lực với Trung Quốc và cho thấy nước này không phải là cường quốc duy nhất, thống trị.
Theo trang tin Philstar.com (Phi-líp-pin), cựu Bộ trưởng Nội vụ Phi-líp-pin, ông Ra-pha-en A-lu-nan (Rafael Alunan) nói: "Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là sai lầm và vô căn cứ. Luật pháp và lịch sử cho thấy, Trung Quốc chẳng có gì ngoại trừ điều hư cấu cho rằng họ sở hữu Biển Đông và không ai tin họ".
Trên Tạp chí Diplomat, chuyên gia thuộc Bộ Quốc phòng Pháp chuyên nghiên cứu Biển Đông, tướng về hưu Đa-ni-en Sáp-phơ (Daniel Schaeffer) đã nhận xét "đường lưỡi bò 10 đoạn" mà Trung Quốc đưa ra mới đây là bức màn hoang đường che giấu sự thật bên trong. Tướng Đ.Sáp-phơ cho biết, các cuộc gặp gỡ trao đổi với các nhà nghiên cứu và chính khách Trung Quốc cho thấy, trước năm 2009 chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ đề cập một cách chính thức đến "đường lưỡi bò" như một ranh giới bất khả xâm phạm tới chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Họ luôn duy trì biểu tượng của đường này từ 11 đoạn tới 9 đoạn và 10 đoạn gây ra tình trạng mập mờ về thực chất yêu sách của Trung Quốc, khiến cho các quốc gia trong vùng rất khó đối phó. Chuyên gia Đ.Sáp-phơ dẫn chứng bằng việc Trung Quốc đã gửi công hàm tới Tổng thư ký LHQ năm 2009, trong đó đính kèm bản đồ có "đường lưỡi bò" , nhưng cũng không hề có gì cụ thể hơn, theo ông như vậy nghĩa là vẫn rất mơ hồ, mập mờ.
Có nhiều thời gian ở Trung Quốc và tiếp xúc với nhiều giới học giả tại đây, chuyên gia Đ.Sáp-phơ phát hiện ra rằng, chính Trung Quốc cũng chưa hẳn thực sự tin rằng "đường lưỡi bò" là của họ. Ông viết: "Tôi đã nghe nhiều phát biểu rất lạ rằng, "đường lưỡi bò" không phải do thể chế nhà nước CHND Trung Hoa tạo ra, mà là sự kế thừa của thể chế dân tộc chủ nghĩa trước đây. Nên dù muốn hay không cũng không thể buông ra. Bởi không một thể chế nào muốn mang tiếng là "không yêu nước" nếu không đoạt được hơn 2 triệu ki-lô-mét vuông "đường lưỡi bò" trên Biển Đông".
Ngay chính một số học giả Trung Quốc cũng bày tỏ sự hoài nghi đối với "đường lưỡi bò" mà nước này yêu sách trên Biển Đông. Trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Giáo sư Lý Vĩnh Long, thuộc Trường Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), cho rằng: "Việc từ bỏ hoàn toàn "đường lưỡi bò" sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng mập mờ cản trở thực tiễn, làm cho các cuộc đàm phán khách quan và tin cậy hơn và xây dựng lại hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy hơn với láng giềng và quốc tế".
MAI NGUYÊN/QĐND