Tôi đọc thơ anh ngay từ tập đầu "Cỏ ven đường" đến tập "Dòng sông và thời gian" thì thấy mừng bởi Trương Minh Phố luôn ý thức trách nhiệm trong lao động ngôn từ.
Tập thơ đã có sự dụng công, bứt phá, vượt lên. Nhiều câu thơ đã có dư âm, tạo được những lớp xa gần, kéo người đọc cùng suy ngẫm. "Dòng sông và thời gian" đa dạng về đề tài, nhưng có lẽ tập trung nhất, quán xuyến nhất và thành công nhất vẫn là mảng đề tài giữ mối liên hệ ràng buộc, khăng khít giữa Trương Minh Phố và miền quê nơi anh chôn nhau cắt rốn. Cái miền quê mà lúc nào cũng ăm ắp trong anh hình bóng người mẹ, người chị, người em tần tảo trên những cánh đồng ngập tràn sương gió; ăm ắp trong anh những đường làng, khói bếp, tiếng gà trưa, con nước đục, nước trong của sông Thưa; những tháng Ba, tháng Mười, bãi dâu, bờ cỏ…
"Trong cuộc sống nên có nhiều khoảng lặng/Một phút thôi để ta chính là ta". Khi tự nhủ những câu thơ như thế thì chắc hẳn trong anh đã có nhiều khoảng lặng, từ những khoảng lặng anh nhìn ra bốn mặt cuộc đời và bắt gặp: "Tiếng mẹ gọi lẫn trong tiếng sóng". Rồi rưng rưng: "Thấy áo rách choàng lên áo rách"; thấy: "Nắng chiều trôi trên những cánh cò". Và không khỏi ngậm ngùi về: "Hạt lúa quê mình cũng hình giọt mồ hôi"…
Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, rồi định cư ở Ninh Bình, thơ anh mang nhiều hoài niệm, đau đáu và da diết về một miền quê cứ vời vợi xa xăm: "Hoa xoan tím lưng trời như trách khéo/Sao lâu rồi không về lại tháng Ba".
Sao lại là hoa xoan, và sao không là tháng Năm, tháng Mười mà là tháng Ba? Có thể tháng Ba trong anh đầy lên thật nhiều kỷ niệm về: Hoa mướp vàng dậu thưa, về: Lời mẹ dặn để quên ngoài bậu cửa, về: Bóng mẹ gầy bập bùng bếp lửa, và Ngõ nhà xao xác lá tre rơi…
Tháng Ba cũng là tháng vừa tiễn một mùa đông nhưng còn vương chút gió lạnh để gợi cho anh nỗi nhớ: "Những chiều đông chăn trâu đốt lửa/Một củ khoai thơm cả cánh đồng làng".
Phải chăng, tháng Ba còn là tháng đang dịch chuyển sang hè thường tạo nên những âm thanh thảng thốt trong đêm. Hình như Trương Minh Phố về quê, đã nhặt lên từ trong đêm câu thơ không ngủ thảng thốt chuyển mùa: "Ngoài sân chừng đã rơi vài mo cau".
Suốt chặng đường dài gắn bó với công việc khảo sát, lặn lội đến nhiều vùng xa, vùng sâu, ở với núi rừng, đèo dốc, qua nhiều gian nan, anh đã thấy được những con người lao động đồng lòng vượt lên mỗi khó khăn và anh đã viết những câu thơ theo dọc bước chân người khảo sát: "Bàn tay ấm những bàn tay/Trong đêm chớp giật, mưa quây cửa rừng".
Ở công trình Cửa Đạt nếu không có tình yêu trong lao động, không có niềm tin vào thành quả đang gần, chắc Trương Minh Phố không có những câu thơ như thế này: "Chùm mây trắng lang thang/Gió phóng khoáng lướt dòng Chu phóng khoáng/Nghe nồng nàn hương quế tóc ai thơm".
Khép lại tập "Dòng sông và thời gian", tôi vẫn nghe thấy rì rầm những câu thơ trong từng trang sách, vẫn nghe thấy lời bộc bạch, tâm tình đâu đây của Trương Minh Phố. Cái đẹp của thơ anh mà tôi bắt gặp là cái đẹp chân thật. Thơ anh trong sáng, hồn nhiên cứ tự lòng dâng trào cảm xúc. Người thơ ấy, mạch thơ ấy đang đi trên con đường thơ của mình vào dòng chảy thi ca.
Bình Nguyên
(Hội VHNT Ninh Bình)