Nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng, là con thứ 11 trong một gia đình có cha làm nghề thợ may. Bắt đầu hoạt động âm nhạc từ năm 1940, sáng tác giúp tên tuổi Phan Hùynh Điểu được biết rộng rãi sau "Trầu cau" là bài "Ðoàn giải phóng quân" viết cuối năm 1945. Ðây là một ca khúc có giá trị cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng, để lại ấn tượng rất sâu đậm trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phan Hùynh Điểu gia nhập quân đội, công tác ở Liên khu 5. Thời gian này, ông viết một số ca khúc như: "Nhớ ơn Hồ Chủ tịch", "Quê tôi ở miền Nam", "Mùa đông binh sĩ", "Bài ca thanh niên tuyên truyền xung phong"...
Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc Vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành, là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hội. Tháng 12/1964, ông vào chiến trường Trung Trung Bộ, ở trong Ban Văn nghệ khu. Bản hành khúc "Ra tiền tuyến" với bút danh Huy Quang đã trở thành giai điệu thôi thúc những người lính Khu V ngày ấy. Sau khi thống nhất đất nước, ông chuyển về Hội âm nhạc TP.Hồ Chí Minh làm việc và sáng tác.
Nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu được ví là "Cánh chim đầu đàn" trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Tình yêu nước dạt dào là một trong những nguồn cảm hứng giúp nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu có những tác phẩm lay động lòng người. Âm nhạc của ông có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc như: "Cuộc đời vẫn đẹp sao", "Hành khúc ngày và đêm" (Thơ Bùi Công Minh), "Đoàn giải phóng quân", "Mùa đông binh sĩ", "Ra tiền tuyến"... Số lượng tác phẩm nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu đã để lại cho âm nhạc Việt Nam trong một quá trình lịch sử, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là một khối lượng đồ sộ.
Một trong những tuyến đề tài sáng tác của nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu đọng lại sâu sắc trong lòng người mộ điệu chính là những ca khúc được phổ thơ. Ông được xem là "ông hoàng phổ thơ" cho ca khúc. Có rất nhiều bài thơ sau khi được ông chắp thêm giai điệu đã bay cao, bay xa và được đông đảo công chúng đón nhận và được yêu thích đến tận bây giờ như: "Bóng cây kơnia" (thơ Ngọc Anh); "Cuộc đời vẫn đẹp sao" (thơ Dương Hương Ly); "Hành khúc ngày và đêm" (thơ Bùi Công Minh), "Anh ở đầu sông em cuối sông" (thơ Hoài Vũ), "Sợi nhớ sợi thương" (thơ Thúy Bắc)…
Đặc biệt, đến những năm 1980, âm nhạc của nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu đã chắp cánh cho hồn thơ Xuân Quỳnh với "Thơ tình cuối mùa thu", "Thuyền và biển", "Sóng"… Nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu từng nói "thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh". Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Thế nên có quá nửa gia tài âm nhạc ông để lại là các bài hát phổ thơ.
Với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong thế kỉ XX, nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" và được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu qua đời là một mất mát to lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhưng những tác phẩm và cống hiến của ông sẽ mãi mãi sống trong lòng người yêu nhạc. Vĩnh biệt nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu - một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.
Theo Dangcongsan